Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), với xu hướng phục hồi mạnh mẽ của giá sắt thép trên thế giới trong khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, giá sắt thép trong nước cũng bắt đầu có những dấu hiệu tăng trở lại. Vào cuối tuần trước, nhiều doanh nghiệp thép cũng đã điều chỉnh tăng đối với một số loại thép. Điển hình, thép cuộn CB240 đồng loạt tăng, trong đó, tập đoàn Hoà Phát cũng đã tăng giá bán đối với loại thép này thêm 200 đồng/kg lên mức 14.940 đồng/kg.
Về tình hình xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2022 cũng đã có sự khởi sắc hơn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 823.128 tấn sắt thép trong tháng 12/2022, tăng 40,2% so với tháng trước đó. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng hơn 24%, đạt hơn 584 triệu đồng.
Trong tháng 12, Việt Nam tiếp tục nhập siêu hơn 123.000 tấn sắt thép, tuy nhiên, lượng nhập siêu cũng đã giảm đáng kể so với con số khoảng 376.000 tấn vào tháng 11. Như vậy, xét cả năm 2022, nước ta đã quay trở lại nhập siêu hơn 3,3 triệu tấn sắt thép, sau khi lần đầu ghi nhận xuất siêu sau nhiều năm vào năm 2021. Mặc dù vẫn còn đối diện với nhiều thách thức, song tín hiệu tích cực hơn đối với ngành sắt thép vào cuối năm, cùng kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu tại một số quốc gia châu Á trong thời gian tới, sẽ hỗ trợ cho ngành thép trong nước.
Giá dầu thế giới tăng trước triển vọng tiêu thụ nhiên liệu sẽ sớm khởi sắc
Giá dầu tăng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại củng cố thêm triển vọng tiêu thụ nhiên liệu. Kết thúc phiên 10/1, giá dầu thô WTI tăng 1,17% lên 74,63 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,37% lên 79,65 USD/thùng.
Nhà tiêu thụ số một thế giới ban hành một đợt hạn ngạch mới lên tới 111,82 triệu tấn cho các nhà nhập khẩu dầu. Tính đến tuần này, Trung Quốc đã ban hành tổng cộng 132 triệu tấn dầu thô nhập khẩu trong hai hạn ngạch riêng biệt cho năm 2023, cao hơn so với mức 109 triệu tấn của năm ngoái.
Theo MXV, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu được dự báo sẽ cải thiện ít nhiều trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán sắp tới. Việc tháo gỡ chính sách "Zero Covid" đã châm ngòi cho sự phục hồi của thị trường du lịch hàng không nội địa lớn nhất thế giới, với lượng đặt chỗ Tết Nguyên đán có thể sẽ cao nhất trong ba năm. Các quan chức cũng ước tính số lượng chuyến đi trong kỳ nghỉ lễ sẽ đạt 2,1 tỷ chuyến, cao gấp đôi so với năm ngoái, nhưng vẫn chỉ bằng 70% của năm 2019.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ thực sự hồi phục mạnh mẽ từ quý II, khi số ca nhiễm đã đạt đỉnh và các hoạt động sản xuất, xây dựng được khôi phục trở lại.
Về phía Nga, loại dầu thô Urals hàng đầu của nước này đang phải bán với giá chiết khấu lên tới 50% so với dầu Brent do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của khối G7, và áp lực giảm giá để cạnh tranh với các lô hàng từ Trung Đông khi bán cho các đối tác châu Á.
Trong khi đó, Kuwait, đang lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu hàng không sang châu Âu trong năm nay, để bù đắp cho khoảng trống mà Nga để lại. Cụ thể, quốc gia Trung Đông này dự kiến sẽ tăng các lô hàng dầu diesel đến châu Âu lên 2,5 triệu tấn, gấp 5 lần so với năm 2022, tương đương khoảng 50.000 thùng/ngày./.