Như đã đưa tin, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, trong ngày 27/6 đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ về Yên Bái làm việc, công bố quyết định thanh tra đột xuất về những vấn đề liên quan đến nguồn gốc tài sản của giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh này.
Theo ông Đạt, cuộc thanh tra này được thực hiện dựa trên đề xuất của tỉnh Yên Bái để đảm bảo tính khách quan vì ông Quý là em của bà Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh uỷ.
Ông Đạt cho biết thêm thời gian vừa rồi báo chí phản ảnh rất nhiều về tài sản của ông Quý đặc biệt là diện tích đất đai mà gia đình ông đang sở hữu.
Vì vậy nội dung của cuộc thanh tra sẽ tập trung vào việc việc kê khai tài sản của ông Quý có minh bạch hay không, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có đúng quy định của pháp luật không…
“Quá trình thanh tra sẽ làm rõ việc kê khai tài sản không chỉ của ông Quý mà của cả những người thân trong gia đình như vợ ông Quý chẳng hạn có được kê khai trung thực, minh bạch không. Liên quan đến nguồn gốc đất đai mà gia đình ông Quý đang sở hữu, Thanh tra chính phủ cũng sẽ làm rõ việc quy hoạch sử dụng dất, chủ trương, chính sách có thực hiện đúng quy định pháp luật hay không và sau khi có kết quả sẽ công bố”, ông Đạt nói trên tờ Tuổi Trẻ.
Liên quan đến tài sản của nhiều lãnh đạo Yên Bái khác thời gian qua dư luận cũng quan tâm và có một số cơ quan báo chí đã phản ảnh, ông Đạt cho biết, hiện Cục chống tham nhũng mới được giao nhiệm vụ thanh tra tài sản của giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh còn những vấn đề khác sẽ nắm tình hình sau.
Việc kê khai tài sản đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012. Trong đó nêu rõ, việc kê khai tài sản được thực hiện hằng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12. Người có nghĩa vụ kê khai phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước đó. Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.
Ngày 17/7/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó nêu rõ mục đích của việc làm này là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai tự kê khai các thông tin theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.
Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập quy định xử lý vi phạm như sau:
Xử lý vi phạm về thời hạn trong minh bạch tài sản, thu nhập
Người tổ chức việc kê khai, việc công khai chậm; người kê khai, giải trình chậm; người tổng hợp, báo cáo kết quả về minh bạch tài sản, thu nhập chậm so với thời hạn quy định tại Nghị định này mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật như sau:
Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với người thực hiện chậm trên 15 ngày đến 30 ngày. Áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với người thực hiện chậm trên 30 ngày đến 45 ngày. Áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một bậc so với hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với người thực hiện chậm trên 45 ngày.
Xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực
Người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật như sau:
Đối với cán bộ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Đối với công chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức. Đối với viên chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Đối với người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức. Đối với người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân áp dụng theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Xử lý trách nhiệm trong xác minh tài sản, thu nhập
Người yêu cầu xác minh, người ban hành quyết định xác minh, người xác minh, người có thẩm quyền kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm các quy định về xác minh tài sản, thu nhập thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp làm phương hại đến người được xác minh thì có trách nhiệm khắc phục hậu quả và cải chính công khai bằng văn bản; văn bản phải được gửi cho người được xác minh, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc.
Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin, tài liệu trong các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý về đất đai, nhà, công trình kiến trúc, thuế, tài chính, ngân hàng và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời yêu cầu phục vụ xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người tiết lộ thông tin hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập khi chưa được người có thẩm quyền cho phép thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.