Aa

Xuất hiện hạt chia nghi hàng giả, hàng nhái trên Sendo, Lazada và Shopee

Thứ Năm, 18/10/2018 - 12:00

Những tháng cuối năm, cũng là lúc người tiêu dùng có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm quà biếu, sử dụng trong dịp Tết, nhất là các loại hạt, ngũ cốc nhập khẩu như mắc ca, chia, yến mạch,… Nhưng đồng thời, thị trường cũng bắt đầu xuất hiện các sản phẩm nghi là hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, thậm chí có trên cả các trang thương mại điện tử được cho là uy tín như Lazada, Sendo hay Shopee.

Anh Thành (30 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) vừa phản ánh việc mua phải hàng hóa nhập khẩu trên các trang thương mại điện tử Việt Nam.

Cụ thể, anh đã đặt mua 2 kg hạt chia được giới thiệu là "hàng Úc nhập khẩu" trên Lazada giá 232.000 đồng của một gian hàng tên BonCosmetics (địa chỉ bán hàng 33/32/6D Nguyễn Sỹ Sách, quận Tân Bình). Trên trang Sendo, anh đặt mua 1 kg hạt chia Úc Organic Seeds của shop Catpro07 với số tiền là 149.000 đồng. 

Tiếp đó, trên trang thương mại điện tử Shoppe, anh đặt mua 1kg hạt chia tím, 1kg hạt chia Organic Seeds và 1kg hạt chia Úc Black Bag với tổng số tiền 305.000 đồng, của shop Boncosmetics (cùng tên với shop Boncosmetics trên Lazada)...

Mã code trên sản phẩm hạt chia nhập khẩu được in và dán keo - Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, sau khi nhận các đơn hàng, khách hàng đặt nghi vấn khi những sản phẩm trên đều không có tên công ty phân phối độc quyền hay nhà nhập khẩu và nhà phân phối ở Việt Nam. Thêm nữa, chữ trên bao bì sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Anh, mã vạch đều được in trực tiếp lên bao bì, hoàn toàn không có thêm thông tin nào bằng tiếng Việt về nhà sản xuất, nhà phân phối…

Anh Thành cho rằng, những sản phẩm đặt mua nói trên không có thông tin nhà sản xuất, phân phối, có dấu hiệu làm giả bao bì mẫu mã, hoặc là hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thể kiểm chứng được chất lượng và cũng không biết ai bán mà khiếu kiện nếu sự cố xảy ra.

Cũng theo khách hàng, sau khi kiểm tra đã thấy nhiều bất thường, bởi giá sản phẩm bán trên Sendo, Lazada hay Shopee lại thấp hơn giá bán lẻ tại nước xuất khẩu. Trước đó, các gian hàng trên các trang TMĐT giới thiệu hoành tráng "hạt nhập khẩu Úc", nhiều chương trình khuyến mãi, có gian hàng giảm tới 50% giá một sản phẩm.

Theo luật sư Đặng Anh Đức (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), về dấu hiệu làm giả bao bì mẫu mã, hoặc là hàng lậu, trốn thuế, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hiệu hàng hóa đã nêu rõ: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc (khoản 4 Điều 10); Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc… (khoản 4 Điều 8).

Tại Điều 31, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ đã quy định cụ thể về xử phạt đối với vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa như sau: Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa bị xử phạt vi phạm hành chính...

Cũng theo luật sư, tình trạng bán hàng không hóa đơn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra công khai trên các sàn TMĐT có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, lãng phí tiền của nếu mua phải hàng giả, kém chất lượng. Thêm nữa, nếu không kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,… trên các sàn TMĐT, nhà nước sẽ thất thu thuế; uy tín, hoạt động kinh doanh của các nhà nhập khẩu chân chính sẽ bị ảnh hưởng.

Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Ninh Giang

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top