Aa

Vừa sống vừa run bên cạnh công trình “tử thần”

Thứ Ba, 19/09/2017 - 07:40

Những công trình xây dựng là sự khởi đầu cho niềm vui của một số người, đồng thời cũng là nỗi lo luôn thường trực với một bộ phận không nhỏ những gia đình “trót” là hàng xóm bất đắc dĩ với những công trình đó nếu sự an toàn trong quá trình thi công không được đặt lên hàng đầu.

"Tai bay vạ gió" từ trên trời rơi xuống

Không ít lần, xã hội đã chứng kiến rất nhiều những vụ việc rơi vật liệu xây dựng, sắt thép từ những công trình xây dựng trên cao và những hậu quả cũng chưa bao giờ là nhỏ.

Đơn cử như, ngày 19/2/2016, khối bê tông kèm vật liệu xây dựng từ tầng 7 tòa nhà 74 Thợ Nhuộm (TP. Hà Nội) rơi trúng mái nhà của 3 hộ dân, chủ nhà đã may mắn thoát chết nhưng không tránh khỏi bị thương. Phần mái của các ngôi nhà đã bị biến dạng, nhiều đồ đạc bị hư hỏng; gạch ngói, bê tông vương vãi khắp nơi.

Tại khu vực xây dựng nhà ga tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (TP. Hà Nội) năm trước, một thanh sắt bất ngờ rơi từ trên cao xuống khiến 1 người đi đường thiệt mạng, 1 người khác bị thương nặng.

Trước đó, một người phụ nữ điều khiển xe máy khi lưu thông qua công trường xây dựng tòa nhà Keangnam đã bị 1 thanh sắt rơi trúng tay phải, khiến xương trụ cánh tay bị vỡ vụn. Còn tại một công trường xây dựng ở phường Phúc La, quận Hà Đông, một nam sinh viên cũng đã tử nạn khi bị khối vật liệu xây dựng từ công trình này rơi từ trên cao xuống trúng người.

Ngay sau đó, công trình này đã bị đình chỉ thi công đến lúc có thể đảm bảo được an toàn tính mạng cho người dân lân cận.

Hay mới đây nhất, ngày 14/9 bê tông, vật liệu xây dựng và cả một tấm tôn lớn dài hơn 2m phi như một lưỡi dao khổng lồ từ tầng cao của dự án Opal Garden (do Tập đoàn địa ốc Đất Xanh làm chủ đầu tư) xuống sân bóng bên cạnh. Lúc đó là sáng sớm, không có người qua lại nên đã tránh được những tai nạn thương tâm.

Tấm tôn bay xuống từ dự án Opanl Garden

Tấm tôn bay xuống từ dự án Opanl Garden.

Được biết, đây không phải là lần đầu dự án này để xảy ra những sự việc như vậy. Trước đó mấy ngày, tại một dãy trọ sát công trình xây dựng dự án, 1 thanh sắt dài khoảng 6m phi thẳng từ tòa nhà đang xây dở xuống nhà trọ của chị Phạm Thị Huyền. Rất may mắn, chị và đứa con nhỏ 2 tháng tuổi của mình không bị thương.

Theo người dân sinh sống xung quanh, từ khi khởi công đến nay, việc vật liệu xây dựng rơi xuống nhà dân là điều thường xuyên, tệ hơn công trình này còn gây lún nứt, hư hỏng rất nặng đến nhà cửa, đường xá của khu vực cạnh dự án.

Nhà hư hỏng nặng

Nhà dân quang dự án hư hỏng nặng.

Luật là quy định trên giấy?

Được biết, việc bồi thường thiệt hại lún nứt cho các hộ dân sẽ thực hiện theo Điều 3, Thông tư 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh BĐS; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

Điều 3. Về xử lý công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 13; Khoản 2, Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP

Tổ chức, cá nhân có hành vi tổ chức thi công xây dựng vi phạm quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận (bao gồm cả công trình hạ tầng kỹ thuật); có nguy cơ làm sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2, Khoản 4 Điều 13; Khoản 2, Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, đồng thời bị ngừng thi công xây dựng để bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục như sau:

a) Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc bên bị thiệt hại vắng mặt tại buổi thỏa thuận lần đầu mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai. Tại buổi thỏa thuận lần hai mà bên bị thiệt hại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên vi phạm được tiếp tục thi công xây dựng sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mức tiền bảo lãnh căn cứ vào yêu cầu của bên bị thiệt hại, có xem xét đến đề nghị, giải trình của bên vi phạm;

b) Trường hợp thỏa thuận lần hai không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 07 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả;

c) Trong thời hạn 07 ngày mà một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác
và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và kết quả giám định lần 2;

d) Sau 30 ngày mà tổ chức giám định không cung cấp kết quả giám định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sử dụng kết quả giám định ban đầu làm cơ sở xác định bồi thường thiệt hại. Bên gây thiệt hại có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và chuyển đầy đủ số tiền bồi thường theo kết quả giám định vào tài khoản đó. Sau khi bên gây thiệt hại đã chuyển đủ số tiền vào tài khoản tại ngân hàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cho phép tiếp tục thi công xây dựng công trình.

Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.

Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định tại các Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.

Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.

Luật quy định là vậy, nhưng vẫn chưa thấy một động tác thiết thực nào từ phía Tập đoàn Đất Xanh với người dân.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần khẩn trương và quyết liệt hơn nữa để xử lý thật triệt để những công trình đang gây rất nhiều hệ lụy như Opal Garden để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời, làm gương cho những chủ đầu tư đã đang và sẽ tiếp tục khởi công những công trình kém an toàn coi nhẹ tính mạng người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top