Nhìn lại “năm của Scandinavian”
Theo ThS. KTS Vũ Thế Cao, Giám đốc Công ty Nội thất Xanh, nhìn lại xu hướng nội thất những tháng cuối năm 2017, xu hướng màu sắc được yêu thích là màu xanh denim vá màu xám khói bởi đây là hai màu sắc rất nhẹ nhàng, tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn. Bên cạnh đó, đồ nội thất màu denim mang màu sắc sang trọng, tinh tế nhưng vẫn có sự lãng mạn, dễ dàng tạo điểm nhấn gần gũi với thiên nhiên.
Về kiểu dáng, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến những đồ nội thất hiện đại, trang nhã kết hợp với những món đồ có đường nét Bắc Âu hiện đại. Đặc biệt là những đồ có chất liệu bóng mờ, trong đó đồ kim loại và đá cẩm thạch là bộ đôi rất được ưa chuộng mà cụ thể là những đồ kim loại mạ màu vàng hoặc màu đồng.
Sở dĩ người tiêu dùng ưa thích những đường nét Bắc Âu là bởi “dư âm” từ giai đoạn 2016 – 2017, phong cách Bắc Âu (Scandinavian) và phong cách tối giản (Minimalism) đã rất được ưa chuộng bởi chúng đem lại cảm giác sáng, thoáng, đưa cho con người cảm giác tối giản và dễ chịu.
Theo Giám đốc Công ty Nội thất thông minh X’Home Nguyễn Tuấn Dũng, bản chất phong cách Bắc Âu là phong cách tương đối dễ chấp nhận bởi vì nó thuộc về sự trung tính, sử dụng nhiều gam màu lạnh, tông màu nhẹ nhàng, đơn giản, sản phẩm theo phong cách này làm từ gỗ kết hợp với sắt. Do đó, nó thường đánh vào cái “nguyên thủy” của phần lớn con người. Còn những thứ gì liên quan đến các màu rực, chẳng hạn như vậy, thì thường chỉ có nhóm người ưa thích. Vì vậy, phong cách thiết kế của Scandinavian là thị hiếu của phần lớn khách hàng trong năm 2016 - 2017.
Tuy nhiên, phong cách Bắc Âu lại bắt đầu xuất hiện những hạn chế nhất định, chưa phù hợp với điều kiện của người tiêu dùng ở Việt Nam. Cụ thể, phong cách này chỉ “đánh” trực tiếp vào nhu cầu của nhóm khách hàng trẻ, nhóm khách hàng tương đối có gu. Còn đối với những khách hàng ở tầm trung, cao tuổi trở lên không nhìn ra cái đẹp của phong cách Bắc Âu mà họ vẫn muốn đi theo định hướng truyền thống, có một tông màu chủ đạo trong mỗi không gian.
Mặt khác, Scandinavian mang lại công năng sử dụng không nhiều, mọi thứ đều rất vừa đủ. Chính vì Scandinavian đến từ Bắc Âu, nơi các căn hộ có không gian tương đối rộng, nó đặt từng đồ rời rạc để nhấn từng đồ lên, công năng tập trung ở những chỗ khác.
Nhưng ở Việt Nam, căn hộ lại nhỏ, nếu sử dụng phong cách Bắc Âu vào thì công năng lại không đủ, cho nên Bắc Âu chỉ dùng được ở một số sản phẩm. Sau đó, khách hàng vẫn phải “mix” (pha trộn) các đồ nội thất khác vào để Bắc Âu pha thêm “chất địa phương” giúp kết hợp chặt chẽ với nhu cầu sử dụng thực sự của chủ nhà.
Chẳng hạn như khách hàng sống trong một căn chung cư nhỏ, họ muốn sofa phải có các ngăn kéo, giường phải có thêm các hộc tủ để chứa đồ… thì cách thiết kế của Scandinavian không đáp ứng được nhu cầu đó. Tương tự như vậy, các phong cách Tropical, Minimalism, Zen… cũng gặp phải vấn đề tương tự.
Trên góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ThS. Nguyễn Việt Khoa, Viện trưởng Viện Kiến trúc và Nội thất, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam đang bị “lẫn lộn” trong việc hội nhập phong cách nội thất. “Phần lớn nội thất nước ta đi theo hướng “copy” (sao chép) là chính và thiếu đi sự nhào nặn để tạo thành một phong cách riêng của Việt Nam. Scandinavian là một ví dụ, nó bắt nguồn phần lớn là từ xứ lạnh, trong khi đó ở Việt Nam khí hậu nhiệt đới, nóng ấm nên việc sử dụng nguyên văn vào các không gian nhà ở tại nước ta là chưa phù hợp”.
Phong cách “nối ngôi” Scandinavian?
Năm 2017 có thể được coi là giai đoạn hình thành và chuyển tiếp để đến 2018 là thời điểm bùng nổ của việc thiết kế chi tiết cộng với những màu sắc nhẹ nhàng, sang trọng, tinh tế, không còn bị lai tạp nhiều màu sắc và kiểu dáng sẽ có sự phá cách độc lạ, ThS. KTS Vũ Thế Cao, Giám đốc Công ty Nội thất Xanh nhận định.
“Những đồ nội thất có các đặc điểm trên được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm trong thời điểm cuối năm 2017 và sẽ tiếp tục “hot” trong khoảng thời gian đầu năm 2018. Tuy nhiên, theo tôi, khoảng giữa năm sẽ có sự thay đổi”.
Bao quát hơn, năm nay, một nhóm khách hàng vẫn ưa thích phong cách Bắc Âu nhưng sẽ có sự dung hòa với “chất địa phương”, đặc điểm vùng miền, ví dụ như Tropical, Minimalism, Zen… đẩy mạnh lên thêm một chút nữa về màu sắc. Màu tím nhạt (ultraviolet) có thể là một trong số những màu sắc thu hút, tuy nhiên nó sẽ khá “kén” người sử dụng.
Nhìn nhận một cách tổng thể, ThS. Nguyễn Việt Khoa, Viện trưởng Viện Kiến trúc và Nội thất, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Phong cách nội thất chủ đạo năm 2018 của Việt Nam tất nhiên vẫn cần thu nạp những tinh hoa trong các phong cách thiết kế nội thất của thế giới nhưng phải áp dụng làm sao để đáp ứng được những tiêu chí về công năng, thẩm mỹ và chất lượng chất liệu bền vững… của thị trường trong nước. “Viện Kiến trúc và Nội thất, Đại học Xây dựng Hà Nội mong muốn sẽ trở thành đầu tàu về trang thiết bị nội thất, cập nhật những xu hướng mới của thế giới và từ đó sẽ phải triển thành bản sắc riêng của Việt Nam bằng phương thức giao thoa tiếp biến”.
Thực tế, nước ta sở hữu nhiều chất liệu “vô cùng quý giá” cho việc trang trí không gian nội thất mà ngay cả các sinh viên, giảng viên của nhiều trường thiết kế nội thất đến từ Đức, Đan Mạch… rất ưa thích. Có thể kể đến như mây, tre, nứa, sơn mài không những dùng làm đồ nội thất mà còn dùng để ngăn chia không gian… Bên cạnh đó, trong thời gian tới, phong cách nội thất gần gũi hơn với thiên nhiên cũng sẽ phát triển mạnh.