Aa

“Xanh” hóa đô thị Việt - ước mơ không viển vông

Chủ Nhật, 29/01/2017 - 21:01

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt cùng với vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu khiến kiến trúc xanh trở thành chuyện thời sự hơn bao giờ hết. Ở Việt Nam, kiến trúc xanh đang ngày càng được nhiều kiến trúc sư, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà quan tâm.

Câu chuyện không của riêng quốc gia nào

Nếu năm 2008, toàn thế giới mới có 13% doanh nghiệp hướng đến kiến trúc xanh thì năm 2013 đã tăng lên 28%, có thể thấy loại hình này đang nhanh chóng trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp bất động sản và các quốc gia trên thế giới lựa chọn. Thậm chí, có những giai đoạn, kiến trúc xanh “nổi” lên như một nhu cầu, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường xây dựng tại nhiều quốc gia.

Kiến trúc xanh hay còn gọi kiến trúc bền vững là xu hướng thiết kế, xây dựng theo tiêu chí hạn chế tối đa năng lượng tiêu thụ, cắt giảm sự lãng phí, góp phần xóa bỏ ô nhiễm, bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Một công trình xanh nhất thiết phải được làm bằng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường. Phương pháp xây dựng, hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên suốt “vòng đời” của công trình cũng vẫn phải đảm bảo tính thân thiện này.

Công trình xanh Đại học FPT TP. HCM.

Công trình xanh Đại học FPT TP. HCM.

Những lợi ích về môi trường, kinh tế - xã hội do kiến trúc xanh mang lại đang ngày càng được công nhận nhờ vào các chỉ số đẹp về tiết kiệm năng lượng và giảm hiệu ứng nhà kính. Bức tranh tương lai được “vẽ” ra là những ngôi nhà tràn ngập mảng xanh, không gian sống phủ đầy hơi thở thiên nhiên với lối kiến trúc hòa hợp tuyệt đối với môi trường tự nhiên. Kiến trúc xanh đang được áp dụng không chỉ trong phạm vi một quốc gia, một khu vực mà trên toàn cầu bởi liên quan mật thiết đến nền kinh tế xanh và biến đổi khí hậu.

Kiến trúc xanh “gõ cửa” Việt Nam với sức hút kỳ lạ

Tuy là quốc gia tiếp cận và phát triển kiến trúc xanh chậm hơn so với các nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, những “viên gạch” đầu tiên xây nền móng lĩnh vực này đã được tạo dựng, có những bước đi chắc chắn. Nhiều kiến trúc sư Việt đã bị kiến trúc xanh “hút hồn”, để rồi mải mê tìm hiểu, khám phá, tạo nên những công trình thân thiện nổi tiếng trên mảnh đất hình chữ S và cả ở nước ngoài.

Danh sách công trình xanh theo thời gian cứ “đầy” lên, với những tên tuổi kiến trúc sư trẻ tài năng. Người ta trầm trồ trước ngôi trường xanh ở Bình Dương, nhà cao tầng xanh Stacking Green hay công trình Bamboo Wing của KTS Võ Trọng Nghĩa. Người ta say mê ngắm nhà cộng đồng Suối Rè, Tả Phìn, Nậm Đăm hay trường học Lũng Luông đẹp như tranh vẽ của KTS Hoàng Thúc Hào… Rồi nhà thờ Ka Đơn do vợ chồng KTS Vũ Thị Thu Hương - Nguyễn Tuấn Dũng thiết kế, công trình Nhà nguyện của KTS Nguyễn Hòa Hiệp…

Năm 2015, tại giải thưởng kiến trúc Green Good Design, Việt Nam đã “được mùa” khi “bội thu” những công trình xanh được vinh danh. Đây là một trong những giải thưởng uy tín và lâu đời nhất thế giới trong lĩnh vực kiến trúc xanh. Tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới (WAF), Việt Nam cũng đóng góp 5 công trình ấn tượng sánh bên cạnh nhiều sản phẩm của thế giới…

Là người “phải lòng” kiến trúc bền vững từ những giai đoạn đầu vào Việt Nam, sau 25 năm, KTS Hoàng Thúc Hào vẫn chưa thể lý giải hết được sức hút kỳ lạ ấy: “Công trình xanh nào cũng khiến tôi thích thú, mỗi công trình có một sức hút riêng, đặc biệt là công trình “tự thân xanh”. Cái xanh đó tạo ra một ngạc nhiên, bền vững với thời gian, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa khiến con người sống trong công trình đó luôn hứng khởi, hạnh phúc…”

KTS Hoàng Thúc Hào thừa nhận, so với Mỹ, Singapore… mảng này ở Việt Nam chậm hơn gần 20 năm, nhưng tương lai cho kiến trúc xanh ở Việt Nam luôn rộng mở. “Tham vọng” phủ xanh Việt Nam bằng những công trình kiến trúc không hề viển vông khi mà ở Việt Nam, các vật liệu thân thiện rất sẵn như tre, đất, nứa...

“Khí hậu Việt Nam cần nhất 2 yếu tố: thông gió đối lưu và cách nhiệt, cải thiện môi trường bên trong ngôi nhà. Cả hai yếu tố này được giải quyết bằng các vật liệu rất quen thuộc, sẵn có ở Việt Nam. Nhà dân gian của người Kinh, nhà đồng bằng Bắc Bộ, nhà của người dân tộc thiểu số… đều mang hơi hướng kiến trúc xanh với những ngôi nhà mái tre, tường đất, vách nứa…”, KTS Hào nói.

Những lợi ích của công trình xanh với môi trường là không thể phủ nhận.

Những lợi ích của công trình xanh với môi trường là không thể phủ nhận.

Nỗ lực vì một Việt Nam… “xanh”

“Không cần bàn cãi nhiều về sự cần thiết của công trình xanh, điều quan trọng hơn cả là làm sao vượt qua các rào cản để Việt Nam có được số lượng nhiều hơn, tổng sàn tiết kiệm năng lượng nâng lên”, đó là ý kiến của PGS.TS. Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Kiến trúc Quốc gia trong một hội thảo nghiêm túc với chủ đề “Thách thức và chiến lược vượt qua thách thức xây dựng công trình xanh đầu tiên” giữa các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư bất động sản… tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2016.

Sau 15 năm làm việc dạn dày kinh nghiệm ở Malaysia, sau đó là ở Việt Nam, ông Poul Erik Kristensen, một trong những chuyên gia hàng đầu về công trình xanh của tổ chức IFC (thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới) cho rằng: Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng trực tiếp những kinh nghiệm của Malaysia trong xây dựng công trình bền vững vào thực tiễn. Hiện không chỉ nhà dân, nhà sinh hoạt cộng đồng mà nhiều chung cư xanh, tòa nhà công sở Việt Nam đã “bắt kịp” xu hướng thân thiện môi trường như: chung cư Ehomes 5, tòa nhà FPT Đà Nẵng, dự án EcoLife Capitol của Capital House… Với đội ngũ KTS nhiệt huyết và yêu nghề như hiện nay, cộng những điều kiện vật liệu xây dựng sẵn có, ông Poul khẳng định, phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam không khó!

Tất nhiên, nói gì thì nói, vẫn còn rất nhiều thách thức với những KTS Việt trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực kiến trúc thân thiện môi trường này, chẳng hạn như: người dân còn chưa hiểu rõ về kiến trúc bền vững; đa phần có thu nhập thấp trong khi công nghệ, vật liệu trong kiến trúc bền vững rất đặc thù, chi phí cao; chưa kể Nhà nước chưa có những khuyến khích cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công trình xanh… Nhưng phải khẳng định rằng, chân trời của kiến trúc xanh đang rộng mở tại Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top