Aa

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Thứ Năm, 21/03/2019 - 23:30

Việc xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh sẽ tạo ra giải pháp đột phá cho những vướng mắc tồn tại và giúp Việt Nam bắt kịp với xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới. Nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập Cục phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, hãy cùng lắng nghe ý kiến một số chuyên gia về việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: Quản lý đất đô thị trong phát triển đô thị

Ở khắp các nơi trên thế giới, đất đô thị có giá trị cao hơn rất nhiều lần so với đất nông thôn; đất sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp còn cao hơn cả hàng trăm lần so với đất nông nghiệp tại nông thôn. Lý do là vì giá trị đất đai luôn tỷ lệ thuận với thu nhập từ sử dụng đất. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn rất nhiều lần so với thu nhập từ kinh doanh, dịch vụ tại đô thị. Từ ý nghĩa đó, quản lý đất đai đô thị không chỉ là công cụ giữ trật tự trong sử dụng đất mà còn là một công cụ tài chính quan trọng để tăng thu từ đất.

Thực tế cho thấy quản lý đất đai có thể làm tăng giá trị đất đai đô thị thông qua các cơ chế như: Quyết định hành chính chuyển khu vực nông thôn thành đô thị thông qua việc thành lập khu đô thị mới hoặc mở rộng khu đô thị cũ; Phát triển hạ tầng đường giao thông đô thị, phát triển tiện ích công cộng tại đô thị; Quy hoạch đô thị mới được lập; Quản lý đất công, đưa đất công vào sử dụng nhằm tạo nguồn thu từ giá trị đất công là một giải pháp rất hiệu quả trong tạo nguồn lực tài chính cho phát triển nói chung, cũng như cho phát triển đô thị nói riêng. Trong đó, thuế đất là một nguồn thu chính cho ngân sách địa phương tại hầu hết các nước phát triển. Nguồn thu từ thuế đất tại các nước này đều chiếm từ 60 - 100% nguồn thu cho ngân sách địa phương với thuế suất ở mức cao, từ 1 - 1,5% giá trị đất trên thị trường.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Dựa trên phân tích khung pháp luật hiện hành và thực tế công tác quản lý đất tại Việt Nam cho thấy: Quản lý đất đô thị chưa tạo được cơ chế và công cụ phù hợp cho quản lý tài chính đất đô thị. Giá trị đất công tại đô thị bị thất thoát quá nhiều, thuế đất tại đô thị lại quá thấp. Nguồn lực phát triển đô thị dựa chủ yếu vào ngân sách Nhà nước, vào vốn vay ODA, vào trái phiếu Chính phủ mà không tạo được nguồn lực nội tại của từng đô thị. Vì vậy mà nguồn lực phát triển đô thị luôn bị thiếu hụt, không đáp ứng được yêu cầu đô thị hóa nhanh hiện nay. Mặt khác, pháp luật đất đai gần như thiếu hụt khung pháp luật cho quản lý đất đai đô thị. Không tạo được một hệ thống phân loại đất thứ hai theo không gian sử dụng đất, mà trong mỗi không gian có thể gồm nhiều loại đất phân theo mục đích sử dụng.

Các nhược điểm nói trên về quản lý, sử dụng đất đô thị, nhất là tài chính đất đô thị đặt ra yêu cầu cần đổi mới chính sách, pháp luật đối với đất đô thị. Trong sửa đổi Luật Đất đai 2013 hiện nay, nhiệm vụ hoàn chỉnh khung pháp luật về đất đô thị cần được đặt ra như một trọng tâm...

PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng - Cục Phát triển Đô thị : Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về phát triển bền vững được tổ chức tại Rio de Janeiro năm 2012 đã khẳng định sự chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh là chìa khóa để phát triển bền vững và thịnh vượng. Trong xu thế phát triển này, để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, hệ thống các đô thị đóng một vai trò có ý nghĩa then chốt khi khu vực đô thị ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế ở từng quốc gia. Tăng trưởng xanh tại đô thị là mô hình phù hợp với nhiều nước, có mức độ đô thị hóa khác nhau.

Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển đô thị tăng trưởng xanh, Bộ Xây dựng đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực đô thị. Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đã cụ thể hóa 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược về đô thị hóa bền vững đã được xác định tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bổ sung cho Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 về các hoạt động ưu tiên đối với các đô thị trong giai đoạn hiện nay đến năm 2030.

PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng

PGS.TS Hoàng Vĩnh Hưng

Với mục đích huy động sự vào cuộc của chính quyền và người dân các đô thị trong toàn hệ thống, hạn chế các giải pháp tăng trưởng thiếu bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và phát huy tối đa tiềm năng của khu vực đô thị trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030(Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018). Kế hoạch này sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh tại đô thị, tạo ra sự tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị làm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu đó đòi hỏi cần có sự chuyển dịch từ tư duy phát triển đến hành động cụ thể. Đây là một quá trình dài với nhiều khó khăn, thách thức cần có sự kiên trì, bền bỉ vì một tương lai bền vững của đất nước.

TS.KTS Trần Quốc Thái - Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị: Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh Việt Nam

Phát triển đô thị luôn là quá trình xuyên suốt và lâu dài. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và trình độ khoa học kỹ thuật của từng giai đoạn mà đô thị có những hình thái phát triển khác nhau nhưng khu vực đô thị luôn giữ vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng và của quốc gia. Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, việc áp dụng công nghệ thông tin từ quá trình hình thành, quản lý đến vận hành đô thị một cách hiệu quả, thông minh hơn hướng tới phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững là một bước đi cần thiết, phù hợp để hội nhập trong bối cảnh phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, để phát triển đô thị thông minh một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương thì việc xác định nhận thức chung cũng như nhận diện những thách thức, cơ hội định hướng và mô hình phát triển cho đô thị thông minh là rất quan trọng.

TS.KTS Trần Quốc Thái

TS.KTS Trần Quốc Thái

Nhằm xây dựng nền tảng chung trên toàn quốc về phát triển đô thị thông minh bền vững, ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng xác định các quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu theo từng giai đoạn cụ thể; các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đồng thời phát huy tính chủ động của các bộ, ngành, các địa phương cũng như cộng đồng DN và xã hội trong việc xây dựng đô thị thông minh.

Phát triển đô thị tại Việt Nam theo hướng thông minh hơn là một bước đi tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ hữu hiệu nhằm thông minh hóa công tác quản lý, phát triển đô thị gồm công tác quy hoạch đô thị, xây dựng và quản lý đô thị, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho các tổ chức và cá nhân trong đô thị trên nền tảng của hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa và thông minh hóa. Phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, phát triển đô thị để hướng đến mục tiêu tối ưu hóa quy trình, phương thức quản lý và điều hành, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, tiện ích đô thị là một bước đi cần thiết, phù hợp để hội nhập trong bối cảnh phát triển chung của thế giới. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top