Mục tiêu “xanh hóa” môi trường đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong xã hội và kiến trúc bền vững hiện đi đầu trong cuộc cách mạng này. Trong bối cảnh rất nhiều nhà thiết kế tập trung nghiên cứu các hệ thống năng lượng động và thụ động, việc sử dụng vật liệu tái chế đang dần trở thành phương pháp thiết kế hiệu quả và mang tính thẩm mỹ riêng của kiến trúc.
Đặc biệt, trong các công trình, vật liệu là yếu tố chiếm khoảng 70% giá thành. Nếu sử dụng hợp lý vật liệu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, các nguồn vật liệu xây dựng tự nhiên, đang ngày càng cạn kiệt, việc khai thác quá mức phục vụ nhu cầu xây dựng của thị trường đã dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Do đó, xu hướng phát triển các loại vật liệu nhân tạo thay thế, ứng dụng công nghệ xanh, sạch và tái chế là một hướng đi đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh phát triển xanh hiện nay.
Hơn nữa, ứng dụng các công nghệ mới trước biến đổi khí hậu đang là vấn đề được các nước trên thế giới quan tâm, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do những hoạt động của con người gây ra từ khai phá đồi trọc, tệ nạn phá rừng và hiệu ứng nhà kính từ hoạt động xây dựng. Do đó việc sản xuất và đưa vào sử dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại xanh, sạch, thân thiện với môi trường vào lĩnh vực xây dựng đang trở nên hết sức cần thiết. Hiện nay, các vật liệu này đã dần trở thành thứ không thể thiếu, có thể kể đến như: Kính tiết kiệm năng lượng Low-E, các loại gạch ngói không nung, tôn lợp sinh thái từ sợi hữu cơ, các loại vật liệu xây dựng tái chế…
KTS. Lê Trương, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn kiến trúc xây dựng TT-As chia sẻ: “Xu hướng sử dụng vật liệu xây dựng trong các công trình kiến trúc tương lai, trong đó sử dụng vật liệu nhân tạo sẽ là xu hướng chủ đạo. Bởi vật liệu vật liệu xây dựng khai thác trực tiếp từ tự nhiên đã, đang và ngày càng khan hiếm, trong khi trình độ khoa học kỹ thuật không ngừng phát triển cùng với sự sáng tạo không ngừng của trí tuệ, con người sẽ sáng tạo nên những vật liệu (trên cơ sở tái sử dụng nguyên vật liệu từ các ngành công nghiệp sản xuất), thậm chí có nhiều đặc tính ưu việt hơn cả vật liệu xây dựng tự nhiên”.
Theo KTS Lê Trương, việc lấy cảm hứng từ thiên nhiên thổi hồn vào các công trình kiến trúc là điều rất quan trọng. Song song với đó, các KTS đặc biệt lưu ý, không thể bỏ qua cảnh quan và văn hóa xung quanh để công trình thực sự hài hòa với bản sắc địa phương. Thiên nhiên đúng là kì diệu nhưng nhiều khi cũng hung dữ, thiên nhiên với kiến trúc luôn có sự song hành nhưng cũng có sự đối lập. Căn nhà ở đã có một quá trình tiến hóa từ cổ xưa đến hiện đại, con người cũng đang sống xa dần cỏ cây, đó là quá trình phát triển tất yếu.
Khoa học phát triển, có những ngành công nghiệp xây dựng đi liền với sự khai phá cùng với tốc độ tăng dân số dự kiến trong 15 năm tới, có khoảng 60% tương đương với khoảng 5 tỷ người sẽ sống trong các tòa nhà trong thành phố và con người cũng vẫn sinh ra, nhưng tài nguyên hữu hạn và đang dần cạn kiệt. Do đó, hàng ngày các nhà kiến trúc, xây dựng vẫn âm thầm tìm kiếm những ý tưởng công trình để không phải xây dựng lên cỗ máy ở hiện đại và giống hệt nhau.
KTS. Lê Trương cho hay: “Thảm họa không còn là sự mơ hồ, nó diễn ra trên nhiều vùng đất và khắp thế giới. Con người đang dần muốn thoát khỏi những khối bê tông để trở về với thiên nhiên. Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn đến việc lạm dụng vật liệu tự nhiên. Thực ra ở các nước họ rất hạn chế sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá vì việc khai thác vật liệu này vô hình chung làm ảnh hưởng đến yếu tố thiên nhiên, yếu tố xanh.
Ở nước ta, rất nhiều công trình sử dụng những vật liệu thiên nhiên, thậm chí có những công trình có không gian bị lấp đầy bởi các vật liêu thiên nhiên. Tôi cho rằng thời gian tới chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa. Do đó, xu hướng sử dụng vật liệu nhân tạo thiên nhiên cần được khuyến khích. Các vật liệu nhân tạo đang được sản xuất rất nhiều và trong tương lai sẽ còn thêm nhiều ý tưởng sáng tạo để tạo thêm đa dạng các mặt hàng sản phẩm”.