Căn nhà phố một trệt 3 lầu ông Trung mua từ đầu năm 2018 để làm văn phòng công ty xây dựng, với giá 15 tỷ đồng tọa lạc tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Hơn 2 năm qua, giá thị trường của căn nhà đã vọt lên 20 tỷ đồng.
Ông Trung nhẩm tính, nếu thuê văn phòng ở trung tâm quận 1, TP.HCM, các tòa nhà trung cấp đến cao cấp có giá thuê 25 - 60 USD mỗi m2. Tiết kiệm hơn, nếu thuê văn phòng hạng C (bình dân) ở quận 1, 3 cũng chạm ngưỡng 12 - 15 USD mỗi m2, vị chi giá thuê 100m2 văn phòng hạng phổ thông cũng lên đến 18.000 USD mỗi năm, tương đương hơn 420 triệu đồng. Nếu thuê văn phòng ở trung tâm thành phố từ năm thứ hai trở lên, tính cả việc các chủ tòa nhà tăng giá, công ty phải tiêu tốn tiền tỷ và đây là khoản tiền mất đi không tích lũy được gì.
Trong khi đó mua nhà phố chỉ có một khuyết điểm duy nhất là giá trị đầu tư hơi cao, chi phí ban đầu lên đến 15 tỷ đồng, bù lại công ty có thể xoay sở vay thêm vốn từ ngân hàng và xem đây là tài sản của doanh nghiệp.
"Tiền thuê được khấu hao vào tài sản tích lũy và giá nhà vẫn tăng theo thời gian", ông Trung cho hay.
Xu hướng lùng mua nhà phố ở các quận vùng ven hoặc cửa ngõ Sài Gòn làm văn phòng, trụ sở công ty khá phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp quy mô vừa phải, đang trong giai đoạn phát triển. Ông Nam, giám đốc một công ty tư vấn thiết kế nội thất ở quận Tân Phú chọn giải pháp mua nhà phố có diện tích đất 86m2 một trệt 2 lầu để kết hợp văn phòng làm việc và nơi ở thay thế cho giải pháp đi thuê mặt bằng ở trung tâm. Căn nhà phố được mua vào cuối năm 2017 với giá 11 tỷ đồng hiện có giá thị trường 17 tỷ đồng, được bố trí tầng trệt và tầng 1 làm văn phòng công ty. Tầng 2 là nơi sinh hoạt của gia đình.
Ông Nam phân tích, với giá cho thuê văn phòng tại khu vực trung tâm ngày càng leo thang cộng với hạ tầng giao thông quá tải, đi lại khó khăn, ngay cả những tòa nhà lớn cũng khó tìm được chỗ đậu xe cho nhân viên và khách đến giao dịch phải tràn ra cả vỉa hè. Từ lúc công ty chuyển văn phòng ra vùng ven tuy xa trung tâm một chút nhưng đã tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, giảm áp lực về giao thông cho khách đến làm việc, giao dịch.
"Điều đáng mừng là công ty còn có lãi 6 tỷ đồng nhờ căn nhà phố tăng giá", ông Nam chia sẻ.
Tại các dự án quy mô khu đô thị nằm ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM và phía Nam Sài Gòn cũng đang hình thành cộng đồng doanh nghiệp mở văn phòng tại các dãy nhà phố trên trục giao thông chính của dự án.
Đơn cử một khu đô thị nằm ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn cách trục đường Phạm Văn Đồng 2km chào bán nhà phố nội khu mặt tiền 6 - 9m đang được nhiều doanh nghiệp mua làm văn phòng công ty. Do nhà có diện tích sử dụng khá lớn 350 - 700m2 sàn nhiều khách hàng sử dụng tầng trệt hoặc tầng 1 - 2 làm văn phòng công ty, những tầng còn trống chào giá cho thuê khá mềm khoảng 5 - 10 USD mỗi m2.
Theo chủ đầu tư dự án khu đô thị này, giai đoạn nửa cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, có đến 50% các căn nhà phố mặt tiền rộng 7 - 9m, chiều dài khuôn viên đất 20 - 22m, cao 5 - 6 tầng được chủ doanh nghiệp tìm mua để đặt văn phòng đại diện, mở chi nhánh hoặc showroom. Trong khi trước đó, giai đoạn từ 2018 trở về trước, lượng doanh nghiệp mua nhà phố tại đây chỉ chiếm 30% trên tổng số khách hàng.
Ông Minh Trí, giám đốc một doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu gần sân bay Tân Sơn Nhất tiết lộ, sau gần một thập niên đi thuê mặt bằng làm văn phòng, ông thấm thía việc chi phí mặt bằng ăn mòn lợi nhuận. Chính vì thế, ông đã tích cóp, xoay sở mua nhà phố làm trụ sở công ty. Cách đây 3 năm ông tậu một căn nhà phố tại quận Tân Bình để giảm áp lực phải trả chi phí thuê mặt bằng hàng tháng.
Điều khiến ông hài lòng ở suất đầu tư này là vừa tiết kiệm được tiền thuê, không phải lo bị tăng giá thuê, không sợ bị chủ nhà lấy lại mặt bằng, tài sản còn được tăng giá theo thời gian. "Giá thuê nhà phố quận ven Sài Gòn thường rẻ hơn khoảng 50% trở lên so với thuê văn phòng ở khu trung tâm", ông Trí ước tính.
Bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land xác nhận, làn sóng mua nhà phố làm văn phòng công ty đang được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ưa chuộng. Chọn nhà phố đặt làm văn phòng công ty, văn phòng đại diện, showroom hàng hóa là một giải pháp phổ biến trong 1 - 2 năm gần đây vì chi phí hợp lý trong bối cảnh giá thuê văn phòng ở khu trung tâm TP.HCM ngày càng cao và không có nguồn cung mới.
Thay vì thuê mặt bằng, bài toán mua luôn nhà làm tài sản và đặt địa chỉ văn phòng cố định là lựa chọn an toàn. Với các công ty đã có mặt trên thị trường từ 5 - 7 năm, có sự tích lũy tài chính tốt, việc mua nhà phố làm văn phòng không thuần túy là ổn định nơi làm việc, kinh doanh mà còn là một suất đầu tư mang lại lợi nhuận kép. Đối với các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực tài chính nhưng kinh doanh hiệu quả, họ vẫn có thể tiếp cận vốn vay.
Tuy nhiên, bài toán mua nhà phố làm văn phòng công ty vẫn có một số mặt hạn chế nhất định. Chẳng hạn như suất đầu tư nhà phố hiện nay có giá trị khá lớn, lên đến 15 - 20 tỷ đồng sau khi thị trường trải qua những cơn sốt đất liên tục trong 3 - 4 năm gần đây. Do đó, bài toán này có thể không phù hợp với các doanh nghiệp quy mô quá nhỏ, tiềm lực tài chính còn yếu, khó tiếp cận vốn vay.
Ngoài ra, đặt văn phòng ở nhà phố thường có vị trí rìa trung tâm hoặc quận ven, không thể đạt được chuẩn quản lý, bảo vệ chuyên nghiệp như các tòa văn phòng được bố trí và đầu tư bài bản ở khu vực trung tâm thành phố. Khi đó, để nâng cấp hình ảnh và thương hiệu trở nên chuyên nghiệp hơn, doanh nghiệp cần đầu tư thêm chi phí cho các dịch vụ đi kèm như: lễ tân, bảo vệ, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy...