Đa phần người dân ủng hộ (?)
Sáng 27/2, trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, mới đây ngành chức năng đã lấy ý kiến của người dân về việc cải tạo, chỉnh trang khu vực Hồ Gươm cùng ý tưởng xây dựng “tuyến đường ghi danh” tại Hồ Gươm, tương tự mô hình “Đại lộ Danh Vọng” ở Mỹ.
“Vẫn có một số ý kiến đề nghị xem xét lại. Tuy nhiên đa phần người dân đều ủng hộ”, ông Long cho hay.
Ý tưởng xây dựng "Đại lộ danh vọng” kiểu Mỹ tại Hồ Gươm của UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: Thành An
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Long, con đường “Đại lộ danh vọng” mới chỉ là ý tưởng của đơn vị xây dựng tư vấn. Dù được nhiều người ủng hộ, nhưng UBND quận Hoàn Kiếm sẽ phải nghiên cứu về hình thức thể hiện, đảm bảo phù hợp với văn hóa của người Việt và có thể triển khai ý tưởng này trong tương lai.
“Trước mắt, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai việc cải tạo cảnh quan, chỉnh trang xung quanh khu vực Hồ Gươm theo dự án đã được thành phố phê duyệt” - ông Long cho biết thêm.
Theo ý tưởng trên, các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm, phần vỉa hè phía Tây trục phố Đinh Tiên Hoàng nằm sát Hồ Gươm, kéo dài từ tháp Hòa Phong tới Nghi môn đền Bà Kiệu được đề xuất xây dựng “tuyến đường ghi danh”. Tuyến đường này dự kiến lát đá và khắc tên những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội.
Đại lộ danh vọng Hollywood. Ảnh: T.L
Ngay sau khi có ý tưởng xây dựng “tuyến đường ghi danh”, Công ty CP Đầu tư AMD đã có đề xuất gửi UBND TP. Hà Nội xin được đầu tư theo hình thức BOT. Cụ thể, Cty AMD bỏ tiền ra xây dựng, sau đó kinh doanh dịch vụ ở khu vực này.
Theo lãnh đạo Cty AMD, nếu được chấp thuận, “Đại lộ danh vọng” sẽ sử dụng đá tự nhiên để xây dựng. “Việc xây dựng tuyến đường cơ sở kết hợp những yếu tố của văn hóa truyền thống và sử dụng vật liệu trong nước để tạo ra nét văn hóa rất riêng cho Hà Nội, đồng thời góp phần tạo thêm điểm nhấn cho khách du lịch khi đến đây”, lãnh đạo Cty AMD cho hay.
Đừng học đòi!
TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia đô thị cho rằng, nếu biến tuyến phố nói trên thành hợp đồng BOT là không hợp lý. Bởi sau một tuần làm việc vất vả, người dân muốn lên khu vực đó đi bộ là phải trả tiền.
“Đừng thương mại hóa một con đường của Thủ đô, đường sá là phương tiện công cộng của người dân đi lại, sinh sống và làm việc chứ không phải nơi để thương mại hóa một cách đơn giản như vậy. Việc thương mại hóa các con đường giao thông công cộng sẽ gây ách tắc giao thông, phản cảm, làm cho không gian vốn có biến mất. Hơn nữa, khi đã có BOT thì phải giám sát mức thu phí, thời gian thu phí, hiệu quả hoạt động, mà khi đó sẽ không còn là một tuyến đi bộ thong dong, đặc trưng cho văn hóa”, ông Thủy phân tích.
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho rằng nếu biến không gian văn hóa thành hợp đồng BOT là không hợp lý.
Nguyên Giám đốc NXB Giao thông cho hay, việc in tên trên đá rồi mọi người đi là phù hợp với văn hóa châu Âu chứ không phải Việt Nam. Nếu người dân ý thức chưa tốt, đi lại, vứt rác bừa bãi sẽ gây ra những hình ảnh phản cảm.
“Khi làm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám chúng ta ghi tên Tiến sĩ lên các tấm bia trên lưng rùa chứ không ai để dưới đất”, TS Thủy bày tỏ.
Ở góc độ văn hóa, GS. Trần Lâm Biền nhấn mạnh rằng, xây “Đại lộ danh vọng” ở hồ Gươm là ý tưởng “ngớ ngẩn”. “Văn hóa và nhận thức của người phương Đông khác với phương Tây, của Việt Nam khác của Mỹ, đừng thấy họ làm gì là học theo. Ở Việt Nam, tên danh nhân, người có công người ta thường để lên cao, ở nơi trang trọng. Còn việc để lên tường, lên đường như thế là thiếu tôn trọng”, GS. Trần Lâm Biền chia sẻ.
Cũng theo ông Biền, việc nói xây “Đại lộ danh vọng” để thu hút khách du lịch là chưa hợp lý bởi chúng ta xây dựng không phải chỉ phục vụ khách du lịch mà còn phục vụ người dân.
Nhìn nhận tổng thể ý tưởng trên, các chuyên gia cho rằng, đây là tư duy tâm lý “học đòi”. Chuyện tiếp thu văn minh văn hóa của các nước là đáng khuyến khích nhưng phải cân nhắc, lựa chọn điều đó có phù hợp không?. Vì thế không nên làm vì nó trái thuần phong mỹ tục, tốn kém mà lại không được người dân ủng hộ.
Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội chưa nhận được đề xuất Ngày 27/2, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết: "Đây là vấn đề liên quan đến văn hóa nhưng đến thời điểm hiện tại Sở chưa nhận được đề xuất này". Theo ông Tiến, đề xuất trên mới là ý tưởng và để làm được thì còn phải xin ý kiến các cơ quan chức năng từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hà Nội cũng như giới chuyên gia cùng người dân. |