Ngày 26/1, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến, nêu rõ cơ chế, chính sách đặc thù với Thừa Thiên - Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính về các cơ chế, chính sách đặc thù trong phí tham quan di tích; thống nhất với các Bộ: Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Tài chính, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về cơ sở pháp lý, mô hình, tổ chức hoạt động và cơ chế quản lý Quỹ bảo tồn di sản Huế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, gửi Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trước ngày 5/2/2021.
Về cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Tư pháp, giải trình rõ cơ sở pháp lý thực hiện xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn; hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp để tổ chức thẩm định trình Chính phủ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trước ngày 5/2/2021.
Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ tại Tờ trình số 8921/TTr-BKHĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với các chính sách thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 8921/TTr-BKHĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công Thương và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 410/TB-VPCP ngày 29/12/2020, số 10501/VPCP-KGVX ngày 15/12/2020 và Quyết định số 1955/QĐ-TTg ngày 21/11/2009.
Về việc áp dụng đặc thù đối với tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Như Reatimes đã thông tin, theo định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014: Huế được xác định là một trong số các đô thị lớn, là một trong các cực tăng trưởng tạo động lực phát triển và gắn với việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Huế.
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm: TX. Phong Điền, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xây dựng đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế trên cơ sở tính đến các yếu tố đặc thù của Thừa Thiên - Huế (dự kiến mở rộng gấp 4 lần diện tích hiện tại); từng bước cụ thể hóa xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai…