Xóm chạy thận những ngày hè đổ lửa
Thứ Năm, 18/06/2020 - 10:00
Cuộc sống của những bệnh nhân chạy thận ở ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) vốn đã khó khăn, vất vả nay lại càng thêm cực nhọc hơn khi phải trải qua những ngày nắng nóng như thiêu đốt.
Khu trọ tập thể của những bệnh nhân chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng - TP. Hà Nội). Khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp cùng với mùi thuốc sát trùng càng làm không khí trở nên ngột ngạt.
Những tấm nhựa trắng được sử dụng để lấy ánh sáng mặt trời vô tình đã khiến cho nhiệt độ của khu trọ nhỏ tăng lên. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nhiệt độ trong những ngày này tại TP. Hà Nội vào khoảng từ 36 - 38 độ, có nơi trên 38 độ.
"Quanh đây có 130 - 140 bệnh nhân. Cả dãy ở với nhau, mỗi người một nơi nhưng sống với nhau chân tình lắm, ai ốm đau bệnh tật cũng giúp nhau, đùm bọc lẫn nhau. Thỉnh thoảng nấu bát cháo, bát cơm cho nhau, “bán anh em xa mua láng giềng gần” vì con cái ở xa", bà Dương Thị Hoài tâm sự.
Bà Dương Thị Hoài (66 tuổi, quê ở Nam Định) chạy thận từ năm 2009, cho biết, vào những ngày nắng nóng bà chỉ dùng quạt tay chứ không dám bật điều hòa: "Tiền phòng đã 1,2 triệu đồng rồi. Đợt ông bị bệnh, anh em họ hàng lên thăm thấy điều kiện hoàn cảnh của tôi sống khổ quá, nên mọi người gom góp mua cho cái điều hòa. Chỉ có khi nắng gay gắt lắm thì mới cố bật lên tí cho nó mát phòng, chứ tiền điện đắt quá, ở đây nhiều người muốn lắp nhưng sử dụng thì điện 5 nghìn đồng/số, không ai dám bật nhiều".
Vào thời điểm Hà Nội đang trải qua những ngày thời tiết nóng bức nhất, người bệnh ở đây không những phải chiến đấu với bệnh tật mà còn phải chống chọi lại với cái oi nóng. Bác Hoài đang xem lại hình ảnh của chồng mình lúc còn sống, đây là lúc ông lai bà đi chạy thận.
Bà Phan Thị Tảo (62 tuổi, quê ở Hưng Yên, chạy thận đã 13 năm). Việc rửa chân tay với nước cho mát là việc làm quen thuộc của những người bệnh nơi đây. Trời nóng nên mọi người không dám ngồi trong nhà nhiều vì không khí quá ngột ngạt. Bà Tảo còn được mọi người phong làm cây văn nghệ của "xóm chạy thận".
Chiếc quạt hơi nước tự chế của anh Sơn để giúp giảm bớt cái nóng. Anh Sơn chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai đến nay được 9 năm, từng là một thanh niên cường tráng cho đến khi vào viện khám, anh mới biết mình bị suy thận. "Nắng nóng muốn ra ngoài hành lang ngồi thì mùi thuốc bốc lên xộc vào mũi làm tôi choáng váng, chẳng biết làm cách nào tôi đã tự chế tạo cho mình một chiếc "quạt hơi nước" để chống nóng". Anh Sơn cười tự hào và chuẩn bị cho đến giờ đi chạy thận.
Những mái lợp tấm Fibro xi măng càng khiến cho căn phòng trọ nhỏ nóng rực như cái lò.
Phần trần nhựa chống nón gần như không có tác dụng dưới cái nắng gay gắt.
Những chiếc quạt hơi nước là thứ quý giá trong những ngày này dù không mang lại được nhiều tác dụng.
Bà Nguyễn Thị Thêm (67 tuổi ở Bắc Giang) và bà Nguyễn Thị Hòa (54 tuổi ở Bắc Giang) chạy thận đến nay đã 11 năm. "Ngày trước có sức khỏe thì tôi còn đi bán nước, nhưng giờ sức khỏe yếu lắm không làm được gì. Chi phí chữa bệnh hàng tháng thì con cái cho, mình có ít thì mình tiêu ít. Nóng như thế này chỉ có quạt thôi. Ánh nắng chiếu thẳng vào nên nóng bức lắm, ở đây sợ nhất là mùa nắng. Mọi năm nắng chỉ mấy ngày nhưng năm nay mùa nắng kéo dài quá", Bác Thêm chia sẻ.
"Quạt điện mình dùng lâu rồi, cho nước vào dùng thôi, có tiền thì mình cho đá vào để mát hơn nhưng không có tiền thì cho nước. Bây giờ sức khỏe yếu, ăn xong cứ bị tụt huyết áp, ra ngoài không cẩn thận là ngã nên cũng không làm gì được. Các cô đây người có lương, người thì có gia đình hỗ trợ, có ít thì tiêu ít. Gia đình ở quê cũng làm ăn khó khăn lắm", Bà Trần Thị Kim Oanh (58 tuổi quê ở Nam Định) tâm sự.