Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho biết, phí bôi trơn của ngành này còn rất cao và diễn ra ở hầu hết các khâu, đẩy giá dịch vụ tăng và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành Logistics.
Điển hình, chi phí không chính thức chiếm gần 5-10% chi phí vận tải. “Khi nộp hồ sơ qua cơ chế "một cửa", nếu hồ sơ không đủ thì cơ quan quản lý nhà nước trả lời “thiếu hồ sơ”, mà không biết là hồ sơ nào” - bà Thảo cho biết.
Chưa kể, còn không ít các rào cản khác như chuyện một doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký phù hiệu cho 200 xe tải, nhưng gần 3 tháng từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ vẫn chưa được cấp. Trong khi đó, cơ quan quản lý đưa ra nhiều lý do khiến doanh nghiệp không đủ điều kiện được cấp phù hiệu, như bản sao công chứng của một bộ hồ sơ bị mờ (mặc dù doanh nghiệp đem theo bản gốc để đối chiếu), nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ trả lại toàn bộ mấy trăm bộ hồ sơ. Hoặc, mỗi lần đến, cán bộ tiếp nhận lại yêu cầu sửa một nội dung…
Có thể thấy, việc để cho vận tải đường bộ chiếm thị phần quá lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam tăng cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, không khai thác hết tiềm năng sẵn có của các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa để chia sẻ áp lực với vận tải đường bộ, góp phần giảm đầu tư công và hạ chi phí logistics.
Để giải quyết thực trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần phải được sử dụng một hệ thống hạ tầng logistics được đầu tư hoàn chỉnh để có thể hoạt động có hiệu quả, giảm chi phí. Mặt khác, để cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics, các cấp có thẩm quyền cần tạo ra một môi trường số để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động hằng ngày; đồng thời, phát triển sàn giao dịch vận tải của Việt Nam. Đây là phương thức đầu tư thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.