Trước tiên, ta cũng cần phân biệt mâm cơm tất niên trong lễ cúng chiều 30 khác với mâm cúng đêm giao thừa. Mâm cơm tất niên nằm trong lễ cúng chiều 30 tết phải đủ đầy bánh chưng (hoặc bánh tét), gà luộc, xôi, hương hoa, rượu... Bên cạnh đó là mâm ngũ quả gồm nải chuối xanh, bưởi, sung, quất, ớt... Tùy vào điều kiện của mỗi nhà mà thức món chuẩn bị cầu kì hay đơn giản.
Còn mâm cúng đêm giao thừa lại diễn ra vào đúng 12h ngày 30 tết (hoặc 0h ngày mùng 1 tết) với lễ vật gồm gà luộc, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, 9 chén rượu (3 chén có rượu màu đỏ, 3 chén có rượu màu vàng, 3 chén có rượu trắng), 5 chén trà, vàng mã, 2 cây nến và một đĩa xôi gấc. Do đó, không nên nhầm lẫn giữa 2 mâm cơm này là một.
Sau khi đã dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ tết, đun nồi bánh chưng... và nhiều việc để chờ đón một năm mới an lành sắp đến, đối với người Việt, chuẩn bị lễ cúng chiều 30 và bữa cơm tất niên được coi là công việc cuối cùng của năm cũ. Năm nào cũng vậy, chiều 30 tết, con cháu trong gia đình lại tất bật với việc dọn mâm cỗ đầy, trước để kính mời ông bà, tổ tiên về thăm con cháu, sau là để đoàn tụ cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên.
Theo phong tục cổ truyền, mâm cơm tất niên sẽ được sử dụng trong lễ cúng vào chiều ngày 30 tết trước ban thờ tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Trong đó, lễ cúng chiều 30 đóng vai trò như một thủ tục, còn mâm cơn tất niên được coi là món quà “cây nhà lá vườn” của thế hệ con cháu để cảm tạ, tri ân đối với thế hệ đi trước vì đã luôn dõi theo, soi chiếu và chở che cho mình trong suốt một năm sắp qua.
Mặt khác, với quan niệm tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho thế hệ đi sau để gặp nhiều may mắn, tránh được vận đen điều gở, dụ như có gặp thì cũng nhanh chóng tai qua nạn khỏi, bình an vô sự, mâm cơm tất niên đóng vai trò như một “món quà hối lộ” của thế hệ con cháu cầu mong tổ tiên giúp đỡ trong năm mới.
Ngoài ra, bữa cơm tất niên sau khi đã thực hiện xong lễ cúng chiều 30 sẽ là một dịp để quây quần con cháu. Vì vậy, theo phong tục xưa, đây chính là dịp để bậc bố mẹ trong gia đình giới thiệu các con, các cháu; bậc con cháu có dịp ra mắt, “diện kiến” với ông bà, tổ tiên. Từ đó, tổ tiên mới biết được công việc, nghề nghiệp, những khúc mắc, khó khăn... trong một năm mà thế hệ đi sau gặp phải để phù hộ độ trì.
Tuy nhiên, mâm cơm tất niên (bữa cơm tất niên) không chỉ mang nhiều tầng ý nghĩa đối với việc tỏ lòng thành kính của người sống và người đã mất trong một gia đình mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng giữa những người thuộc thế hệ con cháu với nhau.
Theo đó, bữa cơm tất niên là “trung tâm” quây quần tất cả các thành viên trong gia đình với nhau, từ già đến trẻ, từ trai đến gái, từ người làm ăn xa đến người sống trên đất tổ tiên... Có thể trong cả một năm sắp qua, các thành viên trong gia đình khó có thời gian gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau thì đây chính là dịp để cả nhà đoàn tụ. Mọi người ngồi quanh mâm cơm tất niên, nâng ly rượu chúc nhau năm mới và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua cùng những mục tiêu sắp tới.
Trẻ nhỏ lâu ngày không gặp nhau cũng được một dịp vui chơi, tụ hội và “biết mặt anh, mặt em, biết người trên kẻ dưới” trong gia đình, họ hàng quanh mâm cơm tất niên.