Thông tin Báo Nông nghiệp và Môi trường, từ ngày 1/7/2025, bốn đơn vị hành chính gồm các xã Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lộc Thủy và thị trấn Lăng Cô chính thức sáp nhập, trở thành xã mới mang tên Chân Mây – Lăng Cô - xã có tên dài nhất TP. Huế, với diện tích khoảng 261km2. Đây không chỉ là bước đi quan trọng trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính mà còn mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, giúp vùng đất này khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế – du lịch – logistics của TP. Huế và miền Trung.
Nằm ngay cửa ngõ phía Nam của TP. Huế, Chân Mây – Lăng Cô giáp ranh với TP. Đà Nẵng, cách trung tâm Huế khoảng 60km, sở hữu đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đây là nút thắt quan trọng trên hành lang kinh tế Đông – Tây, nối Myanmar – Thái Lan – Lào với biển Đông, đồng thời nằm trên trục du lịch Bắc – Nam của Việt Nam.
Vùng đất này không chỉ có thiên nhiên phong phú, hạ tầng ngày càng đồng bộ mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa – lịch sử, là cửa ngõ kết nối các di sản thế giới ở miền Trung như: Phong Nha – Kẻ Bàng, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn.
Vịnh Lăng Cô – Viên ngọc xanh của biển Đông

Vịnh Lăng Cô. Ảnh: Internet
Được mệnh danh là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, vịnh Lăng Cô trải dài hơn 42km, với bãi cát mịn, nước biển trong xanh, khung cảnh non nước hữu tình. Từ lâu, vịnh Lăng Cô đã là điểm dừng chân của du khách trong và ngoài nước trên hành trình khám phá miền di sản Trung Bộ.
Năm 2009, vịnh Lăng Cô chính thức được công nhận là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays Club). Sau hơn 15 năm, vịnh không chỉ giữ vững vẻ đẹp nguyên sơ mà còn trở thành động lực phát triển du lịch cao cấp của tỉnh, thu hút hàng loạt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Laguna Lăng Cô – Điểm đến nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế

Laguna Lăng Cô. Ảnh: Internet
Nằm ngay bên vịnh Lăng Cô, Laguna Lăng Cô là khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư với tổng vốn hơn 876 triệu USD, diện tích 280ha. Khu nghỉ dưỡng này bao gồm: khách sạn 5 sao Banyan Tree Lăng Cô, khách sạn Angsana Lăng Cô, khu biệt thự Laguna Parkside Lăng Cô, sân golf 18 lỗ do huyền thoại Nick Faldo thiết kế, hệ thống spa đẳng cấp và các tiện ích vui chơi – giải trí khác.
Không chỉ thu hút du khách quốc tế, Laguna Lăng Cô đang trở thành lựa chọn yêu thích của du khách Việt, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Huế trên bản đồ nghỉ dưỡng thế giới.
Cảng Chân Mây – Cửa ngõ kinh tế biển của miền Trung

Cảng Chân Mây. Ảnh: Internet
Đóng vai trò quan trọng trong chuỗi logistics miền Trung, Cảng Chân Mây được xây dựng từ năm 2003, hiện là cảng biển tổng hợp loại 1, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế nối Philippines – Singapore – Hong Kong.
Hiện cảng có 3 bến đang khai thác và 2 bến mới đang xây dựng: Bến 1 & 2: đón tàu hàng 50.000DWT, container 2.800TEUs, tàu du lịch dài tới 362m. Bến 3: phục vụ tàu hàng tổng hợp 50.000DWT. Bến 4 & 5: đang xây dựng, dự kiến đón tàu hàng 70.000DWT, container 4.000TEUs.
Đặc biệt, Cảng Chân Mây là 1 trong 46 cảng được Hiệp hội Du thuyền châu Á chọn làm điểm dừng chân cho du thuyền quốc tế, khẳng định vị trí quan trọng trên bản đồ du lịch biển Đông Nam Á.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô: Động lực tăng trưởng mới
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô được thành lập năm 2006, với diện tích hơn 27.000ha, chia thành 5 khu chức năng: công nghiệp, phi thuế quan, đô thị, du lịch và cảng. Đây là khu kinh tế duy nhất của Huế đang vận hành thực chất, hiệu quả.
Đến nay, khu kinh tế đã thu hút 55 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 97.300 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án FDI trị giá hơn 2,54 tỷ USD. Năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục công bố danh mục kêu gọi đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 47.000 tỷ đồng, đồng thời trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đến năm 2045, định hướng phát triển thành khu kinh tế trọng điểm của miền Trung, cung cấp dịch vụ logistics cho hành lang Đông – Tây và các dịch vụ du lịch tầm cỡ.