Aa

Xúc phạm trò, thầy có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Thứ Tư, 03/10/2018 - 01:00

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến đến hết ngày 25/11/2018. Dự thảo quy định, phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, nếu xúc phạm học sinh, giáo viên có thể bị phạt hàng chục triệu đồng.

 

Dự thảo nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Xúc phạm học sinh có thể bị phạt 30 triệu đồng

Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã đưa ra nhiều mức phạt đối với các hành vi vi phạm về tổ chức dạy thêm, mức phạt tiền này tăng mạnh so với các quy định cũ, thậm chí bổ sung thêm các nội dung phạt mà trước đây chưa có. Cụ thể, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất. Thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm, bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.

Hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng; tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa, bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng. Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép. Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng.

Hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Ép buộc học sinh học thêm bị phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép. Dự thảo nghị định cũng quy định, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.

Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học ngoài phạt tiền sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên. Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ quản lý giáo dục, công chức, nhà giáo, người học. So với Nghị định 138/2013/NĐ-CP đang áp dụng, mức phạt tiền của dự thảo nói trên cụ thể hơn và bổ sung thêm các hành vi bị phạt, trong đó điều chỉnh nâng mức phạt một số vi phạm.

Giáo viên có thêm phần áp lực?

Trên một số diễn đàn dành cho giáo viên, đây là chủ đề “hot” được thảo luận rất nhiều. Các ý kiến cho rằng, cần quản lý tốt hoạt động dạy thêm hiện nay và có chế tài đủ mạnh để răn đe, nhất là các trường hợp bắt ép học sinh đi học thêm. Song một số ý kiến cho rằng dạy thêm phần lớn là tự nguyện, giáo viên khó có thể ép buộc vì những học sinh đi học thêm chủ yếu là có nhu cầu học thêm, phụ đạo thực sự vì học lực kém, không theo kịp chương trình.

Theo một số giáo viên, mức xử phạt nâng từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng như Dự thảo đề xuất là khá nặng, dẫn đến việc giáo viên có tâm lý chán nản, hoặc phó mặc muốn học sinh trong lớp làm gì thì làm, vì hiện nay lớp đông, học sinh hiếu động không tránh khỏi dễ nổi nóng, cáu giận. Cũng có ý kiến cho rằng, khi vi phạm giáo viên cũng đã bị xử lý theo quy định nghề nghiệp, bị kỷ luật, thậm chí sa thải, nên phạt tiền quá nặng, nhiều giáo viên không có đủ tiền nộp phạt.

TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc đưa ra các hình thức phạt nghiêm để hạn chế tiêu cực trong nhà trường là điều đáng mừng. Các quy định này để giáo viên phải tự chịu trách nhiệm về việc làm sai trước pháp luật. Tuy nhiên, trong cơ quan giáo dục phải đẩy yếu tố giáo dục lên hàng đầu, còn việc xử phạt là của các cơ quan pháp luật của nhà nước. Nên chia thành các mức, đến mức nào đó nhà trường tham gia xử phạt và mức nào là phải chuyển cho các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, chứ không phải cứ sai là nhà trường đứng ra phạt.

“Quy định cũng cần cụ thể hơn một số nội dung, để tạo ra sự công bằng. Ví dụ, dạy thêm ép buộc và không ép buộc khó phân định, vì chỉ cần có đơn tình nguyện là không ép buộc nhưng bản chất có thể lại không hẳn thể. Theo tôi, để chấm dứt tình trạng này, không chỉ riêng cấp 1, cấp 2 mà ra quy định cấm dạy thêm hết, nhà trường chỉ tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh yếu kém, nhưng không được phép thu tiền. Việc dạy thêm để các trung tâm họ có giấy phép, tuyển chọn giáo viên phù hợp và xuất phát từ nhu cầu thực sự của học sinh và gia đình. Đối với giáo viên, có quyền dạy thêm ở các trung tâm vì nhiều nghề cho phép làm ngoài giờ”, TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Theo Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, các hành vi vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục cũng bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và buộc phải xin lỗi công khai. Hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Quang Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top