Aa

Thừa Thiên - Huế: Xử phạt, đề nghị xử phạt hàng loạt doanh nghiệp vi phạm khai thác khoáng sản

Thứ Năm, 15/07/2021 - 15:30

Dù đã hết hạn khai thác theo giấy phép, nhưng rất nhiều doanh nghiệp chủ mỏ tại Thừa Thiên – Huế vẫn không đóng cửa mỏ và không cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 14/7 cho hay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ký ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 4 doanh nghiệp có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường hết thời hạn khai thác, nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Các quyết định này đều được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương ký với tổng mức phạt 4 doanh nghiệp vi phạm là 975 triệu đồng.

Khu vưc mỏ khoáng sản Cồn Sen, thôn 7, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng khai thác không đóng mỏ đúng quy định dẫn đến nạn khai thác khoáng sản trộm (Ảnh: Đình Toàn)

Sở mời cũng không đến làm việc?!

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Dịch vụ xây dựng Long Phụng (địa chỉ chính: Thôn Hòa Mỹ, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) bị xử phạt 120 triệu đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng 939 (TP. Huế) bị phạt 140 triệu đồng; Công ty TNHH Lộc Lợi (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) bị phạt 140 triệu đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) bị phạt 575 triệu đồng và buộc thu hồi 141,428 triệu đồng từ hoạt động được cho là khai thác khoáng sản bất hợp pháp.

Trước đó, tháng 6/2021, Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện liên quan đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu mỏ trên địa bàn tỉnh. Qua đó có 10 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, sỏi và đất làm vật liệu san lấp) trên địa bàn tỉnh được cấp phép cho 10 doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác, nhưng các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Khu vực mỏ khoáng sản Cồn Sen được cấp cho do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng khai thác, nhưng không cải tạo, phục hồi đúng cách dẫn đến nhiều diện tích khó tái tạo sản xuất (Ảnh: Đình Toàn)

Đáng chú ý, trước tình trạng nói trên, Sở TNMT Thừa Thiên - Huế đã mời 10 doanh nghiệp làm việc nhưng chỉ có 7/10 doanh nghiệp đến làm việc theo giấy mời; 2 doanh nghiệp không đến làm việc mà không có lý do là Công ty TNHH MTV Châu Thành Phát (Thừa Thiên - Huế) và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hồng Phát (Hà Nội). Riêng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải lấy lý do đang ở tỉnh Nghệ An, chưa thể về TP. Huế để làm việc vì phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng công ty này từng đề xuất phương án đóng cửa mỏ, sử dụng tiền ký quỹ là 592.238.000 đồng của công ty để thực hiện. Trước đó, ngày 24/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã ban hành Quyết định số 1247/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải (Thừa Thiên - Huế) 1,6 tỷ đồng, đồng thời xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh cấp cho công ty này. Quyết định xử phạt cũng buộc công ty này khắc phục hậu quả san lấp, cải tạo phục hồi môi trường đã được Sở TNMT tỉnh phê duyệt. 

Qua làm việc, Sở TNMT tỉnh ghi nhận chỉ có Công ty TNHH Xây dựng Bảo Thái (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) chưa vi phạm hành chính do mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại khu vực đồi Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền còn trong thời hạn thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Trên cơ sở buổi làm việc, Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản vi phạm, kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh xử phạt 6 doanh nghiệp, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm (TP. Huế), doanh nghiệp tư nhân Phú Vĩnh (xã Thủy Bằng, TP. Huế), Công ty TNHH Lộc Lợi, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng, Công ty CP Xây dựng 939 (phường Trường An, TP. Huế) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long.

Ngoài 4 doanh nghiệp bị xử phạt nêu trên, nguồn tin của Reatimes cho hay, hiện doanh nghiệp Tuyết Liêm và Phú Vĩnh đang có đơn kiến nghị xem xét những việc liên quan đến việc khắc phục vi phạm nên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang rà soát lại.

Doanh nghiệp đã vi phạm như thế nào?

PV Reatimes mới đây đã tìm về mỏ cát bãi bồi Cồn Sen - mỏ cát trên cạn (thôn 7, xã Lộc Hoà, huyện Phú Lộc) được cấp phép khai thác cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng. Tuy mỏ cát đã “đóng cửa”, nhưng khi vào sâu bên trong bãi bồi Cồn Sen, PV vẫn phát hiện dấu hiệu khai thác mới, dấu lốp xe vận tải ra vào khu vực mỏ. Người dân địa phương cho hay dù không còn tình trạng khai thác đại trà như trước, nhưng tình trạng khai thác lén lút, khai thác trộm vẫn còn do việc xử lý đóng mỏ chưa triệt để. Đặc biệt, do việc cải tạo, phục hồi môi trường chưa thực hiện nên việc tái sản xuất trên khu vực mỏ là không thể.

Người dân đóng cọc tre bày “trận địa” trên sông Bồ giữa thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế nhằm ngăn nạn cát tặc. Nơi đây có mỏ cát được cấp cho Công ty TNHH MTV Xây dựng giao thông Tuấn Hải và doanh nghiệp này khai thác vô tội vạ dẫn đến buộc đóng mỏ, bị xử phạt nặng (Ảnh: Đình Toàn)

Đáng chú ý, mỏ cát Cồn Sen là một trong những khu mỏ được đoàn kiểm tra của Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an tiến hành kiểm tra năm 2019. Qua đó ghi nhận tại mỏ cát bãi bồi Cồn Sen do Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng thực hiện không đấu giá quyền thăm dò khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản; hồ sơ thiết kế mỏ chưa được thẩm định và phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Khoáng sản năm 2010. Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng khai thác mỏ từ ngày 1/7/2017, nhưng không báo cáo định kỳ cho các cơ quan chức năng theo quy định (tại Điều 10, Điều 11, Điều 13, Điều 14 Thông tư số 02/2013/TT-BTMT ngày 1/3/2013 của Bộ TNMT). Tại thời điểm kiểm tra của Đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát Môi trường, trữ lượng đã khai thác được 11.000m3 cát, nhưng không có báo cáo về quan trắc môi trường, chưa ký hợp đồng và nộp tiền thuê đất. Với những vi phạm này, tại Kết luận Thanh tra số 355 ngày 4/3/2021, về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng trong hoạt động khai thác cát, sỏi, đồng thời yêu cầu đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Phía hạ nguồn sông Bồ người dân làm cầu tre đi lại nhưng mục đích chính là để ngăn thuyền của cát tặc qua lại (Ảnh: Đình Toàn)

Tình trạng “chây ỳ” trong việc đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định không chỉ xảy ra với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Xây dựng Long Phụng, mà còn với nhiều doanh nghiệp khác. Theo Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế, với doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm có hành vi quá thời gian từ 90 ngày trở lên so với thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt nhưng không báo cáo kết quả thực hiện theo quy định, nên đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 49 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ “Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản”.

Với doanh nghiệp Tư nhân Phú Vĩnh; Công ty Cổ phần Xây dựng 939, Công ty TNHH Lộc Lợi, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long đều có hành vi quá từ 12 tháng trở lên kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định đối với khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, nên vi phạm quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 49, Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Riêng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, theo Sở TNMT tỉnh, trong quá trình khai thác khoáng sản, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long còn có các vi phạm khác về khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường cụ thể như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giám đốc điều hành mỏ, vi phạm điểm b, khoản 3, Điều 39, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ; không thực hiện việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do UBND cấp tỉnh cấp, vi phạm quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ; không lập bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, vi phạm quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 40, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ; không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ (một năm một lần trước ngày 31/1 hàng năm) trong trường hợp báo cáo Đánh giá tác động môi trường do Sở TNMT phê duyệt (cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền); vi phạm quy định tại điểm d, khoản 7, Điều 12, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; không thuê đất trong hoạt động khai thác khoáng sản được xác định là hành vi chiếm đất, loại đất chiếm là đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn với diện tích chiếm là 2,5ha…

Với các hành vi đó Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long là doanh nghiệp bị xử phạt nặng nhất đợt này với mức phạt trên 575 triệu đồng và buộc thu hồi 141,428 triệu đồng từ hoạt động được cho là khai thác khoáng sản bất hợp pháp khác như đã dẫn trên.

Khu vực núi Lộc Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế có mỏ đất được cấp cho Công ty TNHH Lộc Lợi bị khai thác nham nhở, hoàn thổ không đảm bảo (Ảnh: Đình Toàn)

Đối với việc thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, Sở TNMT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Phòng Quản lý Tài nguyên phối hợp cùng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TNMT tỉnh tham mưu đề xuất thực hiện theo quy định. “Trường hợp các doanh nghiệp chậm trễ hoặc không có khả năng thực hiện sẽ xem xét phương án sử dụng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường để thực hiện”, lãnh đạo Sở TNMT tỉnh cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top