Hùm tức là hổ, là cọp, là chúa sơn lâm. Xưa nay mấy ai đã dám vuốt râu hùm. Là vì ông hùm này vô cùng dũng mãnh, vô cùng ác hiểm. Là chúa nên ông chả sợ ai, từ mãnh thú đến con người. Nhưng tôi may mắn đã vuốt được râu ông. May mắn chứ chả phải oai hùng gì. Dù ông ở đây chỉ là mấy con hổ nhốt.
Đó là dạo làm phim Chạy án. Trong kịch bản của nhà văn Nguyễn Như Phong có nhân vật hổ thật. Một chú hổ choai làm bạn với một nhân vật chính chán chơi với con người nên nuôi một hổ con bầu bạn.
Bí quá khi đọc kịch bản. Lấy đâu ra hổ mà quay với chả kiếc. Ban đầu tính sử dụng hổ giả. Nhưng thế thì dởm quá, không được. Thà vứt đi nhân vật này còn hơn. Cũng chính Nguyễn Như Phong gỡ bí. Anh dẫn tôi và đạo diễn Vũ Hồng Sơn thâm nhập vào vương quốc của vua hổ Ngô Duy Tân ở Bình Dương.
Tôi choáng váng vì khu chuồng trại dành nuôi hổ. Mấy chục con hổ lớn nhỏ vằn vện nhức mắt ở trong một khu có lưới sắt bảo vệ. Vài ông mãnh to vật phải cỡ hơn hai tạ nằm lười nhác ven lưới sắt, ghếch mõm vào ô thoáng, mắt lim dim. Kìa là râu hùm. Những chiếc ria to đen cứng tua tủa đâm ra từ cái mõm bóng nhờ. Lập tức trong tôi lóe ra câu thành ngữ Vuốt râu hùm. Sao lại không?
Tôi lại gần. Mùi chúa sơn lâm nồng nồng khăm khẳm, đúng là tử khí. Tôi run hết người khi thò tay, đầu tiên là gại nhẹ mũi của ông. Làm đấy nhưng chỉ nhăm nhăm rụt tay. Rồi vuốt ria. Không thấy ông động đậy gì, tôi táo gan leo thang định nhổ lấy một chiếc làm kỷ niệm bèn lấy hết sức bình sinh. Có mà nhổ. Chắc khừ như đinh đóng tường. Ông cọp chỉ hơi nhăn mũi không thèm chấp.
Nhân viên trại hổ được lệnh thả một hổ con ra khỏi khu chuồng để đoàn phim tiếp cận thử. Ông choai này chừng trên dưới ba chục ký. Vừa được thả nó đã lồng lên phi một vòng quanh sân rộng rồi như tên bắn lao lại chỗ chúng tôi. Đã được đả thông nhưng tôi quá kinh hãi.
Cú đầu tiên nó chồm lên vị đạo diễn. Anh này loạng choạng rồi ngã bật ngửa, mặt xanh còn hơn đít nhái. Rồi nó đứng nhìn tôi. Kinh hồn táng đởm. Hổ choai nhưng vẫn là hổ, là hùm. Mắt xanh lè như mắt giả. Đôi chân trước mập mạp với bộ móng vuốt cong cong chìa ra vờn vờn...
Anh quản hổ đứng gần đó nói, yên tâm, yên tâm, nó mới chỉ dăm tháng tuổi còn nghich ngợm như trẻ con, không dữ đâu. Nói vậy biết vậy, tôi đã định chuồn nhưng không dám vì nó án ngữ ngay trước mặt. Hình như nó nhìn để đoán tôi là người thế nào thì phải. Quả nhiên nó chồm lên người tôi ngay tắp lự. Tôi đờ ra bất động.
Phát đầu tiên nó ngoạm mõm vào cổ tay phải tôi, chân trước của nó vít hẳn đùi trái tôi xuống bằng một cú vả sau đó móng của nó giữ chặt chân cẳng tôi. Thiếu nước ngã đè lên nó. Cha mẹ ơi, không có cái dại nào lại đi đánh đu thế này. Đầu óc đang bấn loạn thì cái gì thế kia. Cái mõm của ông choai vừa đủ ngoạm đúng "bộ nhà máy nước" của tôi. Chết tắc. Chưa bao giờ, kể cả dạo chiến tranh bị xơi pháo kích là thứ nguy hiểm nhất hạng, tôi rơi vào cảm giác kinh khiếp thế này.
Quản hổ nói nhẹ, anh bình tĩnh, bình tĩnh, đừng phản ứng, đừng phản ứng… Bình tĩnh chết tiệt. Có mà phản ứng. Lúc đó tự nhiên đầu óc mụ mị, đông sệt lại. Rần rật một ý nghĩ chạy trong cơ thể. Toi rồi. Nó mà khậc hàm một cái là đi đứt. Chết thì không nhưng tàn phế suốt đời.
Nghĩ thế tôi phản xạ tự nhiên vỗ vào đầu nó. Mẹ mày. Nhẹ thôi nhưng đủ làm cu cậu giật mình buông mõm. Tiếp đấy nó làm những gì tôi chẳng còn đủ minh mẫn để nhớ. Chỉ biết chiều đó về Sài Gòn quần áo tôi rách vài chỗ, da thịt hằn răng, hằn vuốt, vài nơi rớm máu.
Đến lượt Nguyễn Như Phong thì lạ quá, nó còn lành hơn chó ta, nằm phủ phục vào lòng mặc cho ông này vệnh mặt ve vuốt luôn tay. Mắt ra cái điều bảo xem này, đến hổ nó còn quý tôi nữa là người… Sau thì biết rằng hổ con đối xử với người nó tiếp xúc theo đúng tính tình người đó. Thôi chả nói nữa kẻo vạ miệng.
Sau này, ông Ngô Duy Tân đồng ý cho đoàn phim sử dụng hổ con của mình làm đạo cụ. Một kế hoạch được phác ra. Lúc đó có một hổ mẹ sắp lâm bồn. Lứa hổ mấy con đó được dành riêng ra một con không cho bú sữa mẹ mà được tách hẳn nuôi trong nhà từ nhỏ như nuôi chó. Nhà có máy lạnh hẳn hoi, ăn uống chăm sóc vẫn theo như loài hổ bằng thịt sống. Và trong Chạy án có nhân vật hổ tung tăng đến tận cuối phim.
Ông mãnh con sau gây vô khối phiền toái và cũng một lần ngoạm đúng chỗ giống tôi với diễn viên Nguyễn Hải, dù anh này mặc đến hai quần bò độn thêm cả mớ vải vào chỗ nhạy cảm, cũng vẫn suýt bị mất giống.
Đừng đùa với hổ, dù là hổ nhốt. Tôi sợ kinh hồn từ đó. Sợ đến mức không bao giờ tôi dám dây với những người trong xã hội sống như chúa sơn lâm. Loại đó bây giờ nhiều lắm. Kể ra chẳng bút mực nào tả xiết. Tạm gọi là... loại ngoạm.
Thề có ông ba mươi thằng tôi hoàn toàn viết thật, không một chút bịa đặt.