Aa

Yêu cầu chủ bãi rác Đa Phước thực hiện 8 nhóm biện pháp khắc phục mùi hôi thối

Thứ Sáu, 30/09/2016 - 06:51

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, mùi hôi làm ô nhiễm khu vực phía nam Thành phố xuất phát từ khu chôn lấp, tiếp nhận rác và nước rỉ rác của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Thông tin chính thức về nguyên nhân gây mùi hôi tại khu vực phía nam TP. Hồ Chí Minh (Quận 7, huyện Bình Chánh và Nhà Bè), ông Võ Văn Hoan cho biết, khi nhận được phản ánh của người dân và báo chí, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá các nguồn có khả năng gây ô nhiễm cùng khu vực bị ảnh hưởng.

Kết quả sau 10 ngày khảo sát, cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh xác nhận thông tin phản ánh về các hiện tượng: Phát sinh mùi hôi theo mùa hằng năm (từ tháng 3 đến tháng 9), thời gian phát sinh mùi hôi thường tập trung vào lúc 18h đến 4h hôm sau, xuất hiện tùy hướng gió, mức độ mùi hôi qua các năm ngày càng nhiều lên.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM thông tin với báo chí về

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM thông tin với báo chí về "thủ phạm" gay ra mùi hôi ở khu Nam TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Võ Văn Hoan, sau khi có kết quả khảo sát, lãnh đạo Thành phố cũng đã trực tiếp đến hiện trường và làm việc với các đơn vị: Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước, gồm các đơn vị: Công ty Hòa Bình (xử lý bùn hầm cầu), Công ty Sài Gòn Xanh (xử lý bùn kênh), Nghĩa trang Đa Phước và Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) - nơi chuyên xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

“Đoàn kiểm tra khẳng định mùi phát ra mà người dân đã nêu là từ khu vực chôn lấp đang tiếp nhận rác và nước rỉ rác của Công ty VWS, những đơn vị còn lại mùi hôi phát sinh không đáng kể”, ông Võ Văn Hoan nói.

Cũng theo Chánh văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh, khu vực này có diện tích gần một trăm ha, mới hình thành cách đây 5-7 năm nhưng rác thải đã chất đã cao đến 25 m và sẽ tiếp tục đạt độ cao 40 m. Lượng rác thải lớn nhưng xử lý không tốt đã làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Về những biện pháp xử lý, TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, điều chỉnh quy trình tiếp nhận và xử lý rác thải, không để tiếp tục phát sinh mùi hôi tại khu vực. Cơ quan chức năng TPHCM sẽ bố trí nhân sự, giám sát 24/24h tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước và các khu dân cư để theo dõi tình hình.

Thành phố cũng sẽ tiến hành khoanh vùng, rà soát các vị trí: Sông rạch, trạm trung chuyển chất thải, cơ sở chăn nuôi, nhà máy sản xuất, nhà máy xử lý nước thải… có khả năng phát sinh mùi hôi để đánh giá khả năng, phạm vi ô nhiễm, có biện pháp xử lý kịp thời; kiểm tra toàn bộ các phương tiện chở rác, kiên quyết loại bỏ những phương tiện không đủ điều kiện.

Đồng thời, khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi 322 ha đất để thực hiện dự án vành đai cách li cây xanh theo hướng “nhà nước và nhân dân cùng làm”; chỉ đạo Sở TN&MT yêu cầu nhà đầu tư bổ sung, nâng cấp công nghệ thu gom và xử lý rác tiên tiến; đẩy nhanh tiến độ khu xử lý rác tại Long An, giảm tải cho Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước.

 

UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu VWS thực hiện 8 nhóm biện pháp khắc phục sau:

1. Bố trí thời gian, nhân sự, trang thiết bị, phương tiện tiếp nhận và xử lý chất thải hợp lý sao cho đảm bảo chất thải được tiếp nhận, xử lý nhanh nhất.

2. Bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải di động ưu tiên ở các vị trí thấp, để hạn chế khả năng khuếch tán mùi hôi theo chiều gió.

3. Cô lập diện tích mở bãi (để tiếp nhận chất thải) nhỏ lại ở mức tối thiểu để hạn chế phát tán mùi hôi. Tăng cường nhân công, thiết bị để hạn chế đến mức thấp nhất khu vực mở bãi; đồng thời che phủ bằng bạt và liner nhanh hơn ngay tức thì sau khi chất thải được ủi và đầm nén.

4. Chất thải sau khi được chôn lấp, nếu đạt cao độ kỹ thuật, cần nhanh chóng che phủ ngay. Trường hợp chất thải chưa đạt đến cao độ theo quy trình kỹ thuật, Công ty phải nhanh chóng tiến hành ngay việc phủ bạt nhựa che phủ tạm và khống chế mùi hôi phát sinh bằng biện pháp phun xịt chế phẩm khử mùi với hàm lượng, số lượng đủ để khống chế mùi hôi phát sinh.

5. Tăng cường số lượng, hàm lượng, tần suất phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi, phun xịt liên tục khu vực ô chêm lấp đang tiếp nhận chất thải và khu vực hồ chứa nước thải.

6. Nghiên cứu giảm thời gian tiếp nhận, xử lý rác hàng ngày của Khu liên hợp.

7. Xây dựng kế hoạc tiếp nhận và xử lý rác phù hợp với điều kiện, thời tiết bất ổn, lượng mưa nhiều diễn ra thường xuyên.

8. Mua sắm, nhập thêm một số trang thiết bị máy móc chuyên dụng, máy phun xịt khử mùi, diệt côn trùng và tăng cường số lượng công nhân, nhân viên kiểm tra, kiểm soát và phun xịt hoá chất khử mùi.

Trước đó, liên quan đến sự việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định, làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại những khu vực trên, có phương án giải quyết tình trạng này.

Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chưa tiên tiến, giá thành lại cao, tại thời điểm ký kết cao hơn so với các nơi khác 1/3 và bây giờ vẫn cao hơn 20%.

Bên cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp quy hoạch phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xem là trung tâm mới với nhiều đô thị hiện đại phía Nam.

Xe chở rác ra vào bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA.

Xe chở rác ra vào bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA.

Tại cuộc họp báo Chính phủ vừa diễn ra ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp tiến hành khảo sát và kiểm tra. Bước đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, hoạt động của toàn bộ Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có thể là nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, còn có Công ty Xử lý bùn Sài Gòn xanh, một đơn vị xử lý bùn hầm cầu cũng bố trí gần khu vực này và cũng gây ra ô nhiễm không khí.

“Sở TNMT đang xem xét và có đánh giá rất kỹ, liên quan tới công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Bộ TNMT cũng biết ở đây, việc xử lý rác chủ yếu là chôn lấp, với quy trình công nghệ và quy chuẩn đã được áp dụng như thế này ở Mỹ. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều hạng mục liên quan tới xử lý nước thải (nước rác), bể chứa nước rác chưa hoàn thành.

Đồng thời, quá trình xử lý rác thì liên quan đến quy trình nhận rác, liên quan đến sử dụng chế phẩm sinh học chưa hợp lý để xử lý mùi thông qua công nghệ sinh học, vật lý. Ở đây, phải thu được khí phân hủy từ rác, thu gom được toàn bộ nước rác. Những vấn đề này, hiện nay chúng tôi đang giao cho Sở TNMT trực tiếp kiểm tra, xem xét, đề xuất giải pháp cụ thể” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm rõ thêm.

Trả lời vấn đề, nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chưa tiên tiến, giá thành lại cao, tại thời điểm ký kết cao hơn so với các nơi khác 1/3, và bây giờ vẫn cao hơn 20%. Bên cạnh đó, vị trí bãi rác không phù hợp quy hoạch phát triển của TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem là trung tâm mới với nhiều đô thị hiện đại phía Nam. Các bộ, ngành hữu quan nhận định thế nào về những đánh giá trên?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay trên thế giới, nhiều nước vẫn phải chấp nhận việc xử lý bằng chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp không triệt để, không đáp ứng giải quyết hoàn toàn bài toán về môi trường, bởi sau khi chôn lấp, quá trình thu gom khí, quản lý bãi rác sau này rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đất đai không có nhiều. Giải pháp sử dụng công nghệ chôn lấp chỉ mang tính trước mắt.

Chôn lấp được thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay với quy trình công nghệ, chế phẩm sinh học, được tính toán khá hoàn thiện. Tuy nhiên, cần có đánh giá, kiểm tra thật kỹ là Công ty này đã áp dụng đầy đủ quy trình, công nghệ đó chưa cũng như phải sử dụng chế phẩm sinh học trong khử mùi và kích thích phân hủy rác.

Còn về bài toán quy hoạch, TP. Hồ Chí Minh cũng đã nói, cách đây 5 năm, đây là vùng hoang sơ, thuộc huyện Nhà Bè, nên việc bố trí ở đây có vẻ hợp lý. Nhưng với tốc độ phát triển, tăng trưởng như hiện nay, bài toán về xử lý chất thải phải tính toán quy hoạch theo vùng, phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, có cơ chế phối hợp của Thành phố với các địa phương khác để quy hoạch dài hạn. Khi đã quy hoạch các bãi xử lý chất thải, chôn lấp, đương nhiên việc bố trí các khu dân cư, đô thị sẽ luôn có xung đột trên thực tế.

Ở tất cả các nước, người ta cố gắng sao cho quy hoạch này tốt nhất, xa nhất. Nhưng có lẽ, về lâu dài, cần phải áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại là thiêu đốt và phát điện, chỉ khi đó mới phù hợp với điều kiện của đất nước ta, cũng như giải quyết triệt để vấn đề môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ xử lý hiện đại, và khi đốt phải quan tâm tới vấn đề khí thải.

“Tôi cho rằng việc đánh giá về giá thành, UBND Thành phố đã cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn doanh nghiệp, tính toán giá thành. Tôi sẽ không bình luận giá hợp lý hay không. Phần này để TP Hồ Chí Minh sẽ có thông tin đầy đủ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top