Aa

"Xẻ thịt" đất công: "Miếng mồi" vỗ béo cho lợi ích nhóm phát triển

Thứ Tư, 24/10/2018 - 21:00

Trước tình trạng "xẻ thịt" đất công để cho thuê, sử dụng sai mục đích nhằm thu những nguồn lợi khủng từ chênh lệch giá trị đất đai đang diễn ra tràn lan, nhất là ở những thành phố lớn, các chuyên gia nhận định tất yếu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy và đến nay vẫn là "căn bệnh" chưa tìm ra "thuốc chữa".

Miếng mồi béo bở

Có thể hiểu đất công là đất được quy hoạch cho những mục tiêu chung của toàn xã hội, sử dụng cho những mục đích công cộng, thường được giao cho một đơn vị thống nhất quản lý, vận hành nhằm đảm bảo đất được sử dụng đúng mục đích như quy hoạch ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng đất công được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án công cộng nhưng lại bị biến tướng; dự án không triển khai mà lại mổ xẻ cho thuê, sử dụng sai mục đích nhằm thu những nguồn lợi khủng từ chênh lệch giá trị đất đai đang diễn ra tràn lan, nhất là ở những thành phố lớn.

Tại TP.HCM, trong giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 6/2014 có tới 993 hồ sơ thuê đất chưa ký hợp đồng; 807 hồ sơ thuê đất chưa xác định đơn giá theo quy định và tập trung xử lý tiền thuê đất chưa nộp là 1.838 tỷ đồng, tiền sử dụng đất chưa nộp là 1.552 tỷ đồng bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu làm rõ. Trong số đó, có thể kể đến câu chuyện tại công viên Phú Lâm (quận 6). Một công trình nhà hàng, tiệc cưới đồ sộ mang tên Sun Palace rộng gần 1900m2 xây dựng ngay trên đất công viên. Ngay cạnh đó là Trung tâm văn hóa Quận 6 cũng xây dựng sai phép.

Tương tự, trường hợp sử dụng đất công tại Công viên Gia Định (diện tích 37ha, tại quận Tân Bình) cũng cho thuê một phần để xây dựng ki ốt buôn bán, được sang nhượng cho thuê nhiều lần qua hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa được tháo dỡ, xử lý vi phạm…

Nhà hàng, quán xá bao vây công viên Gia Định (Nguồn: Sài Gòn đầu tư)

Nhà hàng, quán xá bao vây công viên Gia Định (Nguồn: Sài Gòn đầu tư)

Trong 2 năm 2016 - 2017, Thanh tra TP.HCM có 10 kết luận nêu tên 103 cơ sở nhà đất công sản có sai phạm. Trong đó, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist) có đến 14 khu đất bị bỏ hoang, lãng phí hoặc “xẻ thịt” và sử dụng sai mục đích.

Còn tại Hà Nội, trong những năm trở lại đây cũng đếm không xuể những vụ “xẻ thịt” đất công gây xôn xao dư luận. Sai phạm nghiêm trọng phải kể đến đầu tiên là hơn 20.000m2 đất tại hai dự án hai dự án cống hóa Phan Kế Bính và Nghĩa Đô bị các doanh nghiệp mổ xẻ xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng, quán karaoke,… Điều đáng nói là những sai phạm “rõ như ban ngày” này phải mất đến 10 năm mới được xử lý.

Tại Hà Đông, hàng chục héc ta đất "vàng" nằm trong quy hoạch dự án Công viên thể thao cây xanh đã và đang bị Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông xẻ nhỏ cho thuê một cách thiếu kiểm soát. Một loạt kho bãi, ki ốt, nhà hàng kiên cố, thậm chí cả sân golf hiện đại vô tư mọc lên trên đất công viên, đi ngược với chỉ đạo của UBND TP. Việc xây dựng các công trình phục vụ mục đích kinh doanh một cách thiếu kiểm soát đã khiến cho khu đất vốn được quy hoạch xây dựng công viên này đang dần trở thành một tụ điểm ăn uống, giao thương bát nháo. Mặt khác, khu đất dù chỉ được phép khai thác tạm bằng việc sử dụng vật liệu khấu hao nhưng hiện tại hầu hết các công trình đã mọc lên tại đây đều rất kiên cố, chỉn chu và được đầu tư kỹ càng.

Biển quảng cáo sân golf, nhà Hàng ngay tại lối vào công viên Hà Đông

Biển quảng cáo sân golf, nhà Hàng ngay tại lối vào công viên Hà Đông

Dự án khu liên hợp thể thao Ninh Hiệp tại Gia Lâm, Hà Nội cũng đang bị biến tướng thành một “trung tâm thương mại” với hàng chục ki ốt cho thuê cùng với bãi trông giữ xe ô tô thu tiền tỷ mỗi tháng. Việc chây ì thực hiện dự án và sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch đã mang về khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho chủ đầu tư Tân Hùng Minh. Đặc biệt, dù khu đất thực hiện dự án này nằm đối diện với UBND xã Ninh Hiệp nhưng mọi sai phạm vẫn vô tư được diễn ra mà không bị xử lý. Và càng kéo dài thời gian xử lý, doanh nghiệp lại càng có cơ hội “đút túi” số tiền khủng. Đó là chưa kể đến khả năng, doanh nghiệp đang manh nha hợp thức hóa các ki ốt cho thuê bằng việc đề xuất bổ sung các ngành nghề kinh doanh so với đăng ký ban đầu.

Khu liên hợp thể thao Ninh Hiệp bị biến tướng nhằm mục đích kinh doanh trục lợi

Khu liên hợp thể thao Ninh Hiệp bị biến tướng nhằm mục đích kinh doanh trục lợi

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, để tránh lãng phí đất ở những dự án chậm triển khai, lẽ ra chỉ được xây dựng những công trình bằng vật liệu nhẹ để khai thác tạm nhưng các doanh nghiệp lại xây dựng công trình kiên cố, khiến cho việc xử lý trở nên khó khăn.  Bởi vì xử lý thì phải bồi thường dẫn đến sự chậm trễ, chây ì xử lý như hiện nay.

Thực tế cho thấy, quỹ đất công vốn là tài sản của toàn dân lại đang trở thành miếng mồi béo bở, "vỗ béo" cho một vài cá nhân, doanh nghiệp tư nhân, còn lợi ích chung của cộng đồng dường như đang bị bỏ ngỏ. Những sai phạm liên tục nối tiếp sai phạm đang ngang nhiên diễn ra một cách công khai trước mắt nhân dân và cả chính quyền.

Hệ lụy khôn lường

Trong khi các đô thị của nước ta rất thiếu những không gian công cộng thì quỹ đất công lại đang bị "xẻ thịt" một cách nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là trong hàng loạt những sai phạm đã được cơ quan chức năng điểm mặt chỉ tên, đã có trường hợp nào bị xử lý một cách triệt để? Vì đâu mà những sai phạm vẫn tiếp diễn và chưa thể xử lý dứt điểm?

Phần đất tại công viên Hà Đông lẽ ra thuộc về người dân nhưng giờ đây bị biến thành một nhà hàng kiên cố

Phần đất tại công viên Hà Đông lẽ ra thuộc về người dân nhưng giờ đây bị biến thành một nhà hàng kiên cố

Theo đánh giá của các chuyên gia, hàng triệu mét vuông đất công đang rơi vào tình trạng hoang hóa, hàng nghìn tỷ đồng giá trị tài sản công đang bị chuyển nhượng, cho thuê sai mục đích trong suốt một thời gian dài tất yếu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trước hết là thất thoát nguồn ngân sách của Nhà nước, tiếp đó là nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không được khai thác, phát huy hiệu quả...

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, hệ lụy đầu tiên là tiền của nhà nước bị thất thoát, giá trị của đất đai không được đảm bảo. Đồng thời, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, xuất hiện lợi ích nhóm, làm mất trật tự trong quy hoạch sử dụng đất, không tạo ra được những giá trị phát triển.

Cùng quan điểm, luật sư Lê Văn Hồi khẳng định, việc để xảy ra tình trạng đất công bị "xẻ thịt" gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thất thoát tài sản, công trình xây dựng trên đất đã đầu tư nhưng không được khai thác phù hợp, ảnh hưởng đến việc đáp ứng những nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân như giải trí, thể dục, thể thao… tại khu đất, đặc biệt nó còn tạo dư luận rất xấu trong xã hội về việc yếu kém trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công của nhà nước.

“Hệ lụy nguy hiểm nhất là làm tha hóa bộ máy chính quyền. Người dân tuy không nói nhưng họ nhìn thấy và biết hết mọi thứ nhưng họ không nói. Điều đó dẫn đến việc niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền bị suy giảm”, TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.

Trước những tồn tại đó, có thể nhận định, “chảy máu” đất công không còn là câu chuyện mới mà đã trở thành vấn đề đầy nhức nhối, nan giải khi “căn bệnh” này chưa có dấu hiệu thuyên giảm và tìm ra phương thuốc xử lý. Vấn đề cốt lõi có lẽ nằm ở “bài toán trách nhiệm” vẫn chưa được “làm tròn”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top