Aa

Xu hướng đầu tư năm 2021: Ngân hàng phân hóa, bán lẻ lên ngôi?

Thứ Ba, 19/01/2021 - 08:00

Chia sẻ góc nhìn về kinh tế vĩ mô năm 2021, TS. Võ Trí Thành lưu ý ngành ngân hàng vẫn tiềm ẩn rủi ro khi nợ xấu có thể sẽ tăng cao.

Trong bối cảnh đó, ngành này được dự báo sẽ phân hóa đáng kể với triển vọng tích cực hơn dành cho các ngân hàng kiểm soát được chất lượng nợ cũng như có bề dày về vốn.

TS. Võ Trí Thành: Năm 2021, rủi ro vẫn tiềm ẩn ở ngành ngân hàng

Chia sẻ trong báo cáo vĩ mô công bố mới đây của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), TS. Võ Trí Thành cho hay điểm nhấn đối với kinh tế vĩ mô năm 2020 là đại dịch Covid-19 đã tàn phá kinh tế thế giới, đồng thời cũng định hình lại xu hướng chung của thế giới.

"Cụ thể là những va đập địa chính trị, khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại lên ngôi, xu hướng hội nhập kinh tế thế giới suy giảm. Bên cạnh đó là những phong trào về phát triển tiêu dùng xanh, tăng kết nối thông qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc đua phát triển mạng 5G và chuyển đổi số", TS. Võ Trí Thành cho biết.

Theo vị chuyên gia, triển vọng kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2021 sẽ tươi sáng hơn. Điều này đạt được khi các quốc gia đã bớt bi quan về dịch bệnh, tín hiệu tích cực liên quan đến tiến trình phổ biến vắc xin và các chính sách được áp dụng khéo léo, nhằm hài hòa giữa mục tiêu khống chế dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng nửa đầu năm tới, nền kinh tế sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn do còn nhiều rủi ro bất định. Thứ nhất là gánh nặng nợ công hậu dịch. Cùng với đó, các biện pháp nới lỏng nhằm kích thích nền kinh tế sau đại dịch cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TS. Võ Trí Thành nhận định động lực chính cho nền kinh tế năm 2021 đến từ cả hai phía cung và cầu. Từ phía tổng cầu, hoạt động tiêu dùng bán lẻ đang khởi sắc trở lại và tăng trưởng ổn định, phản ánh lượng tiền tiết kiệm của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam là tương đối lớn, đồng thời cũng phản ánh kỳ vọng lạc quan của người tiêu dùng vào năm tới.

Ảnh minh họa.

Hoạt động đầu tư cũng khởi sắc, khi số doanh nghiệp tư nhân thành lập với tổng số vốn mới tăng trưởng tốt. Tốc độ giải ngân FDI năm vừa qua chậm lại nhưng kỳ vọng sẽ tốt hơn trong năm 2021 khi nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng vẫn còn rất lớn.

Giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng trong bức tranh vĩ mô chung năm qua, khi chính phủ quyết liệt triển khai tháo gỡ vướng mắc các dự án lớn, dù thâm hụt ngân sách tăng cao nhưng dư địa vẫn còn nhiều. Theo chuyên gia, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ quay trở lại dẫn dắt trong câu chuyện đầu tư.

Ông Thành dự đoán dòng thương mại xuất siêu kỷ lục trong năm 2020 sẽ khó lặp lại trong năm 2021, tuy nhiên cần lưu ý rằng cán cân dịch vụ chịu thâm hụt lớn do những khó khăn về hoạt động du lịch, được kỳ vọng sẽ đảo chiều trong năm 2021.

Về phía tổng cung, lĩnh vực Nông nghiệp vẫn phát triển tốt với vai trò là mặt hàng thiết yếu, tạo trụ đỡ cho nền kinh tế, cán cân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản dự báo vẫn khả quan. Ngành Khai khoáng tuy còn suy giảm, nhưng ở mức độ nhẹ hơn, dự báo giá dầu sẽ tăng nhẹ. Ngành Sản xuất công nghiệp tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất và đem lại doanh thu từ hoạt động xuất khẩu.

Ông Thành cho rằng lĩnh vực Tiện ích sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư đáng kể. Bên cạnh đó là lĩnh vực Dịch vụ, với các ngành có giá trị gia tăng cao như Viễn thông sẽ phát triển.

"Một số ngành có bước tiến chuyển đổi số mạnh mẽ như Bất động sản, Xây dựng, Giáo dục, Y tế kỳ vọng vẫn tiếp tục xu hướng. Ngoài ra, rủi ro vẫn còn tiềm ẩn với ngành Tài chính - Ngân hàng khi dự báo nợ xấu tăng cao. Ngành Hàng không, Du lịch còn để ngỏ khả năng phục hồi", TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Xu hướng đầu tư năm 2021: Ngành ngân hàng sẽ phân hóa đáng kể, ngành bán lẻ cải thiện tăng trưởng

Trong năm 2021, PSI cho rằng sẽ có sự phân hóa tốc độ hồi phục giữa các nhóm ngành. Cùng với sự phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động thương mại tăng trở lại, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất có thể tiếp tục được cải thiện. Tiêu biểu là các ngành tập trung nhu cầu nội địa như “Bán lẻ” với đại diện MWG, trong khi các ngành liên quan đến hoạt động xuất khẩu như thủy sản bao gồm VHC, CMX sẽ phục hồi trong 2021 nhờ nhu cầu từ các nước cải thiện và hiệp định thương mại EVFTA, UKVFTA có hiệu lực.

Đối với lĩnh vực hàng không PSI cho rằng các doanh nghiệp hàng không sẽ tiếp tục khó khăn, trong khi đó nhóm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không như ACV, NCS liên quan đến khai thác dịch vụ hàng hóa nhờ dịch chuyển sản xuất FDI liên quan đến công nghệ như Foxconn, Apple. Ngoài ra, dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng những ưu đãi thương mại sẽ là động lực tăng trưởng cho nhóm bất động sản khu công nghiệp (SZL, KBC,..) trong năm 2021 và cả trong trung hạn.

Đối với ngành Ngân hàng, chuyên gia của PSI cho hay Thông tư 01/2020/TT-NHNN là liều thuốc hỗ trợ nhưng lo ngại về vấn đề nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến triển vọng toàn ngành.

"Chúng tôi cho rằng trong năm 2021, ngành ngân hàng sẽ có sự phân hóa đáng kể khi các ngân hàng kiểm soát được chất lượng nợ cũng như bề dày vốn sẽ có triển vọng tích cực hơn như VCB, TCB…", phía PSI khuyến nghị.

Theo PSI, đầu tư công cũng sẽ là động lực quan trọng trong năm 2021 và là nền tảng tăng trưởng của nhóm ngành Vật liệu xây dựng (HPG, HT1, PLC). Đầu tư công sẽ vẫn là động lực quan trọng vào năm 2021 vì giúp tạo việc làm và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Trong đó các dự án hạ tầng sẽ là các dự án được ưu tiên nhất.

Trong năm 2021, Bộ Giao thông vận tải đã đặt mục tiêu giải ngân 42.996 tỷ đồng, cao hơn 21,8% so với kế hoạch 2020. Một số dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách Trung ương bao gồm cụm phía đông của đường cao tốc Bắc Nam (15.038 tỷ đồng), quốc lộ ven biển (2.800 tỷ đồng) và đền bù, tái định cư cho sân bay quốc tế Long Thành (4.660 tỷ).

Nhóm doanh nghiệp Dầu khí được dự báo sẽ hưởng lợi từ giá dầu thế giới hồi phục trong năm 2021 khi nhu cầu sản xuất, giao thương dần vận hành ổn định trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngoài ra giá dầu còn đươc sự hỗ trợ từ nhóm OPEC+ giúp kiềm chế dư thừa nguồn cung cho đến tháng 6/2021. Với việc giá dầu có xu hướng hồi phục như trên cũng như nguồn khí trong nước được bổ sung thêm nhờ mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt bắt đầu vận hành, kết quả kinh doanh nhóm doanh nghiệp dầu khí (GAS, PVS, PVT, POW, DCM, DPM) nhiều khả năng sẽ tăng trưởng trong năm 2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top