Xã hội số, câu chuyện ban đầu

Xã hội số, câu chuyện ban đầu

Thứ Hai, 03/01/2022 - 06:15
Xã hội số

Tình cờ tôi được đến công ty của “ông chủ mới” Hoàng Mai Chung. Tôi dùng từ “ông chủ mới” bởi cách kinh doanh bất động sản của Meey Land hoàn toàn mới. Công ty này hiện là doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào quá trình chuyển đổi số trong bất động sản. Tôi kinh ngạc, nghĩ mình đã thuộc về xưa cũ.

Hoàng Mai Chung, chàng trai 7X, xuất thân từ quê lúa Hải Dương, nhưng nghĩ khác, làm khác, đi thẳng ngay vào công nghệ số. Khi tôi đến, “tổng hành dinh” Meey Land chưa đến ngày khai trương, còn bề bộn về sắp xếp nội thất. Đó là hai năm về trước. Cho đến nay, Meey Land đã đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến hàng đầu như công nghệ AI, Blockchain, Big Data. Theo Hoàng Mai Chung, Meey Land là sự kết hợp giữa bất động sản, công nghệ và tài chính, mang đến cho người dùng một hệ sinh thái gồm 26 sản phẩm/nền tảng với nhiều tính năng hữu ích. Nhờ đó, giúp tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản.

Lần ấy, tôi được gặp một chàng trai quá trẻ, quê Sài Gòn. Đó là Lê Đức Minh, kỹ sư công nghệ. Tôi kinh ngạc, khi biết Lê Đức Minh, từng tu nghiệp ở nước ngoài, từng làm việc cho Google, Facebook… Tôi nghĩ ai gặp cũng có cảm xúc này. Thứ nhất, khâm phục Hoàng Mai Chung đã thành công trong việc “săn đầu người”, yếu tố nhân lực có tính quyết định trong việc khởi nghiệp trên nền tảng số. Thứ hai là những câu chuyện Lê Đức Minh kể về bước tiến sắp tới của nhân loại thời công nghệ số.

Phải nói là có quá nhiều cảm xúc. Tôi như được kéo vào dòng chảy của “ngày mai”, và bài thơ “Ngày mai” tôi viết tặng kỹ sư Lê Đức Minh ra đời ngay tại buổi đối thoại. “Nếu ngày mai/ Facebook là một nước tự do/ một quốc gia có chủ quyền trên mạng/ có đồng tiền riêng/ Bạn là công dân định dạng/ quốc gia này quyền lực vô biên” (Ngày mai). Khổ đầu của bài thơ là tự sự của Lê Đức Minh về một “nhà nước” đặc biệt, không xa, đó là “Nhà nước Facebook”. 

Câu chuyện của những chàng trai trẻ đang làm chủ công nghệ số để triển khai ý tưởng kinh doanh ở Meey Land đưa tôi về ký ức của thời con nít. Hồi bé, tôi cũng là đứa trẻ nghịch ngợm. Trò chơi trẻ con ngày xưa không có nhiều. Một trong những trò chơi hồi đó là chúng tôi tìm hai ống bơ, nếu không có ống bơ thì cắt hai khúc của cây nứa, chọc thủng hai lỗ bé ở đáy và luồn hai dây thép nối chúng lại. Trò chơi phải có hai người, cầm ống bơ lên áp vào tai và nói chuyện. Đó là trò chơi “nói chuyện điện thoại” thời quá vãng. Xã hội loài người đã phát triển từ “tạch tè”, điện tín sang công nghệ số.

Thưa các bạn của tôi, thời gian gần đây, cụm từ “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” hay các cách gọi khác là “Cách mạng công nghiệp 4.0”, “Cách mạng 4.0”, “Công nghiệp 4.0” hay “Cách mạng số”, không còn xa lạ. Các cụm từ này xuất hiện nhiều đến nỗi, bất cứ một văn kiện, nghị quyết, báo cáo, diễn văn của các cấp, các ngành nếu thiếu sẽ gây cảm giác “chưa bắt kịp thời đại”. 

xã hội số

TSKH. Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là một người bạn lâu năm của tôi. Khi thấy “mưa từ ngữ” về Cách mạng 4.0, tôi tìm đến ông. Tôi biết ông là người viết sách về Cách mạng 4.0 và đi giảng dạy ở nhiều trường đại học về vấn đề này. Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Hannover (Đức) năm 2011. Như vậy, mới xuất hiện đúng 10 năm.

Ở một số nước, cuộc cách mạng này còn được gọi là “Công nghiệp IP”, “Sản xuất thông minh”, “Sản xuất số”. Dù tên gọi khác nhau, nhưng chung quy là sản xuất tương lai mang khuôn mặt ảo (mạng) và thế giới thực (máy móc) xích lại gần nhau. Thế giới biến đổi là quy luật biện chứng. “Cách mạng công nghiệp 4.0” ra đời có hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khốc liệt những năm 2008 - 2009 và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trên thế giới. “Sự hội tụ và tích hợp công nghệ đỉnh cao đã và sẽ tạo nên sức mạnh vô biên”, tôi cứ nhớ mãi câu nói của TSKH. Phan Xuân Dũng trong buổi chiều đàm đạo ngay tại phòng làm việc của ông. Đó là thực tế, không còn là dự cảm.

Hai năm qua, 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 xuất hiện trở thành “thảm họa toàn cầu”. Đây là “cú huých” lớn đẩy nhanh quá trình xuất hiện “kỷ nguyên số” trên thế giới. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Đến nay, Việt Nam đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước thể hiện chủ trương phát triển quốc gia trong “kỷ nguyên số”, như Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018, của Bộ Chính trị, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nói theo ngôn ngữ báo chí, thì đó là việc nắm bắt thời cuộc một cách chủ động nhất.

Công nhận rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra “kỷ nguyên số”. Nó tác động đến tất cả, từ kinh tế, văn hóa, giáo dục của mỗi quốc gia đến toàn cầu; tác động đến chính phủ và an ninh quốc gia không chỉ từng đất nước mà cả thế giới; tác động không chỉ đối với xã hội mà còn đối với cách sống, hành vi sống của mỗi cá nhân. Tức là, con người sẽ được làm quen với các từ ngữ “chính phủ số”, “kinh tế số”, “an ninh số”, “xã hội số”...

xã hội số
Ảnh minh họa: Internet

Cách đây không lâu xảy ra “ì xèo” trên báo chí về việc nhiều nhạc sỹ bỗng dưng mất bản quyền âm nhạc đối với tác phẩm của mình, ban đầu là nhạc sỹ Giáng Son với “Giấc mơ trưa”. Điển hình của câu chuyện bản quyền là đầu tháng 12/2021, khán giả theo dõi trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Cup trên kênh YouTube không nghe được lời hát Quốc ca. Kể cả xem VTV phát sóng cũng không nghe được Quốc ca. Sự việc khiến người hâm mộ môn túc cầu nói riêng và người dân Việt Nam hết sức bức xúc bởi Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam. Lý do mà đơn vị tiếp phát trận đấu trên nền tảng YouTube đưa ra là "Vì lý do bản quyền âm nhạc".

Câu chuyện là bài học lớn, đối với quản lý Nhà nước, không chỉ là việc của mỗi cá nhân bị mất bản quyền. Ca khúc Tiến quân ca đã được gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam, nên “sứ mệnh” bảo vệ bản quyền, phát huy giá trị Quốc ca thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nó là mặt trái của “kỷ nguyên số” cả đấy. 

Xã hội số liên quan đến từng con người như sự riêng tư, ý thức về sở hữu… Sự riêng tư chính là thách thức mang tính chất cá nhân lớn nhất. Thông tin về bất cứ cá nhân nào tham gia kết nối với các hệ thống điện tử rất dễ dàng tra cứu. Con người phải định hình lại những ranh giới về đạo đức và phẩm hạnh.

Tôi là người làm văn chương, chứng kiến những nỗ lực cứu vớt “văn hóa đọc”. Xã hội số buộc con người gấp hơn nhưng hời hợt hơn, nông cạn hơn. Những giá trị đích thực của văn chương, đọc phải ngẫm ngày càng vơi dần độc giả. Ngay cả báo chí, từ báo in đến giao diện báo điện tử, trước hết phải phục vụ được nhu cầu xem báo sau đó mới đọc báo. Trong sinh hoạt mỗi gia đình, thời gian dành cho tâm sự, chia sẻ ít đi, nhường chỗ cho smartphone. Thậm chí, ở một số quốc gia, trong không ít gia đình, chồng đã mua vợ búp bê về để thổ lộ tình cảm, “gả” vợ thật cho điện thoại thông minh. 

Trở lại với bài thơ “Ngày mai” tặng kỹ sư Lê Đức Minh, khổ cuối: “Câu chuyện của toàn cầu/ nụ hôn tích hợp/ tôi thấy bàn chân mình lấm đất/ cô đơn gọi tiếng người”. Chắc chắn con người phải kết nối, chia sẻ giá trị trong chuỗi giá trị mới. 

Dù thách thức, bỡ ngỡ, trả “học phí”, “ngây thơ phí” ít nhiều; nhưng tin rằng, những yếu tố tốt đẹp nhất thuộc về con người đó là sự sáng tạo, lòng nhân ái và khả năng làm chủ được Cách mạng 4.0, đưa con người đến nhận thức về đạo đức mang tính cộng đồng, dựa trên vận mệnh chung sẽ xảy ra./.

Nhà thơ Ngô Đức Hành
03/01/2022 06:15
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top