Aa

Xuân Thành đang thức dậy

Thứ Tư, 24/02/2021 - 14:00

Quả thực, nếu không được biết trước, cứ với những ấn tượng về Xuân Thành mà tôi lưu giữ trước đây, thì hiện thực này còn hoành tráng và thơ mộng hơn một giấc mơ.

Giữa tháng 10/2020, cây cầu dây văng tuyệt đẹp bắc qua sông Lam ở Cửa Hội hợp long. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, cầu thông xe. Đây là cây cầu hiện đại từ vẻ đẹp thiết kế đến công nghệ thi công, với các thông số: Mặt cầu dài hơn 1,7km, nối với đường dẫn hai đầu, chiều dài cả công trình hơn 5,2km, chiều rộng trên mặt cầu là 18,5m, chiều rộng đường dẫn 16m. Vốn đầu tư dự án là 950 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và vốn góp của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tôi đã phóng xe vun vút trên đoạn đường ven biển phía bờ Nam sông Lam mà thấy thơ thới, yên lành vô cùng. Con đường thật đẹp đẽ, mềm mại, thảnh thơi trải dài giữa một vùng quê biển. Bên cạnh là những đầm nước, những đồng lúa. Làng thôn nghèo dọc hai bên đường như đang chuyển động dần. Nhìn ra hướng Đông, gặp những mảng phi lao xanh ngắt đang vẫy gió. Ngoài kia, mặt biển an lành trải dài, sóng sánh dưới nắng thu muộn...

Con đường này nhập vào thành một cung đường trên đại lộ ven biển Đông đất nước ta, mở thêm một lối thông thương giữa hai tỉnh, với khu biển nghỉ mát đã có từ lâu đời Cửa Lò ở phía Bắc thuộc Nghệ An và vùng du lịch nghỉ dưỡng đang dồn sức hình thành, sẽ lớn dậy sắp tới đây tại vùng biển Xuân Thành ở phía Nam, thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây, từ Cửa Lò, muốn về biển Xuân Thành bằng xe ô tô thì phải đi vòng, ngược ra quốc lộ 1, qua cầu Bến Thủy rồi vòng xuống, mất khá nhiều thời gian. Nay mai, cầu Cửa Hội thông xe, thì chỉ mất chưa tới mươi phút, là đã đến, mà lại được vi vu ven bờ biển, đi qua một vùng đất của cửa biển sông Lam nước biếc trời xanh, thanh cao mây trắng…

Những năm đầu thập niên 2000, tôi hay tìm đến biển Xuân Thành để nghỉ ngơi, tìm đến tĩnh lặng trong những ngày hè nóng nực. Xuân Thành hoang sơ lắm. Mấy cái khách sạn nho nhỏ. Một dãy hàng quán giản dị dưới tán phi lao. May là có một bãi biển bằng phẳng, an toàn trải dài bù lại. Lần đầu đến Xuân Thành là do định đi Cửa Lò mà ở đấy đông đúc quá, không còn chỗ nghỉ, thì tìm đến Xuân Thành, chứ không hẳn là do nghe tiếng mà định trước. 

Ngày ấy, tôi đã nghĩ, rồi mai đây, cái vùng này có nguồn đầu tư lớn đổ vào thì sẽ vươn dậy thành một điểm du lịch biển tuyệt vời. Từng có câu “Nghệ An vi quân, Hà Tĩnh vi thần”, suy rộng nghĩa ra, là Nghệ An thường sinh ra người làm vua, làm tướng, Hà Tĩnh thường sinh ra người làm quan, làm văn chương, nghệ thuật và khoa học. Nhưng đấy là phổ quát thôi, chứ ngay vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt là người Hà Tĩnh. Đó là Mai Hắc Đế, tức Mai Thúc Loan, quê ở Lộc Hà, chẳng xa biển Xuân Thành mấy nỗi.

Gần ngay Xuân Thành là đất quê của hai vĩ nhân Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ. Rồi tiếp nữa, Hà Tĩnh là vùng phát tích của bao nhiêu danh nhân, từ Nguyễn Huy Tự, Hải Thượng Lãn Ông… đến Hoàng Xuân Hãn, Xuân Diệu, Huy Cận, Lê Văn Thiêm… Hà Tĩnh cũng là vùng đất sinh ra nhân sỹ và các nhà cách mạng, như Phan Đình Phùng, Lý Tự Trọng, Trần Phú, Hà Huy Tập… Vùng đất đã sinh ra những tên tuổi lớn như thế tất sẽ nhiều tiềm năng đợi thức dậy để vươn mình lên trong thời mới. Tôi đã tin như vậy khi ở Xuân Thành ngày còn hoang sơ ấy…

Dừng lại nơi con lạch Mỹ Dương ăn ra bãi biển Xuân Thành, thấy một con đường lớn mang tên Đại lộ Hồng Lam. Đầu đường, bên trái, phía biển, một khách sạn 5 sao đang gấp rút hoàn thành, bên phải là một trường đua thể thao đã đâu vào đấy để sẵn sàng náo nhiệt. Đấy là bắt đầu đi vào khu resort nghỉ dưỡng phức hợp hiện đại bậc nhất miền Trung với cái tên gợi ra từ một tác phẩm thơ nổi tiếng của Nguyễn Huy Tự: Hoa Tiên Paradise Xuân Thành. Những hạng mục của khu resort này, như: sân golf, khu villa biển, villa vườn, khu shophouse, khu chợ đêm, nhà hàng Hoa Biển, Tenis Club café Trung Nguyên Legent, khu hồ bơi, đóng đá, bóng chuyền bãi biển… cũng đang gấp rút thi công theo tiến độ để đến đầu mùa hè năm 2021 kịp khai trương và đón khách. 

Điều đặc biệt ở khu du lịch nghỉ dưỡng này là có một trường đua chó dành cho loài chó săn Greyhound gốc Ireland mang từ Úc sang, đã gây xôn xao và hoan hỉ ở Vũng Tàu. Chưa hết, ở đây còn có một con đường biển dài dành cho cưỡi ngựa thể thao và nghệ thuật. Có loại hình thể thao chèo và bơi thuyền trên lạch Mỹ Giang và ngoài biển, có thể cắm trại ở rừng phi lao ven biển…

Quả thực, nếu không được biết trước, cứ với những ấn tượng về Xuân Thành mà tôi lưu giữ trước đây, thì hiện thực này còn hoành tráng và thơ mộng hơn một giấc mơ.

 

Lại được biết thêm, khi đi vào hoạt động, khách đến nghỉ dưỡng tại đây, ngoài tắm biển, chơi golf, bơi thuyền, xem đua chó, tự cưỡi ngựa, sẽ được kết nối với các tour đi trong ngày để thăm quê Bác Hồ, để đến Hương Bình chơi và tìm hiểu về nông cụ cổ, tới vùng rừng Vườn quốc gia Vũ Quang và Thác Vũ Môn ngắm thác, lên Hương Sơn ngâm mình suối nước nóng. Ai muốn vãng cảnh chùa cổ thì đã có vùng động Hương Tích, chùa Hang trầm mặc đón đợi. Ai muốn thăm các vùng đất sinh ra danh nhân thì đến quê Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… Ai muốn hồi tưởng một thời lịch sử thì đi Ngã Ba Đồng Lộc, thăm quê hương Trần Phú, Hà Huy Tập... Sân bay Vinh đã kết nối với nhiều tỉnh thành lớn trong nước và quốc tế. Những chuyến bay đưa khách mê môn thể thao golf từ Hàn Quốc và các quốc gia trong khu vực sang đây hai, ba tour một tuần…

Khu phức hợp nghỉ dưỡng hiện đại này đã đi chậm nhiều năm, nhưng vì thế mà tích lũy thêm được nhiều trăn trở, suy tư, cả những cách nhìn và cập nhật cao nhất những mong đợi để hình thành nên sự độc đáo. Vì hiện đại song hành với độc đáo, nên khi đi vào hoạt động, sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị và giữ được chân du khách bền chặt.

Linh hồn và chủ nhân của những ý tưởng chính của khu phức hợp Hoa Tiên Paradise Xuân Thành là doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ, một Việt kiều Úc, vốn được sinh ra tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Nói chuyện với ông Mỹ thì biết, chính thời hoang sơ tôi đến Xuân Thành, chỉ nghĩ về giấc mơ, thì ông đã tâm huyết, lặn lội với nơi đây. Năm 2004, ông được tỉnh Hà Tĩnh đồng ý lập dự án này. Năm đó, ông có đứa con gái út, đến năm 2021 này, cô bé sinh ra ngày ấy đã trở thành một thanh nữ “mười bảy bẻ gẫy sừng trâu”, thì dự án ấy mới được hiện thực hóa, thời gian là đủ cho gần một thế hệ người mới, với biết bao nhiêu kiên tâm và bền lòng.

Nâng ly café chiều cuối năm bận rộn, sau khi kể về những trần ai đổ ra vì dự án, ông già Nguyễn Ngọc Mỹ, đã vào tuổi bảy mươi, nheo nheo cặp mắt vui, nói cười dào dạt: “Như vậy thì thấy cũng rất đáng cho cuộc thức dậy của vùng biển Xuân Thành này, ông bạn nhà văn nhỉ?”.                                                                                                                     

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top