Aa

Xu hướng thiết kế văn phòng xanh: Loại trừ hoàn toàn dấu vết của C02

Thứ Bảy, 07/04/2018 - 06:01

Không chỉ giảm thiếu tối đa việc tiêu hao năng lượng, nhiều công ty đang hướng đến việc xây dựng một văn phòng có khả năng sản xuất ra nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ.

Các công ty đang ngày càng có xu hướng bổ sung thêm nhiều không gian mở, thoáng đãng; đồng thời, không quên kết hợp thiên nhiên vào trang trí nội thất với những bức tường thực vật xanh mướt hay vườn thiền mang đặc trưng của phong cách Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thiết kế cũng xuất sắc tạo dựng được những tòa nhà có hiệu suất sử dụng năng lượng hiệu quả hoặc thậm chí có khả năng tái tạo được nhiều hơn số năng lượng mà nó tiêu thụ.

Một trong số đó là sản phẩm đến từ Công ty kiến trúc SOM, tòa nhà Trung tâm An toàn công cộng 911 tại New York (Mỹ) được làm bằng những vật liệu tái chế như nhôm và bên trong là một bức tường cây xanh mát mắt, hoạt động như một bộ lọc không khí tự nhiên.

Bộ lọc không khí tự nhiên tại Trung tâm An toàn công cộng tại New York (Mỹ)

Bộ lọc không khí tự nhiên tại Trung tâm An toàn công cộng tại New York (Mỹ).

Hay như văn phòng Quỹ từ thiện của Bill và Melinda Gates tại Seattle được thiết kế bởi Công ty kiến trúc NBBJ cũng được nhắc đến như một biểu tượng của xu hướng văn phòng xanh. Tòa nhà sở hữu một bể chứa có khả năng lưu trữ 1 triệu gallon (tương đương 3.8 triệu lít) nước mưa để sử dụng cho nhà vệ sinh, các công trình thủy lợi và hồ điều hòa. Một bể chứa khác cũng đồng thời được xây dựng với mục đích tích trữ nước lạnh vào ban đêm và sẽ được sử dụng để luân chuyển trong ngày nhằm làm mát tòa nhà và giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng.

Trụ sở chính Quỹ từ thiện của vợ chồng tỉ phú Bill Gates tại Seattle (Mỹ)

Trụ sở chính Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates tại Seattle (Mỹ).

Dominque Bonte, Phó Chủ tịch của ABI Research phát biểu: "Không có gì tốt hơn khi hình ảnh công ty được nhắc đến như một biểu tượng của quá trình phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Thật tự hào khi giới thiệu cho công chúng cách mà chúng tôi tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng sạch và cố gắng loại trừ cacbon trung tính”.

Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là biến các tòa nhà trở thành một mô hình tự cung – tự cấp, và thậm chí có thể sản xuất ra nhiều năng lượng hơn mức sử dụng. “Các công ty sẽ không còn cần nguồn năng lượng như khí đốt hay điện từ bên ngoài, tất cả mọi thứ sẽ được tái chế hoặc tạo ra ngay tại chỗ”, ông Bonte kỳ vọng.

Ryan Mullenix, đối tác thiết kế làm việc tại NBBJ tin rằng, các tòa nhà như vậy sẽ dần xuất hiện trong vòng 5 năm tới: "Lĩnh vực xây dựng luôn nổi tiếng là tạo ra khối lượng carbon rất lớn. Chúng ta phải thay đổi, tuy nhiên vấn đề chính bây giờ nằm ở chi phí”.

Nhiều công ty được mong đợi sẽ áp dụng các thiết kế xanh khi công nghệ ngày càng tiến bộ và giá cả xây dựng dần giảm xuống. Không chỉ thế, theo các chuyên gia, những tòa nhà thân thiện với môi trường thường sẽ làm giảm chi phí hoạt động lâu dài của công ty.

Theo đánh giá của KTS. Mullenix, Trung tâm Bullitt ở Seattle là một ví dụ điển hình về xu hướng thiết kế xanh cho công trình văn phòng. Tòa nhà bao gồm các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, nhà vệ sinh không dùng nước có khả năng chuyển đổi trực tiếp chất thải của con người thành phân bón và hệ thống tích trữ - thanh lọc nước mưa để trở thành nước uống. Tòa nhà này nhận được nhiều đánh giá tích cực của giới chuyên môn khi trong năm vừa qua những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà đã tạo ra nhiều hơn 20% năng lượng so với mức mà công ty sử dụng.

Một tòa nhà tương tự đang được tiến hành xây dựng cho văn phòng mới của Quỹ Năng lượng bền vững ở Pennsylvania (Mỹ). Dự kiến, khi hoàn thành, tổng năng lượng mà tòa nhà tiêu thụ hàng năm sẽ tương đương với mức năng lượng được sản sinh ra tại chỗ.

Trung tâm Bullitt tai Seattle (Mỹ) có khả năng tái tạo và tự sản sinh ra năng lượng

Trung tâm Bullitt tai Seattle (Mỹ) có khả năng tái tạo và tự sản sinh ra năng lượng.

Các tòa nhà không tiêu thụ năng lượng bên ngoài đã bắt đầu thu hút được sự chú ý trong những năm gần đây, song vẫn chưa thực sự trở nên phổ biến. Theo Viện nghiên cứu ILFI, hiện có 70 tòa nhà được chứng nhận không sử dụng năng lượng trên toàn thế giới tính đến hết năm 2017, con số này trong năm 2013 chỉ là 11. Để được chứng nhận, các tòa nhà phải cung cấp hóa đơn sử dụng năng lượng và dữ liệu trong quá trình vận hành trong vòng 12 tháng. Hiện tại, có tới 402 dự án trên khắp thế giới đăng ký với ILFI để nhận được chứng nhận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng, không chỉ cắt giảm tối đa việc sử dụng năng lượng, trong tương lai sẽ là sự xuất hiện của nhiều hơn những tòa nhà có khả năng tạo ra mức năng lượng vượt trội so với mức năng lượng tiêu thụ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top