Hàng đêm cả buôn làng tụ tập lại nhảy múa và diện trang phục thổ cẩm đặc trưng dân tộc H're
Sắc xuân “gõ cửa” buôn làng
Tết xưa của người H’re (Quảng Ngãi) bắt đầu khi hoa gạo nở rộ vào tháng Ba, nay tập tục ấy chuyển mùa xuân về cùng Tết Nguyên đán. Nét riêng trong Tết của đồng bào H’re đó là thường không diễn ra cùng một thời gian định sẵn, mỗi buôn làng định ra ngày ăn Tết khác nhau bởi họ ăn Tết từ nhà này đến nhà khác, kéo dài cho tới lúc hết lượt các nhà trong buôn làng.
Độc đáo hơn, cái Tết chính thức thực sự bắt đầu khi già làng cho phép, trong mỗi gia đình, người đàn ông có nhiệm vụ lên rừng chọn cây tre to, đem về làm trụ trước cửa chuồng trâu. Sau đó, dùng dây mây nhỏ làm dây treo “ching chủ” (tiếng H’re gọi ching là cái chiêng, với bộ chiêng gồm 3 chiếc, thường gọi là ching ba, trong đó ching chủ là cái lớn nhất). Còn phụ nữ thì lên núi tìm cây lồ ô để làm đàn vinh-vút, lấy cây triên dùng làm công cụ uống rượu cần, mang cây trảy về làm trụ buộc chóe rượu, hái lá dong về gói bánh, bắt cá niêng dưới suối về muối chua và sắm những bộ váy thổ cẩm do chính mình tự thêu dệt.
Rượu cần là loại thức uống không thể thiếu trong các lễ, hội, Tết hoặc các ngày trọng đại theo phong tục. Công việc chế biến rượu cần thường do chính những người phụ nữ đảm nhận. Để chóe rượu thơm ngon, ngoài nguyên liệu là mì, nếp, ngô ra thì người chế biến phải có bàn tay khéo léo, biết cách ủ men khoảng 1 tháng, canh độ chín của men và chiết ra thành phẩm rượu cần ngon nhất dùng mời khách. Gia đình nào khá giả thì có trên 6 chóe rượu “hảo hạng”.
Chóe rượu ngon được ví như sự trân trọng của chủ gia, tài khéo léo của người phụ nữ nấu rượu. Ngoài ra, trong tiềm thức sâu xa của người H’re, chóe rượu cần còn có cả linh hồn, dùng để cúng thần linh, mong cho chóe rượu cần làm ra thơm ngon, vị ngọt, vị đắng đều nhau, quyện vào nhau, để cái miệng của khách uống không biết chán, say không biết đường về thì chủ nhà mới thỏa lòng.
Ngoài món rượu cần, người H’re không thể thiếu món bánh lá dong (phong tục của người Kinh gọi là gói bánh chưng, bánh tét). Đây là giai đoạn bận rộn, vui nhộn và đầy ắp tiếng cười đùa khúc khích bên mâm gói bánh lá dong. Theo phong tục bao đời nay, bánh lá dong của người H’re thường có 2 loại gồm bánh đơn (1 cái) và bánh bó đôi (kẹp 2 cái). Đối với bánh đơn (còn gọi là bánh cử), mỗi gia đình chỉ được một cái, ăn vào buổi sáng ngày đầu năm. Khi ăn xong phần nhân bên trong, vỏ bánh được người đồng bào lưu lại và treo trên tường để tính tuổi đời. Tuy nhiên, cách tính tuổi có phần lạc hậu này mai một theo năm tháng.
Nếu như phụ nữ gói bánh lá dong thì đàn ông hăng say dọn dẹp nhà cửa, tu sửa và trang trí bên trong căn nhà lẫn bên ngoài chuồng trâu. Sau đó, họ tranh thủ ra con suối bắt thêm cá niêng, lên rừng bẫy thêm thú rừng để bữa tiệc cuối năm đầy đủ hơn. Đêm 30 Tết, tất cả đã chuẩn bị xong, các chàng trai, cô gái càng rộn ràng hơn bên bếp lửa bập bùng giữa gian nhà, cùng trò chuyện và nấu bánh lá dong cho đến khi con gà cất tiếng gáy đón xuân về.
Giữ hồn Tết dân tộc cổ truyền
Trong các phong tục, người H’re thường cúng trâu vào sáng mồng hai Tết (tục cúng trâu còn gọi là Ta-reo-Kpơ), bởi con trâu là tài sản thể hiện sự giàu có, gắn bó với con người cùng kéo cày, kéo gỗ giúp đồng bào phát triển kinh tế. Người H’re rất coi trọng tục cúng trâu, họ cầu mong con trâu nhà mình luôn to, khỏe và mập tròn như trái sim chín trên đồi núi. Khi cúng trâu xong, chủ nhà bày biện tất cả các món ăn ngon cùng chóe rượu thơm nồng, những vật phẩm quý, họ đều dâng mời khách.
Trong các hoạt động dịp Tết, dân làng thường tập trung hát điệu dân ca Klêu, Kchoi. Trai làng phô diễn tài nghệ với nhịp chiêng, hay múa gươm, phóng lao, đánh vật và leo núi vui nhộn. Bên cạnh đó, các sơn nữ khoe nét đẹp, duyên dáng của mình theo từng điệu nhảy nhẹ nhàng, đánh đàn vinh-vút (nhạc cụ làm bằng hai ống lồ ô), khoe vòng kiềng lóng lánh màu sắc, tô điểm thêm vẻ đẹp sơn nữ cùng bộ váy thổ cẩm đầy màu sắc.
Dịp Tết đến Xuân về cũng là cơ hội để trai gái trong làng tìm hiểu nhau, khoe nhau những nét quyến rũ riêng. Tình yêu nảy nở hơn với trò chơi nhảy sạp, tay trong tay nhảy theo điệu gõ lốc cốc từ thanh gỗ hoặc tre, vang theo điệu nhạc “son son son đô son, son son son đô rê, rê rê rê mi đô rê, rê rê mi rê đô la, rê đô la đô la son la, rê đô la đô la son mi, son mi son mi son la, son la son đô…”.