Cần kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tái tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong năm 2023
Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023 hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến. Rất nhiều kiến nghị và đề xuất mới được gửi gắm cho thấy các doanh nghiệp đang trông chờ những ưu tiên cải cách về thể chế, chính sách để có động lực bứt phá trong năm 2023.
Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh không chỉ được đề cập đến trong Nghị quyết số 02/NQ-CP, mà ngay trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình cũng nhắc đến vấn đề này. Các doanh nghiệp Việt vừa bước qua năm 2022 đầy khó khăn, nhưng ở thời điểm đầu năm mới này, vô vàn thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài vẫn đang bủa vây. Vậy nên, những gói giải pháp tháo gỡ rào cản thể chế chính sách vẫn là điểm tựa lớn nhất và nhanh nhất để doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng có động lực vượt qua thách thức trong năm 2023.
Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh - năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.
DOANH NGHIỆP VẪN BẤT AN TRƯỚC NHỮNG RÀO CẢN KINH DOANH
PV: Đầu năm 2022, Chính phủ ban hành nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, đặt ra nhiều mục tiêu giúp đỡ doanh nghiệp với kỳ vọng phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Một năm nhìn lại, bà đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra như thế nào?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Có thể nói, năm 2022 là năm đặc biệt đối với nền kinh tế và nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta đã có sự phục hồi ngoạn mục, tuy nhiên, những biến động địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã có những tác động lớn đến doanh nghiệp nước ta. Trên một số bảng xếp hạng quốc tế, như bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của năm đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, Việt Nam có sự cải thiện nhưng khá chậm, nhất là với những chỉ số gắn với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay cả trong góc nhìn quốc tế, họ cũng đã thấy được cải cách của Việt Nam đang có xu hướng chững lại, mức độ tham gia Chính phủ điện tử suy giảm; quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh ở một mức độ nào đó chưa được ghi nhận. Lẽ ra trong bối cảnh những áp lực và biến động như hiện nay, cần có sự mạnh mẽ, quyết liệt và quan tâm hơn của các bộ ngành địa phương tới doanh nghiệp. Nhưng đáng tiếc là những nỗ lực cải cách về thể chế, quy định kinh doanh của chúng ta trong năm 2022 dường như chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Một trong những điều mà doanh nghiệp chờ đợi nhất là việc tháo gỡ những vướng mắc trong điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu, với 10 nhóm giải pháp cụ thể, trong đó có nhóm giải pháp cải cách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, việc cải cách chưa thực sự hiệu quả. Các bộ ngành chưa có sự rà soát quyết liệt xem quy định ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của mình đang tạo ra những rào cản gì? Những quy định đó có thực sự cần thiết hay không? Và kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi danh mục đó như thế nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát sơ bộ và chúng tôi nhận thấy, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện rộng hơn rất nhiều so với số lượng ngành nghề mà Luật Đầu tư quy định tại danh mục của Luật Đầu tư. Về các điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra phương án cắt giảm các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhưng những quy định đó rất hiếm có trong các kế hoạch của bộ ngành hoặc có những điều kiện kinh doanh không thực sự có ý nghĩa nhiều đối với doanh nghiệp, trong khi đây là một trong những rào cản rất lớn. Đơn cử như khi làm việc với các hiệp hội, các cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi thấy họ vẫn bất an trước những rào cản kinh doanh như điều kiện liên quan đến phòng cháy chữa cháy hay an toàn vệ sinh môi trường.
PV: Vấn đề cải thiện môi trường sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã đặt ra từ lâu, nhưng tại sao trong năm qua vẫn chưa có được kết quả rõ ràng như mong muốn, mặc dù đây là năm doanh nghiệp rất khó khăn và cần sự hỗ trợ, thưa bà?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Đúng là trong giai đoạn 2016 - 2019, chúng ta nhìn thấy những thay đổi rất tốt trong việc cải thiện môi trường sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng từ năm 2020 đến nay đã có xu hướng chững lại, thậm chí nhiều thủ tục, rào cản đang có xu hướng tăng lên và triệt tiêu những kết quả cải cách đã đạt được trong giai đoạn trước.
Trước hết tôi cho rằng, áp lực cải cách phải đến từ cả phía Chính phủ, bộ ban ngành lẫn cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn từ năm 2016 - 2019, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc cải cách môi trường kinh doanh và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang có hứng khởi trong việc chia sẻ những vấn đề của họ. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn thấy vai trò của các bên liên quan rất quan trọng như các cơ quan nghiên cứu độc lập, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cơ quan truyền thông giúp cho quá trình tạo ra áp lực cải cách hiệu quả. Trước đây sự quan tâm của xã hội, những người đứng đầu bộ ngành địa phương cũng chú trọng hơn tới việc giải quyết các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, mối quan tâm của xã hội đổ dồn vào yếu tố dịch bệnh và những biến động khác khiến vấn đề môi trường kinh doanh ít được quan tâm hơn so với trước đây. Đó là lý do tại sao những vướng mắc của doanh nghiệp chưa được khắc phục đáng kể.
PV: Ngay trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Chính phủ đã có nhóm giải pháp gắn với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng kết quả như thế nào, thưa bà?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Bản thân chương trình và các gói gỗ hỗ trợ phục hồi kinh tế trong năm 2022 đã đem lại những kết quả, giúp sức cho nhiều doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn sau dịch bệnh. Tuy nhiên chúng tôi thấy còn nhiều điểm chưa triển khai tốt từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Đơn cử như việc hỗ trợ thuế, chúng tôi thực sự đánh giá cao việc giảm thuế 2% VAT cho doanh nghiệp, nhưng thời gian giảm thuế chỉ đến hết năm 2022, trong khi bối cảnh hiện nay đang có rất nhiều thay đổi bởi áp lực nặng nề khi các thị trường suy giảm và chi phí đầu vào gia tăng nên gói hỗ trợ này chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng thế. Đây là gói hỗ trợ mà thời gian đầu doanh nghiệp rất mong chờ và hy vọng sẽ mang lại đòn bẩy tài chính tốt cho họ. Tuy nhiên, qua khảo sát và làm việc với các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội, thực tế là họ không dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ này. Đến thời điểm hiện tại, gần như tỷ lệ giải ngân không đáng kể. Có nhiều lý do, trong đó có một lý do quan trọng là doanh nghiệp không đáp ứng được những điều kiện được cho là đang quá ngặt nghèo. Bên cạnh đó, yếu tố thanh tra, kiểm tra đang gây áp lực với cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Ngay trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh, nhưng có lẽ, năm 2022, chúng ta cũng tập trung rất nhiều vào những biến động về giá cả, biến động thị trường nước ngoài khiến cho những cải cách này chưa thực hiện đáng kể. Những rào cản về đầu tư, mâu thuẫn chồng chéo trong các quy định của pháp luật mới giải quyết ở mức cơ bản chứ chưa đi đến căn nguyên của vấn đề. Năm 2021, Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để giải quyết những vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh. Năm 2022, việc thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, một số thủ tục được thực hiện nhanh hơn nhưng quá trình này vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi rào cản về mặt pháp lý vẫn chưa thể tháo gỡ ngay.
ĐẶT DOANH NGHIỆP LÀM TRUNG TÂM KHI KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ - KINH DOANH
PV: Cụ thể, bà nhận thấy doanh nghiệp bất động sản đã gặp những khó khăn gì trong môi trường đầu tư - kinh doanh?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Năm 2022, môi trường kinh doanh nói chung đã khó khăn nhưng các doanh nghiệp bất động sản còn khó khăn hơn nữa. Nhưng dường như không có động thái cải cách nào được ghi nhận trong năm 2022 hướng đến tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thậm chí, những cách thức để ứng phó với bất thường trong hoạt động thị trường đang kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp bất động sản, làm cạn đi cơ hội phục hồi của ngành và nếu như ngành bất động sản không có sự chuyển biến thì sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành cùng hàng triệu lao động tại các ngành và lĩnh vực liên quan.
Thời gian qua, những khó khăn của bất động sản đã được nêu lên nhiều, đã có những chỉ đạo khơi thông nhưng dường như những chỉ đạo ấy đang nằm trên giấy hoặc nêu trong các hội nghị, diễn đàn hơn là bằng những hành động thực tiễn. Mặc dù một số bộ ngành cũng đã có những động thái để giải quyết các vướng mắc, tồn đọng nhưng ngành bất động sản vẫn còn nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ. Đây cũng là điểm làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp và kéo theo sự mất niềm tin ở các lĩnh vực khác.
Có thể nói, năm 2022 là một năm vô cùng gian nan với các doanh nghiệp, không chỉ về thị trường, về những yếu tố bất thường khó đoán định mà còn khó khăn vô cùng bởi yếu tố về mặt chính sách. Thực tế, những khó khăn, rủi ro về mặt chính sách không phải bây giờ mới có. Nhưng trước đây, chúng ta có cơ chế linh hoạt hơn nên các cấp thực thi có sự điều chỉnh tùy biến, có thể tuân thủ theo luật này mà chưa tuân thủ theo luật khác, dẫn đến các thủ tục đối với doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, năm 2022 lại xuất hiện tình trạng bất an của cán bộ thực thi và họ không tự tin khi làm thủ tục cho doanh nghiệp, bởi lo ngại không biết việc tuân thủ pháp luật có đúng không và đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với trước đây. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, khi làm thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước còn bị gây khó dễ bởi cán bộ thực thi lo ngại rủi ro khi thông qua các thủ tục. Đây là một trong những thực tế khiến cho môi trường kinh doanh của Việt Nam, vốn đã không thực sự hấp dẫn càng trở nên khó khăn bội phần.
Mặc dù nhận diện được các bất cập cũng như sự khác biệt giữa các văn bản từ lâu nhưng chúng ta chưa có hành động hay giải pháp cụ thể nào thực sự hiệu quả để khắc phục tình trạng này, nên những khó khăn này cứ kéo dài năm này qua năm khác và chưa thể giải quyết dứt điểm.
Đồng thời, trong năm qua, trước một vài trường hợp liên quan đến phát hành trái phiếu thì những phản ứng chính sách của chúng ta đang khá cực đoan, dẫn đến nhà đầu tư mất niềm tin vào cả các doanh nghiệp làm ăn quy củ, minh bạch, khiến cho dòng vốn của các doanh nghiệp cũng khó khăn hơn rất nhiều. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều kêu gọi liên quan đến khơi thông dòng vốn cho bất động sản cũng như tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính - pháp lý nhưng dường như vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Trong năm 2023 và những năm tới đây nữa, việc kiến tạo một môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng là vô cùng quan trọng, bởi nếu không khơi thông được nguồn vốn cho bất động sản, thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực khác bị ảnh hưởng.
NIỀM TIN PHẢI ĐƯỢC XÂY DỰNG BẰNG NHỮNG KẾ HOẠCH THỰC THI
PV: Bước sang năm 2023, chúng ta phải thay đổi tư duy, cơ chế chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng thuận lợi hơn trong việc đầu tư - kinh doanh, cụ thể như thế nào, thưa bà?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Để kiến tạo một môi trường đầu tư - kinh doanh thật sự thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp thì các bộ ngành địa phương phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm, coi trọng hơn nữa và tiến hành từng bước nhưng hiệu quả các hoạt động cải cách đúng với nhu cầu của doanh nghiệp.
Bước sang năm 2023, sẽ có rất nhiều điều cần đặt trọng tâm: Thứ nhất là minh bạch hơn và quy định rõ ràng liên quan tới phát hành trái phiếu. Việc có thông tin minh bạch và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp sẽ tạo được tâm lý an tâm cho nhà đầu tư, từ đó doanh nghiệp có được nguồn vốn cho việc triển khai dự án. Thứ hai là thời gian qua chúng ta đã nhận diện được các khó khăn về cơ chế chính sách cũng như sự mâu thuẫn chồng chéo của các quy định, văn bản quy phạm pháp luật.
Vậy thì tới đây, Chính phủ phải cải cách theo hướng là ngồi lại với nhau, cùng các bộ ngành tháo gỡ từng điểm cụ thể. Những nội dung, văn bản nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải ban hành dưới dạng một nghị định sửa nhiều nghị định về những vướng mắc khó khăn đó. Những nội dung nào liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội thì cũng phải kiến nghị Quốc hội để ban hành sửa đổi các nội dung liên quan. Chỉ khi có những rõ ràng như vậy mới tạo được tâm lý an tâm cho những người thực thi bên dưới, rằng họ sẽ không làm sai bởi nhiều cái sai chỉ là do vô tình. Nếu không rõ ràng, những băn khoăn của cán bộ thực thi sẽ là trở ngại về mặt tâm lý rất lớn, có thể dẫn đến việc chần chừ khi hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ chế bảo vệ cán bộ là cần thiết để khuyến khích sự linh hoạt trong thực thi trách nhiệm công vụ.
Bên cạnh đó, những nội dung cải cách khác cũng cần tiếp tục thực hiện để khơi thông nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là những kế hoạch gắn với đầu tư công cần thúc đẩy để khơi thông thêm nguồn vốn cho ngành bất động sản.
Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề vẫn là sửa từ các văn bản pháp luật để tránh những mâu thuẫn chồng chéo và khác biệt, nhất là trong thủ tục kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp. Chúng ta phải rà soát lại, xem những điều kiện nào thực sự cần thiết, những điều kiện nào có thể đơn giản hóa, để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thì phải thực thi một cách tối đa. Đây cũng là cách mà Chính phủ có thể mang lại động lực, cũng như tạo niềm tin cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng, rằng họ sẽ được quan tâm hỗ trợ để hồi phục và phát triển trong năm 2023.
Tác động kinh tế sẽ song hành với tác động xã hội và đây là hai yếu tố phải giải quyết ngay. Càng thực thi chậm bao nhiêu càng tạo ra những hệ lụy khó lường trong tương lai. Vẫn còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn và nhiều câu chuyện bất an, chúng tôi cũng kỳ vọng các bộ ngành địa phương sẽ quyết tâm đồng hành, giải tỏa tâm lý, xây dựng lại niềm tin cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
PV: Công cuộc cải cách này không chỉ đơn thuần đến từ phía các cơ quan quản lý chính sách mà cần sự phối hợp của cả doanh nghiệp như thế nào, thưa bà?
TS. Nguyễn Minh Thảo: Tôi nghĩ rằng trong một công cuộc cải cách không thể đơn lẻ một vài bên, không đơn thuần đến từ phía các cơ quan quản lý chính sách mà còn đến từ nhiều phía, trong đó có cơ quan hoạch định chính sách, có cơ quan thực thi và cả doanh nghiệp. Quan sát trong giai đoạn 2015 - 2019, chúng tôi có sự đồng hành, chia sẻ rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Có lẽ là thời điểm đó, chúng tôi rất dễ nhận được sự chia sẻ của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. Ngược lại, thời gian gần đây, chúng tôi cảm thấy doanh nghiệp có nhiều mối quan tâm hơn, có nhiều tâm tư hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì thế những vấn đề về phản biện chính sách, những vấn đề về chia sẻ các vướng mắc mới chỉ đến từ những doanh nghiệp ngành hàng, hiệp hội đơn lẻ mà thiếu đi sự đồng thuận cùng phối hợp giữa các hiệp hội.
Cũng phải thừa nhận rằng, Chính phủ có rất nhiều chương trình hỗ trợ nhưng doanh nghiệp chưa nhận được nhiều, cũng có nhiều lời kêu gọi đồng hành với doanh nghiệp, có rất nhiều quyết tâm bằng văn bản chỉ đạo nhưng dường như kết quả doanh nghiệp nhận được chưa như kỳ vọng. Do đó, họ chưa thực sự tin tưởng vào những nỗ lực cải cách. Đây cũng chính là lý do chúng tôi muốn Chính phủ thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn, liên tục hơn thông qua những giải pháp cụ thể để chúng ta tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Nhưng niềm tin phải được xây dựng bằng những kế hoạch thực thi ở địa phương, bằng sự linh hoạt của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của cán bộ thực thi hơn là thể hiện trên các văn bản về mặt chỉ đạo điều hành. Nếu như chúng ta có những thay đổi cụ thể bằng chính sách, thái độ phục vụ đối với cộng đồng doanh nghiệp thì tôi tin là doanh nghiệp sẽ cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn, để cùng với chính quyền bộ ngành tạo ra được sự thay đổi và lan tỏa quyết tâm cải cách. Năm 2023 chính là thời điểm cần thiết nhất hơn bao giờ hết để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cho doanh nghiệp.
- PV: Trân trọng cảm ơn bà!