Aa

Xây dựng kinh tế biển xanh trên nền tảng tri thức

Thứ Năm, 04/10/2018 - 06:01

Suy thoái và ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nghiêm trọng sức khoẻ biển và đại dương, đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ sức khỏe biển.

Hội nghị TƯ 8 khoá 12 sẽ thảo luận, cho ý kiến về tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết TƯ 4 khoá 10 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

VietNamNet lược ghi từ bài viết của Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà: "Xây dựng kinh tế biển xanh - trọng điểm cho phát triển bền vững biển Việt Nam".

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Phạm Hải

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Phạm Hải

Yêu cầu cấp bách bảo vệ sức khỏe biển

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, qua 10 năm thực hiện nghị quyết đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, để VN trở thành quốc gia biển mạnh trong giai đoạn mới, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hoà giữa phát triển và bảo tồn biển.

Trong đó, xây dựng kinh tế biển xanh trên nền tảng tri thức, sáng tạo và tiềm năng tự nhiên đóng vai trò trung tâm. Điều này phải là định hướng chiến lược cho quan điểm, mục tiêu về phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.

Người đứng đầu ngành TN&MT chỉ ra những thách thức toàn cầu, đặc biệt là suy thoái và ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nghiêm trọng sức khoẻ biển và đại dương trên toàn thế giới cũng như tại VN.

"Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ sức khỏe biển, đại dương vì đại dương khoẻ mạnh. Mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển đã trở thành thước đo phát triển của các quốc gia", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định.

Ông cho rằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển chưa được gắn kết chặt chẽ, trong một số trường hợp còn tạo ra xung đột. Sức khỏe của các vùng biển của VN chưa được bảo đảm do chúng ta chưa thể hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với công tác bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển.

Hội nghị TƯ 8 diễn ra từ 2-6/10.

Hội nghị TƯ 8 diễn ra từ 2-6/10.

Do đó, ô nhiễm môi trường biển có lúc, có nơi vẫn còn diễn ra nghiêm trọng như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung; ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học suy giảm...

Vì vậy, phát triển kinh tế biển xanh vì sức khoẻ biển, đại dương trước hết phải được hiểu theo cách tiếp cận dựa trên nền tảng bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.

Đồng thời phải tái cơ cấu các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên.

Công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực biển chất lượng cao

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, một trong những hạn chế khiến VN chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới của các địa phương có biển là do chưa tạo được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương không có biển, giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế, kết cấu hạ tầng.

Vì vậy, cần một quy hoạch mang tính tổng thể, toàn diện, phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bảo đảm tính kết nối, tránh tình trạng các địa phương, các vùng tự phát cạnh tranh và làm suy yếu lẫn nhau.

Theo ông, phát triển kinh tế biển xanh phải dựa trên nền tảng phát huy hiệu quả bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc VN gắn với biển tại các vùng, miền kết hợp đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa các vùng biển và ven biển, thay đổi hành vi ứng xử với biển của toàn xã hội.

Cần tăng cường nâng cao nhận thức và hành động về ứng xử thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển; đảm bảo quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng và có trách nhiệm của người dân với biển...

Điều đó phải được thể hiện qua việc tạo sinh kế, phúc lợi cho mọi tầng lớp nhân dân từ biển; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, DN tham gia phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch sinh thái, thám hiểm - khoa học, du lịch cộng đồng, gắn với nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, DN, cộng đồng dân cư và mỗi người dân.

Một hạn chế nữa là do nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về biển chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng; trình độ, năng lực khoa học, công nghệ và điều tra cơ bản về biển còn hạn chế so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Do đó, khoa học, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực biển chất lượng cao chính là nhân tố đột phá để phát triển bền vững biển VN trong giai đoạn mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top