Có lần tôi đi dự buổi hòa nhạc, ngồi cạnh một cô ăn mặc sang trọng. Khi dàn nhạc chơi đúng bài cô gái thuộc, cô bắt đầu hát âm ê trong miệng, khiến tôi mất hết cả cảm hứng thưởng thức âm nhạc tiếp. Lần khác, đang ngồi trong rạp chiếu phim thì bất ngờ có tiếng ai đó nói chuyện điện thoại ồn ảo cả một góc. Cả rạp ngơ ngác nhìn nhau tìm "thủ phạm".
“Alô, đây rồi! Đang ở đâu đó? Cái gì? Nói to lên, không nghe thấy gì cả…” có lẽ là mẩu đối thoại quá quen thuộc mà chúng ta dễ dàng nghe thấy trên các tuyến xe buýt, ở giữa chợ, rạp chiếu phim, buổi ca nhạc... Khi những âm thanh như vậy phát ra, những người xung quanh sẽ có phản ứng dây chuyền, người nhăn mặt, người ngoái đầu xem ai đang "phát loa", người lên tiếng nhắc nhở, có người bực mình còn bỏ ra chỗ khác. Lúc này "chính chủ" có người biết mình vô ý, vội dập điện thoại, có kẻ lại vẫn "vô tư" tiếp tục hết cuộc nói chuyện, chẳng quan tâm tới việc mình đang gây ra khó chịu cho người khác.
Trong một quy mô nhỏ như gia đình, công ty, chúng ta dễ dàng "làm gương" để người khác noi theo, hoặc đặt ra quy tắc, luật lệ để buộc mọi người tuân thủ. Nhưng trong một cộng đồng lớn, mỗi người một ý, quy tắc hay luật lệ không phải lúc nào cũng có thể áp dụng triệt để. Hệ quả là, văn minh đô thị trở nên lộn xộn vì những người ý thức kém.
Xưa nay, khi nói đến những câu chuyên thiếu văn minh ở đô thị, mọi người thường đổ lỗi rằng do tập tục thói quen, văn hóa nông thôn. Nhưng thực tế, người sống ở nông thôn vẫn có những truyền thống, cách cư xử rất văn minh không thua kém người dân sống ở thành thị. Mấu chốt của vấn đề là nhiều người chưa tạo cho mình thói quen văn minh từ những việc rất nhỏ như đi đúng luật giao thông, vứt rác vào thùng, đi vệ sinh đúng nơi quy định... Những thói quen này không phải là tiêu chuẩn áp dụng riêng cho người thành thị hay nông thôn mà là tiêu chuẩn xác định người có ý thức cộng đồng hay không. Mặc dù cơ sở hạ tầng ở các đô thị của Việt Nam vẫn còn nhược điểm như đường sá chật chội, thiếu nhà vệ sinh công cộng... nhưng không thể đổ lỗi cho những điều đó để lấp liếm ý thức kém của con người.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, phân tích, văn minh chỉ là một phần nhỏ của văn hóa trong đô thị. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thực trạng, trình độ lối sống ở trong các đô thị. Nói xa hơn thì văn hóa đô thị là tấm gương phản chiếu quá trình đô thị hóa, khả năng thích ứng của người dân đối với sự biến đổi về diện mạo của đô thị.
Văn hóa đô thị đánh trên 4 yếu tố: Đầu tiên là nhận thức về văn hóa của cộng đồng, người dân, chính quyền, các cấp liên quan. Họ sống theo kiểu nào, truyền thống hay hoàn toàn hội nhập theo lối sống mới và họ có nhìn nhận văn hóa là vấn đề chung của toàn xã hội, vấn đề phản ánh tấm gương của đô thị mới không? Hay là họ nhìn văn hóa là một vấn đề của riêng mình? Thứ hai là thái độ của người dân về văn hóa, nghệ thuật. Cách thức người dân liên hệ, kết nối với nhau như thế nào (người dân kết nối trực tiếp hay dùng các công nghệ hiện đại?). Thứ ba là lối sống - trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Cuối cùng là xem xét yếu tố phi vật thể, hay nói cách khác là yếu tố tâm linh mới, thí dụ thiên nhiên hiện cũng được coi là yếu tố có tâm hồn để được con người ưu ái.
Ông Nghiêm cho hay: “Thay đổi thói quen ứng xử của người dân là một cuộc hành trình dài lâu, bền bỉ của các nhà quản lý, lãnh đạo. Người quản lý không thể vội vàng “đánh trống bỏ dùi”, chạy theo thành tích, phong trào hoặc chỉ tập trung vào giải quyết các việc vụn vặt như hô hào dọn rác, căng áp phích, panô tuyên truyền hoặc báo cáo đã xây dựng được bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng, lắp đặt được bao nhiêu thùng rác. Thực tế là còn cần nhiều hơn nữa những bộ nguyên tắc và đưa ra các mức phạt thích đáng”.