Aa

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Thứ Năm, 16/02/2023 - 05:59

Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 13 bước xây dựng Quy hoạch Thủ đô, trong đó đã mời các chuyên gia tham vấn, tổ chức học tập kinh nghiệm và triển khai các bước xây dựng Đề cương định hướng.

Ngày 15/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Thường trực Thành ủy để nghe báo cáo, cho ý kiến về tình hình, tiến độ xây dựng Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Minh Hải đã trình bày Báo cáo về tiến độ triển khai và Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến nay, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 13 bước xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã mời các chuyên gia tham vấn, tổ chức học tập kinh nghiệm và triển khai các bước xây dựng Đề cương định hướng.

Từ nay đến trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ chỉ đạo thực hiện 8 bước hoàn thiện Quy hoạch quan trọng này.

Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết Đề cương gồm ba nội dung: phạm vi quy hoạch, sự cần thiết xây dựng Đề cương và định hướng cụ thể.

Đáng chú ý, về quan điểm tổ chức không gian, Đề cương nêu rõ quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, có bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến; đồng thời mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ.

Đặc biệt, quy hoạch sẽ chú trọng 3 nội dung quan trọng về không gian. Trong đó, ngoài hai thành phố trực thuộc và ba khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), thành phố dự kiến xác định ba trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh...

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn đã trình bày Báo cáo về tình hình tiến độ triển khai nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, tiến độ triển khai nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi rất gấp.

Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ báo cáo, trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét thông qua chủ trương đối với Đồ án vào tháng 7/2023, trình Hội đồng Nhân dân thông qua cùng trong tháng này; đến tháng 8/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ trình Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự kiến tháng 10/2023, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, thông qua Đồ án.

Đối với nội dung này, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Thành ủy có ý kiến với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành cho ý kiến thẩm định trong tháng 3/2023; đồng thời cho ý kiến về chấp nhận chủ trương áp dụng đặt hàng hoặc chỉ định thầu tư vấn...

Tại cuộc họp, các chuyên gia Trần Đình Thiên, Trần Ngọc Chính nêu quan điểm việc Hà Nội xây dựng và điều chỉnh những quy hoạch này là làm nhiệm vụ của quốc gia, phải đặt Hà Nội trong tâm thế là trung tâm, trái tim của cả nước, là đại diện, đầu tàu trong trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Do đó, chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của quy hoạch phải đặt lên hàng đầu.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng Hà Nội phải xác định rõ tầm nhìn chiến lược, những tiềm năng, lợi thế mà mình có, từ đó có giải pháp để thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng. Để hiện thực hóa được các quy hoạch lớn này, Hà Nội cần có cơ chế vượt trội, mang tính mở đường.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Việt Nam đồng tình với việc lựa chọn 3 trục phát triển quan trọng mà Hà Nội đã nêu trong Đề cương Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông nhấn mạnh thêm là phải cấp thiết quy hoạch trục sông Hồng vì đây là nét đặc trưng lâu đời văn hóa Hà Nội. Cạnh đó, cần quy hoạch phát triển trục Ba Vì - Hồ Tây để trở thành trục văn hóa làm nổi bật đặc trưng của Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh mục tiêu tiến độ thành phố đề ra là trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2023 đồng thời 3 nội dung: Luật Thủ đô (sửa đổi); điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian không còn nhiều, đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố phải tập trung chỉ đạo, nỗ lực hết sức để thực hiện bằng được nhiệm vụ đề ra.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quy hoạch lần này phải tạo ra nguồn lực mới để xây dựng và phát triển Thủ đô, tạo ra những cực tăng trưởng mới, trong đó có hai thành phố trực thuộc là TP. phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và TP. phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai)...

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý cần tính toán kỹ về không gian, đặt ra cho Hà Nội trong liên kết Vùng Thủ đô. Thành phố phải nghiên cứu thêm về hạ tầng, kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc bằng đường sắt. Đây là lý do khi đề xuất xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội đã đề nghị kết hợp giải phóng mặt bằng luôn phần đất để tích hợp đường sắt quốc gia vào.

Bí thư Thành ủy đề nghị tăng cường quán triệt, tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia để tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của nhân dân, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cộng đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top