Theo đánh giá của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, hiện trên toàn quốc có hơn 5.500 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt.
Trong đó, có 1.516 điểm đường ngang hợp pháp và trên 4.000 điểm đường ngang dân sinh. Tại các điểm đường ngang dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông đường sắt.
Thậm chí, nhiều dãy nhà nằm sát cạnh đường tàu, người dân sinh hoạt, kinh doanh một cách thoải mái, lấn chiếm hành lang đường sắt.
Trẻ em vui đùa ngay trên đường ray xe lửa. Nét sinh hoạt này trở thành những điểm thú vị với người nước ngoài, nhưng cũng khiến không ít người phải rùng mình vì sự hiểm nguy, và bởi những "xóm đường tàu" giường như vẫn là những "nét mực buồn" trên bức tranh đô thị hiện đại.
"Xóm đường tàu" rất đông du khách và người dân đến vui chơi thường xuyên, vi phạm hành lang an toàn đường sắt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, đe dọa tính mạng. Thực hiện: Đỗ Linh.
Ga Hà Nội tồn tại bao nhiêu năm, thì cũng bấy nhiêu năm những tuyến đường ray chạy quanh co khắp thành phố cùng khu dân cư vây kín 2 bên đường ray tồn tại.
Những căn nhà ở đây đa số đều lụp xụp, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đỗ Linh.
Dân cư ở đây có đủ các thế hệ người Hà Nội lẫn những người lao động từ khắp mọi nơi đổ về thuê trọ.
Bà Lan, người dân sống ở đây đã lâu cho biết: "Sống ở đây khá nguy hiểm vì gần tàu. Hơn nữa cái xóm đường tàu này nhà cửa lụp xụp, cũ kĩ nhiều quá rồi. Nhưng sống mãi rồi cũng quen thôi".
Khác với một phần khác của Hà Nội hiện đại, bên những đường ray, khu nhà của nhiều người vẫn còn lụp xụp, ẩm thấp.
Những ray đường sắt cũng chính là sân chơi của lũ trẻ lớn lên bên đường tàu. Nhưng với nhiều chuyến tàu qua lại, tai nạn luôn rình rập.