Aa

Yên Bái: Chuyển đổi số góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân

Thứ Tư, 24/07/2024 - 06:37

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 51, ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Yên Bái đã có bước tiến dài, thứ hạng Chỉ số DTI của tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Yên Bái hiện xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 25 bậc so với trước khi thực hiện Nghị quyết, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố về khả năng cải thiện Chỉ số DTI.


Yên Bái: Chuyển đổi số góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân- Ảnh 1.

Đồng bào Mông xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông công ích khi Trạm phát sóng YBI0574 trên địa bàn thôn Kể Cả được lắp đặt và đi vào hoạt động.

"Cánh tay nối dài” đưa CĐS đến mọi nhà

Được Tổ CĐS cộng đồng của xã hướng dẫn cài đặt và sử dụng các sản phẩm dịch vụ số, người dân xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái được cài đặt đăng kí, đăng nhập tài khoản Dịch vụ công quốc gia, tạo tài khoản ngân hàng, tài khoản cập nhật sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện, người dân Minh Bảo đã cập nhật lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm OCOP 3 sao và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Với khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng, Đoàn thanh niên xã Minh Bảo đã phối hợp với các Tổ CĐS cộng đồng đến từng nhà hỗ trợ từng người dân, từng hộ kinh doanh... cài đặt, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng thanh toán tiện lợi.

Chị Lò Thương Thương - thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo chia sẻ: Là những người trẻ, việc mua bán trên môi trường điện tử được chúng em thực hiện thường xuyên và thấy rất tiện lợi. Trên cơ sở những kiến thức được tập huấn và tích lũy khi tham gia mua bán trên môi trường điện tử, chúng em đã hướng dẫn người thân trong gia đình và bà con trong thôn, trong xóm thực hiện việc mua bán online, giao dịch không dùng tiền mặt, hướng dẫn mọi người tham gia các nhóm Zalo, Facebook, cài đặt ứng dụng VNeID mức độ 2”.

"Các thành viên trong Tổ CĐS cộng đồng, đặc biệt là lực lượng đoàn viên thanh niên rất nhiệt tình hướng dẫn người dân thực hiện công tác CĐS, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, đặc biệt là hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các thủ tục hành chính. Khi được sử dụng các dịch vụ, người dân thấy rất tiện lợi, nhanh chóng và hài lòng” - ông Nguyễn Hữu lợi - Chủ tịch UBND xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái cho biết.

Tiên phong CĐS, thành phố Yên Bái đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhân dân cài đặt và sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc mở tài khoản ngân hàng, dịch vụ thanh toán hóa đơn điện, nước, ví điện tử, mở mã QR Code cho các hộ kinh doanh... Đến nay, 100% hộ kinh doanh trên địa bàn đã sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trên 71% người dân sử dụng các sản phẩm dịch vụ số.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy, Yên Bái đã thành lập 1.529 Tổ CĐS cộng đồng tại 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố với 10.851 thành viên tham gia; 100% sở, ban, ngành của tỉnh thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ CĐS.

Các Tổ CĐS cộng đồng, câu lạc bộ CĐS đã phát huy vai trò hạt nhân, là cánh tay nối dài giúp cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS tại cơ sở; trực tiếp giúp cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về CĐS, tập trung mạnh vào tuyên truyền nâng cao nhận thức CĐS, kỹ năng công nghệ số cho người dân, hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Một số địa phương đã tổ chức chiến dịch rộng khắp và chỉ đạo các Tổ CĐS cộng đồng thực hiện đưa nền tảng số đến người dân theo phương châm "đi tận ngõ, gõ tận nhà”, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, tương tác với chính quyền mọi lúc, mọi nơi và thụ hưởng các giá trị mà CĐS mang lại.

Bà Bùi Thị Tuyết ở tổ dân phố số 1, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên chia sẻ: "Được tuyên truyền về chủ trương CĐS, được địa phương và tổ dân phố hỗ trợ, các Tổ CĐS cộng đồng hướng dẫn cài đặt các ứng dụng đã giúp người dân chóng tôi tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Đồng thời chúng tôi cũng có thể đề xuất những ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến các cấp một cách nhanh nhất”.

Yên Bái: Chuyển đổi số góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân- Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra hoạt động của các tổ CĐS cộng đồng trên địa bàn thị trấn Mậu A.


Vươn sóng di động đến vùng khó


Trạm phát sóng YBI0574 được xây dựng tại bản Hàng Tày, xã Chế Tạo, xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2024 với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, bao gồm chi phí thiết bị và vận hành trạm. Đây là công trình được Viettel triển khai thực hiện theo nội dung cam kết hợp tác với UBND tỉnh Yên Bái về hạ tầng số nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phổ cập sử dụng Internet chất lượng cao, giá rẻ, hỗ trợ việc đẩy nhanh quá trình phát triển xã hội số cho người dân các xã vùng sâu, vùng xa. Trạm YBI0574 được khánh thành, đưa vào sử dụng sẽ phủ sóng di động cho 257 hộ dân, trên 1000 nhân khẩu của 3 bản Háng Tày, Kể Cả, Pú Vá của xã Chế Tạo.

Ông Sùng A Dinh - Chủ tịch UBND xã Chế Tạo cho biết: "Việc đưa Trạm phát sóng YBI0574 vào hoạt động đã giúp cho người dâ đảm bảo thông tin liên lạc, đưa ánh sáng văn hóa về với dân bản, giúp bà con yên tâm định cư, phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Công tác chỉ đạo, điều hành các mặt hoạt động của Đảng bộ, chính quyền địa phương được thuận lợi, xuyên suốt. Đặc biệt, ngoài việc đáp ứng nhu cầu liên lạc và truy cập Internet giá rẻ, Trạm còn đảm bảo liên lạc, nhất là trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, tình huống đặc biệt, khẩn cấp...”.

Trạm phát sóng YBI0574 đi vào hoạt động đã nâng tổng số trạm, vị trí phát sóng của Viettel Yên Bái lên 1.038 điểm, đưa Yên Bái thành 1 trong 18 tỉnh có sóng 5G. Hạ tầng mạng cố định băng rộng có 180 trạm, tương đương gần 107.678 cổng, được phủ rộng khắp tới 99,4% xã/phường, 95,7% thôn bản. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ có thêm 57 trạm phát sóng 5G do Viettel Yên Bái, VNPT Yên Bái lắp đặt và đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Ông Đỗ Thanh Tuấn - Giám đốc Viettel Yên Bái cho biết: Sau khi Trạm phát sóng hoạt động, chúng tôi sẽ có một chuỗi hoạt động chăm sóc khách hàng. Những khách hàng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, Viettel Yên Bái sẽ có chính sách hỗ trợ máy, thậm chí là tặng miễn phí hoàn toàn. Các dịch vụ viễn thông công ích, chúng tôi cũng sẽ mang đến những vùng khó khăn để cho bà con được thụ hưởng; hướng dẫn bà con thực hiện các ứng dụng về CĐS như: thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán hàng trên các nền tảng số, YenBai -S …

Thực hiện CĐS, những năm qua hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng số đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, việc ký thỏa thuận hợp tác với các Tập đoàn VNPT và Tập đoàn Viettel đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, các tập đoàn đã quan tâm phân bổ nguồn đầu tư để phát triển hạ tầng tại các vùng khó khăn của tỉnh Yên Bái.

Vượt và hoàn thành 16 mục tiêu CĐS


Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy đề ra 22 mục tiêu đến năm 2025, trong đó có 15 mục tiêu phát triển chính quyền số, 2 mục tiêu phát triển kinh tế số và 5 mục tiêu phát triển xã hội số. Hiện đã có 16 mục tiêu vượt và hoàn thành, đạt 72,72% mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025, còn 6 mục tiêu đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu đã quyết tâm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CĐS; quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và ban hành đồng bộ các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện CĐS, tạo ra đường hướng và xác định lộ trình CĐS rõ ràng, hiệu quả, khả thi cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2030.

Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch CĐS một cách khoa học, bài bản và có tính chất bao trùm. Trong tổ chức thực hiện đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, đặc trưng, hiệu quả với tinh thần chung "dễ làm trước, khó làm sau”, "đồng thời từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên” và luôn nhất quán phương châm "CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”; trong đó có nhiều nội dung mà Yên Bái là tỉnh đi tiên phong trong cả nước như: ban hành chính sách hỗ trợ nhiệm vụ CĐS, triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình CĐS.

Tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cán bộ đã có sự đổi mới, bám sát hơn xu thế công nghệ. Hạ tầng phục vụ CĐS được quan tâm đầu tư, nâng cấp và có bước thay đổi tích cực. Chính quyền số có chuyển biến mạnh mẽ, các nền tảng dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng, triển khai mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, Yên Bái còn 6 chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết chưa hoàn thành, trong đó có 2 chỉ tiêu chưa triển khai thực hiện. Kiến thức, kỹ năng số của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế, chưa có thói quen sử dụng công nghệ số trong hoạt động thường ngày. Hạ tầng viễn thông, hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin phục vụ CĐS trong và ngoài bộ máy còn thiếu, chưa đáp ứng để khai thác tối đa các tiện ích, ứng dụng công nghệ số hiện nay.

Kết quả công tác CĐS trên các mặt, trụ cột CĐS tại một số sở, ngành, địa phương chuyển biến chưa rõ nét, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc số hóa, cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chậm. Nhân lực công nghệ thông tin làm việc trong bộ máy nhà nước và trong doanh nghiệp còn thiếu; việc thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn công nghệ thông tin phục vụ CĐS tại địa phương còn khó khăn. Hoạt động của các tổ CĐS cộng đồng chưa thực sự hiệu quả và thiếu bền vững.

Để đến hết tháng 6/2025 hoàn thành 100% mục tiêu, nhiệm vụ CĐS theo Nghị quyết 51, tỉnh tiếp tục triển khai đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông về CĐS; tổ chức các chương trình phổ biến, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số nâng cao và thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế CĐS, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách CĐS hiện tỉnh chưa có để góp phần thúc đẩy tiến trình CĐS trên các trụ cột, góp phần nâng cao thứ hạng Chỉ số DTI của tỉnh; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ CĐS.

Mở rộng chủ thể tham gia thực hiện nhiệm vụ CĐS: bên cạnh cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, huy động sự tham gia thực hiện nhiệm vụ CĐS của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời tập trung phát triển hạ tầng phục vụ CĐS, trước hết là hạ tầng viễn thông, hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin; đồng thời chú trọng ưu tiên phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ứng dụng cảm biến, phần mềm và phần cứng phục vụ thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu để dữ liệu trở thành yếu tố đầu vào sản xuất mới. Chủ động xây dựng và triển khai các nền tảng dùng chung, nền tảng đặc trưng của tỉnh, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi tỉnh chủ trì thực hiện; đẩy nhanh tiến độ số hóa, cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu đã xây dựng; thực hiện kết nối, chia sẻ các các cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, sử dụng tạo ra giá trị mới.

Tập trung đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng, công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực kinh tế; phát huy vai trò cầu nối đưa các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số đồng hành với cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai nhiệm vụ CĐS; tư vấn, hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh. Huy động tối đa nguồn lực thực hiện nhiệm vụ CĐS, các nguồn tài trợ, viện trợ, đặc biệt là các nguồn lực xã hội khác thông qua việc đầu tư hạ tầng, thiết bị và các nền tảng công nghệ số của các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân.

Tăng cường hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước về cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ số mới phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Những giải pháp tiếp tục sẽ nối tiếp thành công sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Tỉnh ủy, khẳng định các giá trị CĐS góp phần không nhỏ nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; gia tăng giá trị kinh tế các ngành, lĩnh vực và nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top