Xuân mới, nhớ Tết cũ
Tôi chưa phải là người “cũ” lắm. Thế nhưng Xuân về, Tết đến luôn bần thần cả người. Quê tôi, do “dư địa” cách mạng đặc biệt nên một thời gian dài các nghi lễ ngày Tết cũng thật giản đơn, không rềnh rang như nhiều vùng quê khác. Thế nhưng, Tết đến luôn đi cùng ao ước về quê hương, cố thổ.
Dù cuộc sống có thay đổi đến thế nào, thì lâu nay Tết đã trở thành một phần văn hóa Việt. Vì thế mà được gọi là Tết cổ truyền, Tết Nguyên đán. Bản thân từ “Tết Nguyên đán”, được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, nó thuần Việt, trước cả thời Tam Hoàng Ngũ Đế bên Trung Hoa.
Thời tôi còn bé xíu, thời đói kém, mong Tết chỉ vì mấy nhẽ. Trước là được nghỉ học, sau là được mặc quần áo mới, có thời kỳ trong nhà đứa có áo thì thôi quần, dép chưa có, chỉ đi chân đất thôi. Sau nữa là được ăn no. Dân Xứ Nghệ cho đến gần đây vẫn còn truyền câu tục ngữ: “No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè”. Ngày Tết, có hạt cơm, không phải rặt ăn khoai, hoặc khoai độn cơm như thường ngày trong năm.
Nói chuyện kiếm được tấm áo mới cho trẻ mặc ngày Tết, nhưng đâu phải chuyện giản đơn. Với nhiều đứa trẻ, đó là cả những đêm thở dài, trằn trọc của bố mẹ chúng bạn. Sau này trong bài thơ “Tết xưa ở quê nghèo” tôi có viết: “Tết đuổi sau lưng / bông đồng tiền nở chùm sương muối / cha tháp đòn gánh / mẹ bện rành rành / con nghĩ về một manh áo mới”. Con hàng xóm có, con mình không có, đó là cả nỗi buồn, lắng lo.
Lớn lên tí thì mừng vì ngày Tết được nghe tiếng pháo lúc đón giao thừa. Pháo từ trong xa xưa đã đi vào đời sống tinh thần, chả thế mà chúng ta thường nghe câu “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Tết năm nào cũng vậy, bố thường mua hai bánh/ dây pháo tép. Bố là cán bộ huyện, dù lương mấy trăm đồng, nhưng trong các món chi tiêu, bố không bao giờ quên pháo. Tôi cám ơn bố. Thường thì sáng 30 bố đã cẩn thận mang bánh pháo đặt lên gác bếp cho khô lại bánh pháo, để phòng ẩm, lúc Giao thừa đốt không nổ. Suốt cả ngày hôm ấy, cứ xuống bếp xem mẹ mấu cơm, làm cỗ, mắt tôi chỉ dán vào hai bánh pháo. Màu hồng, từ các tép pháo xốn xang.
Tôi còn nhớ, chiều 30 Tết, sau bữa cơm Tất niên, bố mẹ lại lúi xúi lo công việc trang hoàng nhà cửa, bàn thờ chuẩn bị đón Giao thừa. Khi bố ra bụi tre chặt một tay tre to, hoặc cây tre còi trong khóm tre trước cửa nhà làm cọc để treo bánh pháo tép. Giây phút hồi hộp, mong chờ bắt đầu từ đó. Nhấp nhổm cả buổi chiều. Thời tiết cữ ấy cũng nhuốm đầy phong vị Tết, bàng bạc, mây trời như sà xuống thấp hơn...Lúc bố “canh giờ” để châm lửa vào phần ngòi cuối bánh pháo mới hồi hộp làm sao. Pháo nổ giòn giã, không đứt từ lúc châm mồi lửa cho đến lúc hết bánh pháo phải nổ liên lục. Tâm lý người trong gia đình năm ấy làm ăn mới hanh thông. Hạnh phúc biết nhường nào, khi được nghe tiếng pháo, thấy pháo nhà mình giòn giã.
Quê tôi, gần như có “văn hóa pháo”. Trong câu chuyện chúc Tết giữa hàng xóm với nhau, trong ngày mồng 1 và những ngày sau đó, không ai quên “tám chuyện”, năm nay pháo nhiều hay ít, nổ tập trung, giòn giã, pháo nhà ai nổ dài, pháo nhà ai “tịt” ngòi, đứt bánh... Với trẻ ranh, như tôi một thời, sáng mồng 1 bảnh mắt ra đứa nào đứa nấy đều dán mắt vào đống xác pháo góc sân, tìm những quả đêm qua còn chưa kịp bắt lửa rơi xuống sân. Lại châm lửa đốt, lại bịt tai nghe tiếng nổ lẹt đẹt. Mẹ dặn: “Sáng mồng 1 Tết không được quét sân”, nên đám xác pháo được giữ nguyên trên góc sân hết ngày đầu năm.
Đã từ lâu, Nhà nước không cho đốt pháo nữa mà thay vào đó là tổ chức bắn pháo hoa tập trung tại các địa điểm lớn. Tất nhiên, bắn pháo hoa chỉ có ở các đô thị từ trung tâm một tỉnh đến các thành phố Trung ương. Xem bắn pháo hoa qua vô tuyến, cũng không phải là không hồi hộp.
Xứ Nghệ xưa, nghèo. Gần như trong nông thôn rất ít nơi có ngành, nghề phụ. Đây cũng là một nguyên nhân, học xong phổ thông ai cũng “ly hương”. Học giỏi thì vào Đại học, số này ít. Chủ yếu đi làm công nhân ở các nhà máy, lâm trường. Mỗi dịp Tết đến ai cũng mong sớm được về quê để gặp lại bạn bè “Bồi hồi như gái lấy chồng/ xe đò chuyến cuối chỉ mong sớm về/ thời gian rong ruổi chán chê/ chiều 30 Tết ơi quê rộn ràng” (Ngày 30 Tết lên xe về quê, thơ Ngô Đức Hành). Gần thì qua nhà nhau, cách làng, cách xóm thì sáng 27 Tết ra chợ phiên đầu làng. Tuổi bắt đầu thích bạn gái và ngược lại, đi chợ 27 để tìm nhau.
Chợ phiên 27 quê nhà
Bắc Nam về Tết đều ra tìm người
dùng dằng trói buộc nụ cười
bánh đa bánh đúc một thời bùa mê
(Chợ phiên 27 Tết)
Trong những “nẻo Tết” ngày xưa, tôi không sao quên được tập tục “xông đất”. Theo quan niệm của người Việt, ngày mồng 1 là ngày đầu của một năm, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn trong ngày này thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi, tránh được điều xui xẻo. Sự quan trọng của người đầu tiên đến thăm gia đình vì thế càng được nhân lên. Theo đó, người được mời xông đất cần phải được tuổi và hợp với gia chủ để bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới, vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Đặc biệt, người được gia chủ chọn phải tránh tuổi "tứ hành xung" và là những người vui vẻ, rộng rãi với mong muốn gia chủ cũng sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới.
Tôi là người học giỏi nổi tiếng ở làng. Cũng chẳng phải “ăn mày dĩ vãng” nhưng năm 1977, tôi là người duy nhất trong xã của mình thi đỗ Đại học. Chính vì thế, những năm ra Hà Nội học Đại học, mỗi lần về Tết, vất vả nhất nhưng vui nhất là đi xông đất. Quê tôi gọi là “đập đất”. Ngay khi vừa đặt chân về đến quê, đã có người dặn dò: “Giao thừa xong sang đập đất giúp nhé”. Lời mời, mong muốn thì nhiều nhưng chỉ nhận lời đi “đập đất” được cho các gia đình nội tộc. Cũng chẳng có ai để ý tuổi có “hợp” với gia chủ không. Cứ thấy thằng cháu học giỏi, hiền lành, đẹp trai, nhẹ vía... là mời bằng được, dặn dò đến mức tôi “nhận lời”. Vì thế, thường sau đi bố đốt pháo xong là tôi phải cầm đèn pin đi ngay. Nhà gần trước, nhà xa sau; nhà nội thân trước, nội tộc sau.
Mâm cỗ cúng Trừ tịch, nghinh Xuân bây giờ ở quê đã khác, nhưng thời đó chỉ có chai rượu quê, sang thì chai rượu Chanh – sản phẩm vang bóng một thời của Nhà máy rượu Hà Nội, đĩa bánh Ngào – một loại bánh nếp, nhân đậu, đun bằng mật mía... Nói chung rất đơn giản. Thời đó làm gì có bao lì xì để mừng tuổi người già, trẻ nhỏ và chúc năm mới cả gia đình; chỉ có duy nhất lời chúc và “vía” của mình.
Đến nhà nào tôi cũng được gia chủ chúc tụng, chắc chắn phải uống chén rượu, ăn hay không thì tùy. Vậy nhưng, đi hết một vòng, “đạp đất”/ xông nhà cho các gia đình người quen thì “chân nam đá chân chiêu”. Nhiều Tết, tôi về đến nhà mình thì đã 4 – 5 giờ sáng. Chỉ kịp đặt lưng chút xíu, lại phải chải chuốt quần áo, mặt mũi... ra sân kho hợp tác xã dự “Lễ chào cờ”.
Bây giờ, thời vật chất lên ngôi, “phổ cập” smartphone, có lẽ sau Giao thừa là nhắn tin chúc mừng năm mới bạn bè. Ngày mồng 1 đi chùa chiền, sau đó là du xuân ngày Tết, chọn các hình thức giải trí ngày Tết, chụp ảnh ngày Tết... Ngày xưa, nhất là các vùng nông thôn, đơn sơ, mộc mạc, Tết là của hương đồng gió nội, thanh bạch quê nhà.
Sau một năm làm việc bận rộn, Tết chính là khoảng thời gian gia đình tụ họp, kể cho nhau nghe những câu chuyện đầu năm, chúc một năm mới nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng. Và một lịch trình quen thuộc trong 3 ngày Tết nhiều người vẫn thường được nghe đó là “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” hay “Mùng 1 Tết nội, Mùng 2 Tết ngoại, Mùng 3 Tết thầy”.
Quá nửa cuộc đời, tôi đã đi chúc Tết và nhận chúc Tết của bao người, nhưng không bao giờ quên được Tết khi tôi đã học lớp 4, hệ 10/10. Nhà cô giáo cách nhà tôi mấy nhà nữa nhưng thẳng ngõ. Mẹ muốn tôi mau lớn khôn, nên động viên tôi lên nhà cô giáo chúc Tết. Lễ chúc Tết cô chỉ là một quả cam, mẹ để dành. Mẹ dỗ dành. Ban đầu phụng phịu nhưng rồi cũng làm theo lời mẹ. Quả cam cho vào lòng bàn tay và đưa về phía sau lưng. Mắt nhìn thẳng, chân dò dẫm. Thi thoảng tôi lại ngoái về phía sau, nhìn mẹ thêm lòng can đảm. Mỗi lần như thế, mẹ lại khoát tay, ra hiệu “Con đi đi”. Thế rồi, tôi cũng làm được việc lớn nhất, đầu tiên trong đời. “Con tôi đã lớn”, khi về nhà mẹ ôm tôi vào lòng, dành cho tôi một trận hôn, cám ơn con trai. Đó có lẽ là việc “vĩ đại” nhất mà tôi đã làm được, tính từ đó đến nay.
Con người cứ thế lớn lên, thay đổi theo năm tháng. Con đường từ làng ra phố, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng ngày càng rộng... Nhưng bao giờ cũng vậy, nhờ những cú vấp ngã trên cánh đồng làng mà ra xa lộ trở nên vững chãi. Từ những bước chân run rẩy khi đi chúc Tết cô giáo mà tôi tự tin trên mỗi bước đời. Ký ức luôn là một khoảng trời của tâm hồn, ai cũng thế nâng niu. Làn gió mùa xuân ve vuốt trên những lá lúa ở cánh đồng phía trước mặt nhà tôi, bao giờ cũng cho tôi những dự cảm./.