Tuần nào cũng như tuần nào, cứ đến chiều thứ 6, Đại Phúc lại cùng với mẹ bắt xe khách từ thành phố Lạng Sơn xuống Hà Nội để tham gia lớp Tư duy sáng tạo. Lớp học bắt đầu từ 8:00 đến 11:00 sáng thứ 7, học xong hai mẹ con ở lại nhà bác rồi chiều chủ nhật bắt xe về Lạng Sơn để chuẩn bị cho buổi học ở trường vào sáng thứ 2 của Phúc.
“Đại Phúc ơi cho cô hỏi một chút”
“Ơ cô biết tên con ạ?”
Rồi cô chưa kịp nói thêm câu gì cậu bé 4 tuổi đã bị các bạn kéo đi để chơi trò đuổi bắt.
Đó là một buổi sáng tại lớp Tư duy sáng tạo Times City, Hà Nội. Khi cô giáo vừa mở cửa giải lao, Đại Phúc là người đầu tiên chạy ra khỏi lớp. Cũng như bao bạn nhỏ khác, Phúc chạy nhảy và cười đùa làm “náo loạn” cả lớp học. Ít ai biết rằng 1 năm trước Đại Phúc là cậu bé nhút nhát, hễ gặp người lạ là sợ.
Lần ấy, Phúc và mẹ Hoa từ Lạng Sơn xuống nhà bác ở Times City chơi, bác của Đại Phúc đang tìm hiểu chương trình phát triển Năng lực tư duy cho “chị nhà” 5 tuổi, mẹ Hoa cũng đi cùng bác đến trung tâm thử xem thế nào. Và rồi chỉ một lần “thử đi xem thế nào” đã gắn bó mẹ con Đại Phúc suốt gần một năm nay. Câu chuyện về hành trình Lạng Sơn - Hà Nội, Hà Nội - Lạng Sơn trong 2 ngày cuối tuần bắt đầu!
Chưa bao giờ nghỉ học vì lý do nhà xa
Bản thân chị Hoa trước đây chưa hề biết đến Năng lực tư duy là gì, tuy nhiên càng tìm hiểu chị Hoa càng thấy cần phải cho con đi học và nhận ra năng lực tư duy là điều cần thiết số 1 trước khi có ý định cho trẻ học bất cứ thứ gì khác. Năng lực tư duy phát triển đồng nghĩa với việc trẻ có thể học tốt tất cả các môn học khác, làm tốt bất cứ công việc gì trong độ tuổi của con.
Hiểu được điều đó chị Hoa đã không ngần ngại cùng con vượt gần 200km mỗi cuối tuần. “Trộm vía” con cũng thích đi học, vậy nên nắng, mưa, gió, bão... cũng không ngăn cản được cậu bé đến với lớp học Tư duy sáng tạo.
Trong thời gian 9 tháng học tại CMS EDU, chỉ vài lần Phúc nghỉ học vì,… ốm chứ chưa bao giờ cậu bé nghỉ vì nhà xa, mưa bão hay bất cứ vấn đề ngoại cảnh nào cả. Đến đoạn này chị Hoa có chút nghẹn ngào rồi nói tiếp: “Mẹ có thể theo con đi khắp nơi, chỉ mong một điều duy nhất là con luôn khỏe mạnh”.
Lớp học phép thuật
Lại nói về chuyện Phúc thích đi học. Con có niềm yêu thích đặc biệt với lớp học Tư duy sáng tạo, con luôn mong đến cuối tuần để xuống Hà Nội học, lúc nào con cũng liến thoắng với mẹ về cô giáo, các bạn trong lớp và các nhân vật Gumy, Anky, Dippo,… trong cuốn sách kể chuyện ở CMS.
Trẻ con độ tuổi này ốm đau thất thường, chị Hoa kể có lần thấy Phúc hơi có dấu hiệu ốm, định để con nghỉ nhưng Phúc nhất quyết đòi mẹ cho đi học CMS. Thế rồi 2 mẹ con lại tay xách nách mang bắt xe xuống Hà Nội, vừa bước vào cửa lớp con liền chạy nhảy cười đùa như chẳng có dấu hiệu gì của mệt mỏi nữa. “Bạn thấy có giống lớp học phép thuật không? Đến mình lúc ấy còn chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa mà”, chị Hoa vừa cười vừa kể lại câu chuyện đáng yêu của Phúc.
“Đại Phúc của cô đã thay đổi rất nhiều”
Cô Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp Ucrea CMS Times City mà Phúc đang theo học vui vẻ kể về hành trình thay đổi của “trò cưng” mà cô đã phải nhấn mạnh với 2 từ "Lột xác": “Phúc của cô bây giờ khác hẳn Phúc của 1 năm trước rồi, ngày đầu đến đây bạn ấy nhút nhát cực kỳ, giờ thì tự tin hơn, sáng tạo hơn, các bài học về tư duy logic và hình học bạn ấy làm tốt lắm, con lột xác hoàn toàn mà cô cũng phải ngạc nhiên.”
Tuy nhiên, để có được sự thay đổi ấy thời gian đầu mẹ Hoa đã lo lắng rất nhiều. Khoảng 1 - 2 tuần đầu tiên đến với CMS, Đại Phúc chưa có sự thay đổi, mẹ Hoa kể lúc ấy cũng lo lắng lắm, “người ta nhà gần ngay đây mà con đi học không có sự tiến chuyển còn sốt ruột nữa là nhà mình ở tận Lạng Sơn”. Nhưng vì tin vào quyết định của mình nên chị Hoa không nản chí.
Và đến khoảng hết tháng đầu tiên mẹ Hoa dần nhận ra sự thay đổi của Phúc. Điều dễ dàng thấy nhất là Phúc trở nên tự tin hơn, khả năng giao tiếp của con tốt hơn, ngày đầu tiên đến học con thậm chí không dám trả lời ai thì giờ con không còn tỏ ra sợ hãi khi gặp người lạ nữa. Ngoài ra, Phúc biết sắp xếp mọi thứ khoa học, Phúc có niềm yêu thích với các con số. Tám tháng trôi qua, Phúc giờ đã là chàng trai 4 tuổi thông minh, nhanh nhẹn.
“Không giống như những môn học khác, Năng lực tư duy không thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi, ví dụ ngay từ buổi đầu tiên học tiếng Anh trẻ đã có thể dễ dàng phát âm một số từ cơ bản như: Hello, Goodbye, Morning… Có nghĩa cha mẹ nhận ra sự thay đổi ngay lập tức một cách rõ rệt của con, tuy nhiên Năng lực tư duy thì khác, hai buổi hay thậm chí 4 buổi, chưa chắc con đã có sự thay đổi. Phải những ai thực sự hiểu con và hiểu về chương trình học thì mới cho con đi tiếp và chỉ cần không nản chí ở giai đoạn đầu tiên thì chắc chắn kể từ giai đoạn về sau con sẽ có sự thay đổi rất lớn”, Chị Hoa chia sẻ như một người nghiên cứu về Năng lực tư duy sau 9 tháng cùng con đi học.
Trở lại với câu hỏi: “Vượt gần 200km để đổi lấy 2 tiếng học Tư duy sáng tạo, liệu có đáng không?”. Câu hỏi này chúng tôi sẽ không trả lời bởi có đáng hay không có lẽ người trong cuộc sẽ là người hiểu nhất./.