Aa

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần bổ sung quy định ngoại lệ trong điều chỉnh quy hoạch loại hình nhà ở xã hội

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 28/06/2024 - 11:56

Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến dự án đô thị, nhà ở xã hội và các lo ngại chồng chéo luật.

Cân nhắc nội dung "nhà ở xã hội" 

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với nội dung, bố cục của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Song, để hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ và thống nhất với việc phân loại đất theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai (2024) nhằm bảo đảm triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai đặc biệt là các khu vực nội thị.

Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, cũng cần bổ sung, giải thích nội hàm của thuật ngữ "sự phù hợp giữa các cấp quy hoạch" và "các loại quy hoạch ngành" đang được quy định tại khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật này nhằm tạo sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị cân nhắc đối với nhà ở xã hội. Đây loại hình được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo Luật Nhà ở. Do đó, cần bổ sung quy định ngoại lệ trong điều chỉnh quy hoạch với loại hình này tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần bổ sung quy định ngoại lệ trong điều chỉnh quy hoạch loại hình nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cũng góp ý tại Điều 46, các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh, đại biểu kiến nghị bổ sung nội dung đối với nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Còn đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) để nghị làm rõ một số từ ngữ. Theo Dự thảo Luật, định nghĩa đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai hoặc mở rộng để thành lập thành phố, thị xã, thị trấn mới theo định hướng quy hoạch. Tuy nhiên, đại biểu Mai cho rằng, nếu xét về ngữ nghĩa để áp dụng chính sách, pháp luật sau này thì chưa đủ tính chất bao hàm và dễ gây hiểu lầm. Bởi đô thị mới không chỉ là đô thị dự kiến được hình thành mà trên thực tế, những khu đô thị đã được hình thành, hoàn chỉnh với thời gian ngắn thì theo cách thông thường, phổ biến, người dân vẫn gọi là đô thị mới, thành phố trẻ…

"Như vậy, cần có sự nghiên cứu sâu để xác định lại hoặc phân tích, lưu ý riêng về những cách hiểu này", đại biểu yêu cầu.

Cần thiết lập quy hoạch chung đô thị

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết cho biết, một số chuyên gia cho rằng, có 58 văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hơn 115 loại quy hoạch; bên cạnh đó có ý kiến đại biểu lo ngại trong Luật Quy hoạch và dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn có những điểm chung, liệu có chồng chéo, lãng phí?

Trao đổi về vấn đề này, đại biểu cho rằng, chúng ta cần nhìn vào bản chất, tiêu chí của hai loại quy hoạch: quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị.

Theo đại biểu, về bản chất, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể quy hoạch tổng thể quốc gia, các không gian về hoạt động kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bổ dân cư nông thôn. Mặt khác, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần bổ sung quy định ngoại lệ trong điều chỉnh quy hoạch loại hình nhà ở xã hội- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam.

Theo đại biểu Nam, hai quy hoạch này có 10 điểm khác nhau nhưng trong hai quy hoạch cũng có một số điểm chồng chéo, do đó ban soạn thảo cần quan tâm tiếp thu, sửa đổi. Bên cạnh đó, nếu tích hợp hai quy hoạch này cũng có những vấn đề khó khả thi đặt ra. Ví dụ như kỳ quy hoạch chưa tương đồng; đối tượng quy hoạch; mục tiêu quy hoạch hoặc khó để thực hiện được gộp chỉ tiêu kiểm soát, cũng như mức độ kiểm soát, mức độ tương thích giữa các ngành, lĩnh vực.

Qua nghiên cứu, đại biểu nhấn mạnh đến sự cần thiết lập quy hoạch chung đô thị và một số nơi là quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có Thừa Thiên Huế vì tính chất, mục tiêu của loại quy hoạch này.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho hay: "Các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch".

Xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Cần bổ sung quy định ngoại lệ trong điều chỉnh quy hoạch loại hình nhà ở xã hội- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu đưa ra dẫn chứng, theo dự thảo Luật này, trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỷ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh. Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên?

Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỷ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo… Hiện tại đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó đại biểu đề nghị dự Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top