Theo báo cáo tháng 9/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về nội dung "COVID-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang", World Bank khuyến nghị Chính phủ sớm có kế hoạch chuẩn bị hoặc dự phòng trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp diễn 1 hoặc 2 năm nữa; hoạt động tiêm chủng cần được tiến hành đồng thời với việc xét nghiệm nhằm kiểm soát đại dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Cùng với đó, có thể duy trì yêu cầu hạn chế đi lại, nhưng cũng cần tính toán linh hoạt; tạo sự cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhất là tăng cường trợ giúp xã hội ở các nhóm dễ bị tổn thương.
Các chuyên gia kinh tế của World Bank cho rằng, tốc độ phục hồi tương quan chặt chẽ với quy mô chương trình tiêm chủng, nhưng xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch. Các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn bởi những người được tiêm vaccine vẫn có khả năng lây nhiễm và Việt Nam tiếp tục tăng cường xét nghiệm sau những kết quả đạt được trong năm nay.
Việc hạn chế di chuyển một cách hợp lý sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế. Theo các chuyên gia, duy trì một số hạn chế di chuyển vì mọi người đều có thể làm lây nhiễm COVID ngay cả khi đã được tiêm chủng. Việc cách ly có mục tiêu là cách hiệu quả nhất về chi phí; đồng thời, giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển... Nếu cần thiết, có thể sử dụng các phần mềm, công cụ kỹ thuật số và lập mô hình theo thời gian thực, với sự phối hợp đồng bộ nhằm thực hiện việc hạn chế di chuyển.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cân đối sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn so với chính sách tiền tệ vì đây là công cụ có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn. Việc tái cân bằng hướng sang sử dụng chính sách tài khóa là do còn nhiều dư địa tài khóa ở thời điểm này cũng như trong ngắn hạn.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ là công cụ Chính phủ sử dụng để hỗ trợ tạm thời cho các doanh nghiệp nên hiệu quả chưa cao vì lãi suất thực rất thấp và nhiều người không có tài khoản ngân hàng. Nếu lạm dụng chính sách tiền tệ sẽ làm tăng rủi ro cho khu vực tài chính do nợ xấu tăng cao...
Các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ phát huy hiệu quả hơn nữa chương trình trợ giúp xã hội để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Để tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt, Chính phủ cần phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; xây dựng cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số nhằm nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, mở rộng quy mô thanh toán điện tử để tiếp cận một cách hiệu quả những người được thụ hưởng.../.