Vụ cháy chung cư Carina Plaza đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản của người dân, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động trong công tác bảo đảm an toàn cho cư dân sinh sống trong chung cư cao tầng.
Đánh giá tác động từ vụ cháy chung cư Carina Plaza đến thị trường căn hộ chung cư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, vụ cháy đã tác động đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Trên thực tế đã khiến cho phân khúc căn hộ chung cư có sự chững lại trong mấy tuần qua.
Đặc biệt, ông Châu nhấn mạnh, hiện nay đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu, cò đất lợi dụng vụ cháy chung cư Carina Plaza để đầu cơ, thổi giá đất nền phân lô để trục lợi.
Tuy nhiên ông Châu cho rằng cho đến nay, thị trường đã phần nào phục hồi trở lại và những tác động này chỉ có tính ngắn hạn, bởi lẽ, trong quá trình đô thị hóa, phát triển chung cư và nhà cao tầng là xu thế tất yếu toàn cầu cũng như của nước ta. Ví dụ như tại Singapore có khoảng 85% dân số, nhiều nước châu Âu, Bắc Mỹ khoảng 60 - 70% dân số sống trong chung cư cao tầng, và nhìn chung được đảm bảo an toàn PCCC, tỷ lệ xảy ra hỏa hoạn thấp.
Nhu cầu lựa chọn sống trong các căn hộ chung cư cao tầng (cao cấp, trung cấp, bình dân) của các tầng lớp nhân dân rất lớn và đang gia tăng theo thời gian. Đặc biệt là loại căn hộ bình dân đang rất thiếu trên thị trường. Bằng chứng là năm 2017, toàn thành phố chỉ có 12.495 căn nhà ở bình dân, chỉ chiếm tỷ lệ 29,1% tổng số căn hộ đưa ra thị trường, trong lúc nhu cầu loại căn hộ này lên đến vài trăm ngàn căn.
Tuy nhiên, sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, khách hàng, người tiêu dùng đòi hỏi và yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn cả về mặt tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn, PCCC đối với chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng. Ở chiều ngược lại, chủ đầu tư cũng nâng cao nhận thức trách nhiệm, phải đảm bảo chất lượng công trình, tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là về tiêu chuẩn an toàn, PCCC chung cư để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Thiệt hại đã quá rõ ràng, cũng như những tác động đến thị trường chung cư sau vụ cháy đã được ghi nhận thực tế. Song, theo ông Châu, từ “thảm họa” chung cư Carina, đã đến lúc người dân sống trong chung cư phải nhận thức được yêu cầu "sống chung" trong cùng chung cư, cùng có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau, hỗ trợ nhau, tham gia các buổi huấn luyện, thực hành, diễn tập đảm bảo an toàn PCCC. Trước hết, là tham gia Đại hội chung cư, bầu Ban quản trị chung cư có năng lực và trách nhiệm; ý thức trách nhiệm và công tác tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan PCCC, chính quyền cấp quận, huyện, phường, xã đối với việc đảm bảo an toàn PCCC chung cư cũng đã được nâng lên.
Đồng thời, vụ cháy Chung cư Carina Plaza và những vụ cháy liên tiếp sau đó đã đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo an toàn cháy, nổ tại chung cư, nhà cao tầng, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều tòa nhà chung cư trên 30 tầng, và có thể được lắp đặt hệ thống cấp khí gas nấu ăn đến từng căn hộ.
“Với tâm thế này, thị trường bất động sản có khả năng nâng lên một chất lượng mới, một đẳng cấp mới, có lợi cho người tiêu dùng, chủ đầu tư và cộng đồng xã hội, được an toàn và bình yên hơn”, ông Châu nhận định.
Cùng quan điểm với ông Châu, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Hà Nội cho biết, sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, thị trường có ghi nhận doanh số bán hàng chậm hơn, chủ đầu tư có sự điều chỉnh giá bán. Tuy nhiên tác động này không phải cho tất cả thị trường chung cư, không phải vì thế mà người mua nhà không mua chung cư nữa vì đây là sản phẩm phù hợp với cuộc sống đô thị. Khi các nhà đầu tư phát triển chung cư sẽ giúp cho giá nhà ở rẻ hơn, người mua dễ dàng tiếp cận hơn.
Bà Nguyễn Bích Trang, đại diện CBRE nhận xét, thị trường chung cư Hà Nội vẫn trên đà của những quý trước, là một trong những sản phẩm dễ giao dịch nhất trong thời gian qua. “Hiện nay nhu cầu mua để ở nhiều, kể cả người nước ngoài. Cho nên trong quý I/2018, chất lượng sống và không gian sống là nhu cầu được người dân đặc biệt quan tâm. Tác động lớn nhất có lẽ là đối với chủ đầu tư khi các dự án chung cư đang vận hành đang bị kiểm tra ráo riết sau các vụ cháy. Đối với đơn vị phân phối, quản lý vận hành như CBRE chưa thấy ảnh hưởng. CBRE vẫn mở bán dự án tại thị trường TP.HCM, sức mua vẫn tốt”, bà Trang cho biết.
Tuy nhiên, qua các vụ cháy chung cư vừa qua, có một thực tế được đại diện CBRE chỉ ra, đó là trong nhiều trường hợp đơn vị này phải đấu tranh với chủ đầu tư về vấn đề nghiệm thu PCCC.
“Có những dự án khi CBRE nhận phân phối chủ đầu tư chưa đầy đủ giấy tờ về PCCC. Họ loay hoay trong quy trình của họ, kể cả quá trình đầu tư do không có đủ kiến thức. Đến gần đây, có 2 dự án chúng tôi phải hối thúc chủ đầu tư nếu không hoàn thiện PCCC thì sẽ chấm dứt hợp đồng. Chúng tôi đã làm rất gắt gao, có thể nói là đấu tranh với chủ đầu tư. Nếu không thì chúng tôi cũng không thể ký để vận hành. Đến 4, 5 tháng sau, dự án đó gần như phải làm lại hệ thống PCCC của cả tòa nhà. Có dự án ở Mỹ Đình nhận vận hành từ cuối năm ngoái nhưng phải đến thời điểm hiện nay mới hoàn chỉnh hệ thống để nghiệm thu PCCC”, bà Trang cho biết.
Do đó, lời khuyên mà bà Trang đưa ra đối với khách hàng, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong câu chuyện này, đó là đầu tiên người mua nhà phải ý thức được sự an toàn của họ, đơn vị quản lý và chủ đầu tư phải đặc biệt lưu ý những vấn đề PCCC, an ninh, an toàn cho cư dân, nghiệm thu phải là nghiệm thu thực chất chứ không chỉ đơn thuần là xong về mặt giấy tờ bởi hệ thống PCCC nếu không “test” thì chỉ đạt 20% và như vậy không khác gì một cái máy thông thường lắp đặt cho xong. Các đơn vị quản lý vận hành khi nhận vận hành cho một dự án phải yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu PCCC một cách nghiêm túc, như CBRE trước khi nhận sẽ phải có thời gian, quá trình để kiểm tra. Bên cạnh đó, cũng phải đòi hỏi kiến thức của người quản lý, kỹ sư trưởng rất cao, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở họ làm đúng quy trình.