Phát triển chuỗi liên kết cần phải có doanh nghiệp
Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng, vấn đề liên kết chuỗi để phát triển nông nghiệp khác so với hơn 20 năm trước; không chỉ về phương diện kinh tế, kỹ thuật mà cả vấn đề xã hội, môi trường, không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.
"Muốn phát triển chuỗi phải có doanh nghiệp, đây là yếu tố quan trọng đầu tiên, nhưng không chỉ có như vậy mà còn sự tham gia của nông dân, hợp tác xã... Hôm nay có nhiều ý kiến về sửa đổi Luật hợp tác xã, chúng tôi tiếp thu để đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền", ông Phát khẳng định.
Ở góc nhìn khác, ông Josh Madeira, phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình Seafood Watch (SW, Mỹ) cho rằng, sự bền vững môi trường trong hoạt động kinh doanh là điều mà thế giới đang quan tâm. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam để tăng cường chất lượng sản xuất, qua đó xây dựng khả năng cạnh tranh cao hơn; xây dựng chuỗi giá trị minh bạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp từ đó tạo niềm tin tốt hơn với cộng đồng quốc tế.
"Doanh nghiệp xã hội và chuỗi liên kết là ý tưởng hay để tạo dựng lòng tin, tính trách nhiệm", ông Madeira nói.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho hay, hiện tại, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng với chi phí thấp, hướng hỗ trợ trọng tâm gồm: Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị.
"Chúng tôi đã quán triệt xuống các địa phương xây dựng kế hoạch hành động để hỗ trợ doanh nghiệp trong liên kết ngành, chuỗi giá trị", đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.
Ông Cương cũng nêu một số chính sách khác để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển như, chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài; nghiên cứu chính sách để các tập đoàn tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ chuỗi giá trị.
Trước câu hỏi về vai trò của nông dân trong chuỗi liên kết, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, tính liên kết của các chủ thể trong thời gian vừa qua có bước tiến triển, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết để khai thác hết tiềm năng.
Theo ông, hiện 11 - 14% sản lượng nông nghiệp thông qua liên kết là quá nhỏ, điều này hàm ý tiềm năng còn rất lớn với hàng chục triệu héc-ta nông nghiệp, và trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết trong nông nghiệp.
"Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất theo quy chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, năng lực của hộ nông dân với quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Nâng cao nhận thức của người nông dân và đẩy mạnh tích tụ quy mô để giá trị tăng lên là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp nước ta", ông nói.
Mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững mang nhiều tính ưu việt
Là người đứng đầu một trong những công ty đầu tiên sản xuất theo mô hình "cánh đồng mẫu lớn", ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nhận định, dù những năm gần đây ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế như năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, không có thương hiệu...
Bên cạnh đó, theo ông Thòn, vấn đề giải cứu một số sản phẩm nông nghiệp gần đây hay câu chuyện được mùa mất giá cho thấy nút nghẽn chặn đường ra của sản phẩm.
Từ góc nhìn của người làm thực tế, ông nêu vấn đề, việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi bền vững giúp giảm giá thành sản phẩm, khép kín được chuỗi sản xuất, "nhưng khi chưa có thương hiệu thì bản chất vẫn chỉ là chuyển cái khó của nông dân sang doanh nghiệp". Doanh nghiệp Lộc Trời từ chỗ sử dụng chuỗi sản xuất khép kín với 105.000ha đất nhưng hiện chỉ còn hơn 30.000 do những khó khăn này.
Cũng theo ông Thòn, cần phân vai giữa ba nhà là ba đỉnh tam giác "nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân", trong đó Nhà nước chỉ nên làm vai trò trọng tài, tạo lập cuộc chơi để tạo được liên kết bền vững.
Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng đề xuất xây dựng đội ngũ nhân lực nông nghiệp gắn với thực tiễn, đó phải là những người "nghe được hơi thở của đồng ruộng, thấu hiểu tâm tư của nông dân".
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch công ty TNHH nông nghiệp United nêu thực trạng, có những nơi nông dân trồng nông sản để bán và để ăn trên các diện tích hoàn toàn khác nhau; hậu quả là theo thời gian nông dân không có thị trường tiêu thụ.
"Hiện cuộc sống cao hơn, một bộ phận người dân chấp nhận mua trái cây nhập khẩu, trong khi đó ở nhiều nơi người nông dân vẫn trồng bằng phân hoá học, sản phẩm xuất khẩu bị trả lại. Như vậy là không ổn", ông Dân nói.
Ông cũng nêu thực tế một số doanh nghiệp nâng giá cao nông sản để khuyến khích người dân trồng trọt, nhưng lại hạ giá khi nông dân được mùa. Đồng thời, cũng có chuyện nơi nào mua giá cao thì người dân sẵn sàng bán, gây khó cho doanh nghiệp đã đặt hàng trước.
"Tôi đề xuất đào tạo công nhân nông nghiệp vì thực tế có những kỹ sư nông nghiệp thiếu lăn lộn. Chúng ta có thể mở các lớp trung cấp nông nghiệp, chính quyền hỗ trợ người dân đi học chuyên về một loại cây, được cấp bằng lý thuyết, trực tiếp xuống đồng ruộng để thực hành, nếu đạt thì cấp bằng", ông Dân đề xuất.
Về chuỗi liên kết, ông cho rằng cần có yêu cầu cụ thể, gồm những thành phần nào, cụ thể hoá thành viên và cơ chế, quyền lợi kèm theo, "ví dụ khi thành chuỗi, phân bón phải được kiểm soát, có bộ phận xác định chất lượng phân bón để đảm bảo chất lượng sản phẩm".