Quyết định chuyển hướng chiến lược tập trung vào số hóa các dịch vụ ngân hàng, điển hình là ra mắt dịch vụ LiveBank từ hơn 3 năm trước, mang lại cho TPBank một lợi thế lớn đưa eKYC (phương thức định danh khách hàng điện tử) tới khách hàng nhanh hơn.
Sức nóng chuyển đổi số
Chỉ trong một tháng qua, thị trường ngân hàng Việt Nam liên tiếp đón nhận hai sự kiện lớn: Vietcombank ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank và BIDV phát động Chiến dịch chuyển đổi số.
Trong lịch sử hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, những thành viên lớn như Vietcombank hay BIDV nói trên đều đã có bề dày hoạt động hơn nửa thế kỷ; quy mô tổng tài sản ở “Top” đầu và vượt trội nhiều lần so với các NHTM cổ phần tư nhân. Vì vậy, các cuộc chuyển đổi số mới được kích hoạt tại những “ông lớn” này được cho là sẽ mang lại sức nóng cạnh tranh trên thị trường.
Nhưng nhìn rộng ra thị trường, sự chuyển đổi số ở những “ông lớn” này dường như chậm hơn một nhịp so với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tuy có quy mô nhỏ hơn nhưng lại năng động hơn trong ứng dụng công nghệ. Đơn cử như trường hợp TPBank. Nhà băng tím này gần đây đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công eKYC trên ứng dụng di động. Đây là cột mốc mới đánh dấu sự vượt trội về số hóa dịch vụ khách hàng của TPBank so với các ngân hàng khác.
eKYC (định danh khách hàng điện tử) cho phép khách hàng đăng ký tài khoản thành công và thực hiện các giao dịch được ngay chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Cụ thể, ngân hàng đã hoàn tất toàn bộ quy trình eKYC trên di động tới bước xác thực định danh cao nhất nhờ công nghệ gọi điện trực tuyến (Video Call), đảm bảo xác minh thông tin qua app có hiệu quả như gặp mặt trực tiếp. Đây được coi là bước hoàn thiện quy trình định danh khách hàng trực tuyến, cho phép khách hàng mở hạn mức tối đa cũng như thực hiện đầy đủ các giao dịch như khi đăng ký tại quầy. Tại Việt Nam, mới chỉ có TPBank là ngân hàng đầu tiên hoàn thiện tới bước định danh này và đã sẵn sàng đưa vào hoạt động khi hành lang pháp lý hoàn thiện.
Sở dĩ TPBank có thể ứng dụng ngay tính năng onboarding tích hợp eKYC mới này là nhờ ngân hàng đã dám đầu tư, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua giải pháp mới từ một đối tác châu Âu, dám chấp nhận bỏ đi giải pháp Mobile Banking cũ, vốn đã mất nhiều năm xây dựng, dựa trên responsive HTML5 rồi chuyển sang native app như đa phần các ngân hàng Việt Nam hiện đang có, để chuyển đổi hẳn sang một giải pháp hoàn toàn mới được gọi là eBank X, và triển khai thành công từ hồi cuối năm 2019. Giải pháp mới này có thể coi như một hệ thống ngân hàng lõi thu nhỏ (mini-corebanking), dựa trên nền tảng micro service tân tiến, với UI/UX (giao diện và trải nghiệm người dùng) hiện đại, đủ khả năng phục vụ hàng chục triệu khách hàng, nhưng lại rất linh hoạt trong việc triển khai các tính năng, dịch vụ mới, đồng thời cho phép nâng cấp từng phần mà không cần dừng hệ thống.
Như vậy, trong khi nhiều ngân hàng mới bắt đầu đẩy mạnh chiến dịch chuyển đổi số, thì quá trình số hóa của TPBank đã được nâng lên một cấp độ mới. Không chỉ còn là số hóa các dịch vụ ngân hàng để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng hiện hữu, eKYC của TPBank giúp các khách hàng mới được tiếp cận, trải nghiệm dịch vụ ngân hàng nhanh nhất, đơn giản nhất mọi lúc, mọi nơi.
Chỉ trong tuần đầu ra mắt eKYC, đã có gần 5.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản thông qua ứng dụng di động TPBank dễ dàng. Con số này cho thấy, sự tiện lợi của eKYC nhanh chóng đã đáp ứng đúng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là những khách hàng trẻ vốn thích sự tiện lợi, đơn giản và am hiểu công nghệ.
Lợi thế đi trước, chuyển sang cấp độ cao hơn
Có một câu hỏi rằng, tại sao eKYC của TPBank lại nhanh chóng được hàng nghìn khách sử dụng đến như vậy?
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN từng ví von eKYC là "tấm vé gửi xe" đầu tiên cho các ngân hàng làm số hóa thì ở TPBank, tấm vé đầu tiên này đã được tận dụng hiệu quả từ 4 năm trước khi ứng dụng thành công eKYC trên hệ thống ngân hàng tự động 24/7 LiveBank của mình và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam làm được điều này. Khách hàng TPBank từ 4 năm trở lại đây đã có thể chủ động mở tài khoản bất cứ lúc nào mà không cần "căn" giờ hành chính mới có thể làm được.
Chính nhờ kinh nghiệm triển khai và vận hành eKYC từ LiveBank trong thời gian dài vừa qua, Ông Nguyễn Hưng cho biết: “Chúng tôi không mất nhiều thời gian ứng dụng lên nền tảng di động, đồng thời, chúng tôi cũng lường trước và hạn chế được các rủi ro phát sinh trên app.”
Đây cũng là thành quả của quyết định lựa chọn chiến lược chuyển đổi số, và tầm nhìn xa, đã được ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra từ năm 2016. Trong những năm gần đây, ông Hưng chia sẻ, mỗi năm TPBank dành khoảng 25-30% ngân sách cho công nghệ. Nhưng thành quả có được không chỉ ở câu chuyện “đầu tư bao nhiêu tiền”, mà quan trọng là việc tiếp cận công nghệ nguồn đã được triển khai từ rất sớm và liên tục, cùng với chiến lược về nhân sự, tạo lập quy trình và cả kinh nghiệm.
Kết quả là, tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch của TPBank đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên 83% ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Tỷ lệ giá trị giao dịch trong cùng thời điểm cũng đã tăng từ 66% lên 72%.
Rõ ràng, với TPBank, lựa chọn chiến lược đổi mới số, sớm và phát triển nhanh ngân hàng số giúp rút ngắn cả một quá trình. Và khi đi sớm, đi trước đồng nghĩa với cơ hội nắm được thị phần. Cập nhật mới nhất từ kết quả 6 tháng đầu năm 2020, TPBank đã có lượng khách hàng mới cũng như tiền gửi CASA tăng lên đáng kể. Nhờ đầu tư triển khai nền tảng số từ nhiều năm qua, việc áp dụng eKYC sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng đưa công nghệ định danh khách hàng hiện đại này tiếp cận tới nhiều khách hàng mới hơn nữa.
Trong thời gian tới, ông Hưng cho biết, TPBank sẽ áp dụng các công nghệ mới, cập nhập hơn, với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI, Machine learning, ứng dụng blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big data càng ngày càng nhiều hơn, đi kèm với việc tăng cường sử dụng robot tự động hoá để gia tăng năng suất và hiệu quả làm việc.