Hành động quyết liệt, kịp thời trong cải cách thể chế: Khôi phục niềm tin, tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023

Hành động quyết liệt, kịp thời trong cải cách thể chế: Khôi phục niềm tin, tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 20/12/2022 - 06:14

Sự phục hồi kinh tế trong năm 2022 là bước đệm để tiếp đà tăng trưởng cho năm 2023 với một phông nền chung tươi sáng hơn. Tuy nhiên, để thích ứng với bối cảnh còn nhiều biến động khó lường, năm 2023 là năm phải hành động, dựa trên một hệ thống giải pháp toàn diện, đầy đủ ở mọi lĩnh vực và thực thi một cách quyết liệt, kịp thời các chương trình cải cách thể chế đã đặt ra.

*****

Theo các chuyên gia, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ, sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp và các giải pháp thúc đẩy tiến độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm… là những vấn đề quan trọng cần đặt ra để tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Nghị quyết số 68/2022/QH của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 như: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Tình hình thực tế cho thấy, việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay ngày càng khó khăn, thậm chí còn khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng 10 năm trước. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh càng được kỳ vọng là giải pháp phi tài chính hiệu quả, nhanh chóng phục hồi lại niềm tin của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy sự phục hồi bền vững và gia tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. 

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có những chia sẻ về các động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023, cơ hội, thách thức và những thông điệp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Nhìn lại bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2022, ông có đánh giá gì?

Ông Phan Đức Hiếu: Những kết quả về kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được là rất tích cực, rất phấn khởi so với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp và nền kinh tế phải trải qua trong 2 năm dịch bệnh tác động mạnh.

Tôi nhận thấy, kết quả này trước hết có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, thứ hai là sự hợp tác của người dân và thứ ba là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ. Chúng ta đã thực hiện thành công một phần mục tiêu cơ cấu phát triển nền kinh tế và đưa ra nhiều chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế.

PV: Xin ông phân tích rõ hơn về những giải pháp chính sách, chương trình cải cách đã được đưa ra để tăng sức chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian qua?

Ông Phan Đức Hiếu: Có 3 “gói” chính sách rất quan trọng, bổ trợ cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023 và trong thời gian tới.

Thứ nhất là một loạt các chương trình cải cách thể chế. Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Theo đó, hàng năm Chính phủ ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bao gồm: Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014 - 2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (từ năm 2019 - 2021). Tuy các nghị quyết không được ban hành hàng năm nhưng không có nghĩa cứ hết năm đó là nghị quyết hết hiệu lực, nhiệm vụ nào chưa làm được thì vẫn phải tiếp tục.

Thứ hai, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Đây là một nghị quyết rất quan trọng và mạnh mẽ về cải cách thể chế khi đưa ra các nhóm giải pháp toàn diện, đầy đủ và căn cơ về các vấn đề phát triển ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát dịch bệnh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực... tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những mục tiêu của nghị quyết đều rất thiết thực, rất tốt, hướng đến việc gia tăng năng suất. Trong 5 năm tới sẽ cắt giảm ít nhất 20% số quy định và giảm 20% gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Những kết quả về kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được là rất tích cực, rất phấn khởi so với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp và nền kinh tế phải trải qua trong 2 năm dịch bệnh tác động mạnh. Ảnh minh họa.

Thứ ba, các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đó là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành. Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP và một loạt hướng dẫn. Đây là gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển với quy mô lên đến 350.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó còn có các chương trình cải cách kinh tế duy trì từ năm 2021. Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đặt ra nhiều chỉ tiêu dài hạn về những vấn đề như năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng, bội chi ngân sách… Ngày 12/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 31.

Tuy nhiên, về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tôi cho rằng vẫn còn một số chương trình chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra so với kỳ vọng và yêu cầu đòi hỏi của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là những điều cần tiếp tục thực hiện trong năm 2023. 

PV: Vậy đâu là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2023, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Riêng về mặt chính sách, bước sang năm 2023, có nhiều động lực tăng trưởng phụ thuộc vào việc triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định như nêu trên. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với những mục tiêu rất cụ thể, kèm theo đó là các giải pháp khá toàn diện, căn cơ cả về ngắn hạn và dài hạn để có thể thực thi hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã đặt ra. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được thảo luận kỹ lưỡng tại thời điểm thông qua và có sự đồng thuận về mục tiêu, mong muốn đạt được.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế hiện vẫn còn nguyên tính thời sự, với tổng dư địa tài khóa và tiền tệ là 350.000 tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Năm đầu tiên thực hiện tốc độ giải ngân vẫn còn chậm có thể do tiêu tốn thời gian để hoàn tất thủ tục hướng dẫn nhưng có thể kỳ vọng chương trình này sẽ được thực hiện đột phá trong năm 2023. Đây chính là hành trang cơ bản, bệ đỡ chính sách để có thể hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2023.

PV: Triển vọng kinh tế năm 2023 cũng có nhiều điểm thuận lợi nhưng với bối cảnh hiện tại, có lẽ còn nhiều thách thức phải vượt qua, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Tất nhiên, hiện nay cũng phải lường trước một điều là bối cảnh đang đặt ra nhiều thách thức với những nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động đến mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Những thách thức sắp tới bao gồm cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt hoặc vượt hầu hết các chỉ tiêu nhưng duy nhất có một chỉ tiêu mà các nhà kinh tế cho rằng rất quan trọng là năng suất lao động thì lại chưa đạt được.

Trong 11 tháng của năm 2022, nước ta có đến 194.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu tích cực. Nhưng ngược lại, tôi cũng băn khoăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 132.000 doanh nghiệp, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Tôi nghĩ 2 năm dịch bệnh khó khăn thì số lượng lớn doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường còn có thể giải thích được. Nhưng năm 2022, nếu gọi là năm kinh tế đang phục hồi thì tại sao con số rút lui vẫn tiếp tục đồng hành cùng với con số gia nhập mới, thậm chí năm sau còn cao hơn năm trước? Doanh nghiệp hiện tại đã và đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, động lực quan trọng để phát triển kinh tế chính là doanh nghiệp. 

Năm 2023 là năm phải hành động quyết liệt. Khi đã có một hệ thống giải pháp toàn diện, đầy đủ trên mọi lĩnh vực thì việc  thực thi một cách quyết liệt, kịp thời đóng vai trò quyết định. Nếu gọi năm 2022, 2023 là các năm bản lề thì điều này lại càng quan trọng, đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ về cải cách thể chế. Không thể để năm nào cũng chỉ nói rằng sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng nền tảng thể chế, chính sách mà chậm trễ việc thực thi. Thể chế phải đi trước, phải là nền tảng cho tăng trưởng, phát triển.

PV: Để hiện thực hóa thông điệp nói trên, theo ông giải pháp là gì?

Ông Phan Đức Hiếu: Điều quan trọng nhất để triển khai các giải pháp đã đề ra là hành động cụ thể, bao gồm từ việc cụ thể hóa các giải pháp đó đến việc thực thi một cách hiệu quả. Bối cảnh hiện nay thay đổi rất nhanh với nhiều yếu tố tác động khó dự đoán. Với những yêu cầu đặt ra cho năm 2023, để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng thì việc thực thi phải quyết liệt hơn và kịp thời hơn. Bởi sự biến động liên tục của bối cảnh không cho phép sự chậm trễ. Nếu chúng ta không đẩy nhanh tốc độ hành động trong thực thi thì có thể xảy ra tình huống: Rõ ràng, giải pháp lúc đề ra có thể phù hợp nhưng do thực thi chậm thì đến khi hoàn thành, hoàn cảnh đã thay đổi, lại không còn phù hợp nữa. Chỉ khi đi vào thực thi sớm thì mới có cơ hội để hiệu chỉnh ở chỗ nào và ở mức độ nào, thậm chí có thể tính đến những giải pháp mới bổ sung do bối cảnh thay đổi và để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Về gói phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp, có một số chính sách sẽ kết thúc vào năm 2022. Để ứng phó với những yếu tố tác động có thể dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2023, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì có thể phải xem xét kéo dài thêm các chương trình hỗ trợ này. Tôi lấy ví dụ, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang đề xuất kéo dài chính sách giảm thuế VAT, hay thêm một chính sách giảm thuế để vượt qua khó khăn.

Tiếp theo, tôi nhấn mạnh nhiều đến hành động, sự quyết liệt và khẩn trương. Trước mắt, cần giải quyết dứt điểm các vấn đề đã phát hiện, như vấn đề về khó khăn của doanh nghiệp, khó khăn thị trường tài chính hiện nay. Yếu tố kịp thời rất quan trọng, nếu chậm trễ thì vô hình trung không giải quyết được vấn đề, dẫn đến doanh nghiệp khó khăn sẽ lại càng khó khăn. Sự chậm trễ cũng khiến hiệu quả và lợi ích mang lại bị giảm đi rất nhiều.

Ngoài ra, những vụ án kinh tế đang xử lý trong năm vừa qua cũng cần minh bạch và sớm giải quyết dứt điểm. Đơn cử như vấn đề liên quan đến thị trường vốn. Rõ ràng, các nhà đầu tư hiện nay đang rất cần thông tin, rất cần sự minh bạch. Họ muốn biết những vụ việc bắt bớ, xử lý sai phạm trong thời gian qua hiện đang được giải quyết khâu nào và muốn hình dung ra được đến khi nào thì câu chuyện được xử lý xong, cùng với đó là lợi ích các bên sẽ được phân xử ra sao.

Tôi cho rằng, minh bạch hóa thông tin chính là cách hiệu quả nhất để khôi phục lại niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường. Cũng giống như khi vết thương xuất hiện, việc chữa trị và giải quyết nhanh vết thương để chuyển sang một trạng thái mới rất quan trọng.

Bên cạnh những giải pháp đã có thì phải tiếp tục bám sát khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và giải quyết vướng mắc. Gần đây rất nhiều doanh nghiệp tiếp tục nêu lên mong muốn cần đơn giản hóa vấn đề cơ chế, thủ tục.

Trong xử lý bất cập thì tôi vẫn mong muốn tránh áp dụng những giải pháp “hãm phanh” đột ngột, nằm ngoài khả năng dự báo. Đối với doanh nghiệp thì việc có thể dự báo để xây dựng kịch bản kinh doanh là rất quan trọng và họ rất sợ những chính sách “overnight” có thể thay đổi chỉ sau 1 đêm, không thể đoán trước.

Tổng kết lại, có 2 điều tôi muốn nhấn mạnh. Thứ nhất, cải cách thể chế, minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp phát triển thực sự và hướng đến chất lượng chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở giảm số ngày, giảm số hồ sơ hay giải quyết thủ tục hành chính. Thứ hai, không chỉ Nhà nước mà tất cả mọi chủ thể tham gia thị trường đều phải có trách nhiệm, trước hết vì lợi ích chính mình. Nhà đầu tư nếu không tự hành động vì lợi ích của mình và có trách nhiệm với chính mình thì rất khó để Nhà nước can thiệp. Đối với doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để tự sàng lọc, phân loại và bứt phá.

PV: Vâng, như ông nói, với doanh nghiệp, bối cảnh hiện tại chính là cơ hội. Vậy theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt được cơ hội, nói cách khác là “tự cứu mình” thoát khỏi các thách thức đang bủa vây và gia tăng khả năng thích ứng, sức chống chịu trước những biến động?

Ông Phan Đức Hiếu: Bối cảnh hiện nay là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thể khẳng định và nâng cao năng lực thích ứng, năng lực quản trị của mình trước nguy cơ bị sàng lọc hay đánh đồng.

Tôi thấy nhiều doanh nghiệp đang tìm giải pháp tự nâng cao năng lực, vượt qua khó khăn để cứu mình. Ví dụ, một số doanh nghiệp tích cực, chủ động liên lạc với nhà đầu tư, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình sử dụng vốn và kế hoạch trong tương lai, cùng với nhà đầu tư thỏa thuận để tìm ra phương án giải quyết khó khăn. Rõ ràng đây là động thái rất tốt.

Những doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm, trung thành với lợi ích của nhà đầu tư sẽ có cơ hội tạo nên đột phá trong bối cảnh khó khăn. Nếu các chủ thể khác như nhà đầu tư, cổ đông… tham gia hời hợt, thiếu trách nhiệm thì sẽ rất nguy hiểm, bởi khi đó, rất có thể xuất hiện xu hướng tăng cường can thiệp chính sách, bằng cách đặt thêm điều kiện và siết chặt thị trường hơn nữa, mà đây là điều không ai mong muốn.

PV: Với các nhà đầu tư, ông muốn gửi gắm thông điệp gì?

TS. Phan Đức Hiếu: Hiện đang có một thực tế là, khi thị trường gặp khó khăn, bao gồm cả nhà đầu tư và doanh nghiệp, tất cả đều trông chờ hoàn toàn vào các giải pháp can thiệp của Chính phủ. Tôi cho rằng, cần có nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này. Trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều cần có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của tất cả các bên có liên quan. Ví dụ như vấn đề về thị trường vốn. Sự can thiệp của Chính phủ là cần thiết để khắc phục những khiếm khuyết cố hữu của thị trường nhưng không thể đứng ra đảm bảo tất cả các hoạt động kinh tế diễn ra một cách an toàn và lành mạnh. Mà ngược lại, càng giảm thiểu một cách tối đa sự can thiệp của Nhà nước, thay vào đó để thị trường (nhà đầu tư, doanh nghiệp) tự quyết định nhiều hơn mới là cách tốt nhất để tạo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Sự dễ dãi và thiếu hiểu biết của nhà đầu tư là một phần nguyên nhân dẫn đến sự bất cẩn, thiếu chỉn chu của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp khiến rủi ro tăng lên. Nếu như nhà đầu tư có trách nhiệm, nhận thấy chưa đủ năng lực, từ đó tự nâng cao kiến thức và hành động vì lợi ích của chính bản thân thì thị trường tự khắc sẽ thắt chặt tính kỷ luật hơn và gia tăng tính sàng lọc. Bởi vì như đã nói trên, sự tăng cường can thiệp về chính sách luôn mang tính hai mặt, là con dao hai lưỡi có thể gây ra sự méo mó trên thị trường.

Trong năm 2023, theo tôi, thông điệp chính là cần nâng cao nhận thức của các bên trong việc tham gia một cách có trách nhiệm và tích cực, trước hết vì lợi ích của chính mình. Điều này sẽ giúp khôi phục lại các thị trường về mặt dài hạn, đồng thời cũng giúp giải quyết được những điểm nghẽn, đặc biệt đối với thị trường vốn trong thời gian qua./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thảo Liên - Hà Trang
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top