Aa

Xác định thứ tự ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước năm 2021

Thứ Bảy, 24/10/2020 - 09:00

Việc bố trí vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 phải đảm bảo theo các thứ tự ưu tiên, trước hết là bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); sau đó mới bố trí vốn để thu hồi số vốn ứng trước nguồn NSTƯ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương về việc phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo đó, việc bố trí vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 phải đảm bảo theo các thứ tự ưu tiên, trước hết là bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); sau đó mới bố trí vốn để thu hồi số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương.

Sau khi phân bổ cho hai nguồn này, phải bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp theo, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA; bố trí vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2021 để phát huy hiệu quả đầu tư; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2021…

Ảnh minh họa.

Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới. Trong đó, ưu tiên các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục, được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, dự án thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Chính phủ số, xã hội số… phục vụ và góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị, điều hành quốc gia…

Sau đó, mới đến các dự án thuộc các lĩnh vực: giao thông có tính chất kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, quốc phòng an ninh, dự án cấp bách phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở, bờ sông, bờ biển, an ninh quốc phòng…

Điều đáng lưu tâm là, do các dự án khởi công mới trong năm 2021 chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên việc khởi công mới phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành, địa phương phải đảm bảo sau khi thực hiện phân bổ vốn theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên, nếu còn vốn mới đề xuất khởi công mới. Khi đề xuất khởi công mới, phải làm rõ tính cần thiết, cấp bách, tiến độ hoàn thành thủ tục và đảm bảo giải ngân được trong năm 2021.

Cũng do năm 2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 chưa được Quốc hội thông qua, nên Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giao danh mục và mức vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 cho các dự án, nhiệm vụ mới của các bộ ngành, địa phương.

Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành, địa phương, đối với các dự án khởi công mới năm 2021, phải hoàn thiện việc phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 10/12/2020 làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao danh mục và mức vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2021 trước ngày 31/12/2020.

Năm 2021 cũng là năm bắt đầu thực hiện quy định giải ngân 1 năm theo Luật Đầu tư công sửa đổi, cũng là năm đầu tiên thực hiện khoản 4 Điều 44 Nghị định 40/2020/NĐ-CP, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm rà soát, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, bảo đảm giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021, hạn chế việc phải điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của bộ ngành, địa phương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top