Quy hoạch cần chuyển từ tĩnh sang động
Quy hoạch kiến trúc đô thị Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương đông và phương tây, trong đó với hơn 1.000 năm mang phong cách kiến trúc phương đông và hơn 100 năm kiến trúc phương tây (kể từ khi người Pháp đến Việt Nam). 2 lối kiến trúc này không có sự tách biệt, mà được thiết kế trong một quần thể không gian, hài hòa với nhau và bổ sung cho nhau trong việc chuyển tiếp phong cách kiến trúc cũ - mới, cổ điển - hiện đại.
Theo PGS. TS Đinh Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, hiện nay quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng đã đưa dân cư từ các vùng nông thôn trở thành dân số đô thị trong khi phần lớn chưa đủ điều điệu và thời gian để trở thành thị dân.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của 2 đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là nghiên cứu phát triển “vùng đô thị”, sẽ giúp giải quyết những vấn đề về dân cư, hạ tầng quá tải trong các đô thị, đồng thời vùng đô thị sẽ là một vùng đệm, tạo ra sự cân bằng giữa hệ thống đô thị và nông thôn.
“Công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi quán tính bao cấp, chủ yếu dựa vào các nguyên tắc thiết kế tĩnh. Trong quá trình toàn cầu hóa, đô thị cần phải có sự cải cách về công nghệ và lập quy hoạch xây dựng chuyển từ hướng tĩnh sang động, với cách tiếp cận đa ngành” - PGS. TS Đinh Quốc Thông nói.
Thống nhất trong bộ máy quản lý
KTS. Nguyễn Trọng Huấn - Hội KTS Việt Nam cho biết, mỗi đô thị là một cơ thể thống nhất trong tương quan nhiều mặt, phải được vận hành một cách nhịp nhàng bởi một bộ máy đủ năng lực và chỉ huy thống nhất. Đô thị hiện đang bị chia nhỏ ra nhiều phần, giao cho nhiều ngành quản lý, thực hiện. Chỉ tính riêng một tuyến đường trong TP, từ khâu đầu tư đến thực hiện và quản lý đã thuộc quyền không ít cơ quan từ giao thông, điện lực, cấp thoát nước, cây xanh... Vì vậy cần phải có sự thống nhất trong bộ máy quản lý.
Những hoạt động của con người trong đô thị có tác động nhiều đến môi trường tự nhiên thông qua các hoạt động xây dựng, nhu cầu về phát triển thương mại, dịch vụ cùng với đó là các phương tiện tham gia giao thông... là những vấn đề nóng đặt ra đối với môi trường đô thị. Từ đó nảy sinh ra những vấn đề bất cập trong quản lý đất đai đô thị, những “dự án treo” bị bỏ quên trên giấy tờ gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách.
Ngoài những vấn đề về quản lý, theo KTS. Nguyễn Trọng Huấn, lực lượng nhân sự quy hoạch vẫn còn quá mỏng so với khối lượng công việc hiện tại. Công tác quy hoạch đô thị chỉ tập trung vào những vấn đề mang tính cục bộ theo yêu cầu của từng đô thị riêng bị, thiếu sự tương quan trong quy hoạch vùng.
“Để đô thị có thể vận hành một cách hiệu quả, công tác quy hoạch cần phải đi trước một bước, tập trung vào những vấn đề có tính vĩ mô và mang ý nghĩa chiến lược. Ví dụ như vấn đề giao thông, nếu muốn giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, cần phải có một chiến lược phát triển giao thông công cộng với hạ tầng công cộng và các phương tiện vận tải hiện đại, tiện ích để phục vụ cho người dân...” - KTS. Nguyễn Trọng Huấn nói.
*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi