Aa

Vui buồn cổ tức ngân hàng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 14/05/2023 - 05:59

Mùa Đại hội cổ đông năm nay, nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin vào việc chia cổ tức của ngân hàng, nhưng thực tế không ít người chỉ nhận được sự hụt hẫng.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã hoàn tất Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Trong khi có ngân hàng mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt thì không ít ngân hàng lại quyết định giữ lại khoản lợi nhuận chưa phân phối, khiến nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi.

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý là thường quan tâm đến các thông tin về trả cổ tức hơn là các thông tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi kỳ đại hội cổ đông của các ngân hàng, các cổ đông lại đặt nhiều kỳ vọng vào “quả ngọt” cổ tức.

Nhà đầu tư Nguyễn Thuý An (Hà Nội) chia sẻ, cách đây một năm, mặt bằng giá cổ phiếu ở mức thấp so với vài năm trước, thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, cơ hội đầu tư ngắn hạn không cao. Trước diễn biến của thị trường, chị An lựa chọn cơ hội đầu tư an toàn trong trung và dài hạn, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức ở mức cao, theo đó chị chuyển sang mua các cổ phiếu này để hưởng cổ tức.

“Mua cổ phiếu để hưởng cổ tức là kiểu đầu tư ăn chắc mặc bền, mặc dù tình hình kinh doanh năm 2023 dự kiến khó khăn, nhưng tôi kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ hồi phục kể từ năm 2024. Theo đó, tôi dành một nửa tài khoản thực hiện chiến lược đầu tư hưởng cổ tức”, chị An chia sẻ.

Chị An cũng cho biết thêm, vừa qua chị tham dự ĐHCĐ thường niên của MBBank và nhận được thông tin vui là ngân hàng này có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay. Cụ thể, ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, trong đó 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 15%) và 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt (tương đương tỷ lệ 5%).

“Trong tình hình kinh tế hiện nay nhiều ngành nghề chưa ổn định thì việc chia cổ tức của ngân hàng là tin tốt đến với nhà đầu tư nhỏ như tôi, đó cũng là niềm tin để tôi tiếp tục tái đầu tư và kỳ vọng năm sau lợi nhuận sẽ tốt hơn”, chị An nói.

Còn theo anh Nguyễn Tuấn Mạnh, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ, các doanh nghiệp bị thua lỗ thì cổ đông dễ chấp nhận, nhưng nhiều công ty đã đạt kết quả kinh doanh tốt nhưng vẫn không chia cổ tức sẽ khiến nhà đầu tư không hài lòng, thậm chí dễ phản ứng trong các ĐHĐCĐ.

Cũng theo nhà đầu tư này, những cổ đông, nhà đầu tư nhỏ khi nắm giữ cổ phiếu lên khoảng 2 năm là quá dài. Thế nên trường hợp doanh nghiệp 1 năm, 2 năm không trả cổ tức thì còn chấp nhận được nhưng đến 4 năm, 5 năm hay lên cả 10 năm vẫn không chia dù năm nào cũng có lợi nhuận thì không công bằng với cổ đông.

Một minh chứng khác là tại Đại hội cổ đông của Sacombank mới đây lại “dậy sóng” bởi những chất vấn của các cổ đông lâu năm. Một cổ đông đặt vấn đề ngân hàng trích quỹ khen thưởng và phúc lợi (năm 2022 trích 404,7 tỷ đồng), nhưng lại lờ đi việc chia cổ tức.

“7 - 8 năm rồi chúng tôi không được chia cổ tức. Quý vị cứ nói lòng vòng, chúng tôi không chịu. Quý vị đi thẳng vấn đề là có chia cổ tức hay không? Góp tiền cho quý vị kinh doanh rồi không chia đồng nào hết, chúng tôi không thống nhất điều đó”, cổ đông nêu quan điểm.

Cổ đông phát biểu tại đại hội cổ đông của Sacombank
Cổ đông phát biểu tại Đại hội cổ đông của Sacombank. (Nguồn: Sacombank)

Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh giải thích, hiện ngân hàng vẫn đang tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép bán đấu giá lượng cổ phần của ông Trầm Bê, phấn đấu giải quyết trong năm nay xong sau đó sẽ chia cổ tức. Nhìn lại thì lần gần nhất, Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Như vậy tính đến nay đã 8 năm, nhà băng này không chia cổ tức.

Diễn biến hiện nay cho thấy các ngân hàng ít bị hạn chế hơn trong việc chia cổ tức, trái ngược với giai đoạn 2020 - 2022. Vào đầu năm ngoái, Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng) yêu cầu các nhà băng không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay. Còn chỉ thị trong năm nay là khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Như vậy, việc chia cổ tức bằng tiền mặt không còn bị kìm chặt như trước.

Tuy nhiên, trước những diễn biến chưa tươi sáng của thị trường nói chung, ngành ngân hàng hiện cũng đang đối diện với nhiều thách thức và hệ lụy. Đây cũng là áp lực đối với ngành ngân hàng trong ngắn hạn, do đó phần lớn các ngân hàng đều quyết định giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho năm sau thay vì chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông.

ngân hàng
Nhìn trong triển vọng dài hạn, ngành ngân hàng vẫn được dự báo đem lại nhiều cơ hội tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư. (Ảnh minh hoạ: Vietnamplus)

Kỳ vọng mới về ngành ngân hàng và cổ tức

Ngành ngân hàng rất đặc thù, vì nếu muốn chia cổ tức, bên cạnh việc kinh doanh có lãi, các định chế tài chính này còn phải đảm bảo các hệ số an toàn vốn và thanh khoản. Do đó, các nhà băng có khả năng chia cổ tức, đặc biệt là bằng tiền mặt là những ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, bền vững và tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mặt bằng chung của hệ thống.

Nhìn trong triển vọng dài hạn, ngành ngân hàng vẫn được dự báo đem lại nhiều cơ hội tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư. Bởi thực tế, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2022 vẫn cho thấy lợi nhuận, nhiều nhà băng tiếp tục lập kỷ lục mới của chính mình. Đây là cơ sở quan trọng tạo niềm tin cho nhà đầu tư về kỳ vọng trả cổ tức cao hơn, đặc biệt là triển khai chia cổ tức bằng tiền mặt trong thời gian tới.

Giới phân tích cũng đánh giá, thách thức của ngành ngân hàng đang giảm dần bởi các lý do: 

Thứ nhất, lãi suất huy động đã giảm nhanh từ giữa tháng 3/2023 đến nay, đặc biệt sau khi Ngân hàng Nhà nước có hai lần giảm lãi suất điều hành, giúp chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng đang đi xuống trở lại. Đây được xem là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực nhất lên hoạt động của các ngân hàng, khi không chỉ giảm bớt áp lực lên nguy cơ hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) bị thu hẹp. Lãi suất huy động thấp hơn dẫn đến lãi suất cho vay sẽ dần thấp hơn, giúp giảm bớt rủi ro nợ xấu gia tăng, đồng thời thúc đẩy tín dụng có thể tăng trưởng nhanh hơn khi kích thích nhu cầu vay tăng trở lại.

Thứ hai, mặc dù rủi ro nợ xấu vẫn còn đó, thể hiện qua chất lượng tín dụng của một số ngân hàng có tín hiệu suy yếu qua báo cáo tài chính công khai tại ĐHĐCĐ vừa qua, với con số nợ xấu tuyệt đối lẫn tỷ lệ nợ xấu tương đối đều tăng nhanh so với cùng kỳ lẫn so với cuối năm trước khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng ảnh hưởng lên lợi nhuận. Tuy nhiên, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ khi cho phép các ngân hàng được tái cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn đến tháng 6/2024.

Đáng chú ý, theo thông tin chia sẻ từ Ngân hàng Nhà nước trong cuộc họp mới đây, tín dụng quý I/2023 đang tăng chậm, chủ yếu do nhu cầu vốn của nền kinh tế yếu. Hiện cơ quan này đang đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Ngoài ra, khi điều kiện cho phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm thêm lãi suất điều hành. Đây đều là những chính sách hỗ trợ ngành nói chung và các ngân hàng nói riêng nhằm giảm bớt thách thức trong hoạt động năm nay.

Chia sẻ tại toạ đàm chủ đề “Triển vọng ngành ngân hàng năm 2023” diễn ra chiều 11/5, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán MayBank Kim Eng cho hay, từ cuối năm 2022 đến nay, ngành bất động sản gặp vấn đề pháp lý rất nặng khiến dòng tiền không đáp ứng được theo kế hoạch trả nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu, làm tăng áp lực về tỷ lệ nợ xấu cho ngân hàng.

Với tỷ trọng cho vay doanh nghiệp phát triển bất động sản của cả hệ thống hiện đang chiếm khoảng 7%, tính cả trái phiếu là 10%, trong kịch bản tệ, nếu phân nửa số vốn vay này trở thành nợ xấu cũng không đẩy các ngân hàng về mức nợ xấu như cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quản lý giúp nợ xấu không tăng đột biến. Cùng với mức đệm dự phòng hiện nay cộng với khả năng sinh lời của ngân hàng, ông Quản Trọng Thành cho rằng áp lực nợ xấu đối với ngành ngân hàng là có nhưng không gây rủi ro hệ thống.

Như vậy, nếu nhìn vào diễn biến của ngành ngân hàng hiện nay, các nhà đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn về cổ tức, thay vì lướt sóng “ăn” theo cổ tức của nhà băng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top