Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật Các tổ chức tín dụng đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Luật đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động của từng loại hình TCTD, trong đó lấy hoạt động của ngân hàng thương mại làm căn cứ dẫn chiếu khi quy định phạm vi hoạt động của các loại hình TCTD khác.
Luật Các TCTD đã tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao chất lượng công tác quản trị, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng, từng bước tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, để tăng cường chất lượng quản trị, điều hành TCTD, một số quy định của Luật Các TCTD cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời như: quy định về tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông, tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng, bổ sung trường hợp cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành TCTD...
Ngoài ra, Luật Các TCTD mới đề cập đến hoạt động ngân hàng điện tử, chưa đề cập đến hoạt động của ngân hàng số (là một khái niệm rộng hơn khái niệm hoạt động ngân hàng điện tử).
Luật Các TCTD cũng chưa đề cập đến những nội dung hỗ trợ cho việc phát triển mô hình ngân hàng số như nền tảng xác thực giao dịch điện tử có tính chất pháp lý…/.
Tốc độ phát triển nhanh của ngân hàng số khiến luật pháp chưa bắt kịp
Thực tế cho thấy quá trình phát triển ngân hàng số ở Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, nhưng chính tốc độ phát triển nhanh chóng của ngân hàng số đã dẫn đến việc các quy định pháp lý tại Việt Nam chưa thể bắt kịp với hoạt động ngân hàng số nói chung. Hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số.