Aa

Yêu cầu Hà Nội xử lý việc xuất hiện nhiều vết nứt nguy hiểm tại 8B Lê Trực

Thứ Năm, 20/08/2020 - 16:47

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản chuyển đơn yêu cầu Hà Nội xử lý đơn thư của Công ty Cổ phần May Lê Trực và báo cáo hiện trạng các vết nứt nguy hiểm tại công trình 8B Lê Trực đúng theo quy định pháp luật.

Nội dung Văn bản nêu rõ: “Thủ tướng Chính phủ nhận được đơn thư đề ngày 1/7 và ngày 3/8/2020 của Công ty Cổ phần May Lê Trực và báo cáo hiện trạng các vết nứt tại dự án 8B Lê Trực. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn thư và báo cáo nêu trên của Công ty Cổ phần May Lê Trực đến UBND TP. Hà Nội để xử lý đúng theo quy định pháp luật”.

Văn phòng Chính phủ chuyển đơn thư và báo cáo các vết nứt tại công trình 8B Lê Trực đến UBND Thành phố Hà Nội.
Văn phòng Chính phủ chuyển đơn thư và báo cáo các vết nứt tại công trình 8B Lê Trực đến UBND Thành phố Hà Nội.

Trước đó, theo nội dung đơn kêu cứu và báo cáo của Công ty Cổ phần May Lê Trực gửi Thủ tướng Chính phủ, do việc phá dỡ chưa có phương án cụ thể nên hiện dầm gánh tầng 3 đã có hiện tượng chuyển vị và xuất hiện nhiều vết nứt nguy hiểm.

Cụ thể, đơn vị tháo dỡ phá sàn mái tầng 18, tháo kính mặt dựng nhưng không có giải pháp ngăn nước cũng như thoát nước mưa đã khiến nước đang tràn xuống các tầng 17,16 và các tầng phía dưới gây hư hỏng sàn gỗ, trần thạch cao, tủ bếp, tủ quần áo… Tất cả đều là tài sản đã bàn giao cho cư dân theo Hợp đồng mua bán nên việc các ngành chức năng và Công ty Bắc Nam làm như hiện nay sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn.

Cũng theo ghi nhận, do đơn vị phá dỡ thực hiện tháo các thiết bị vệ sinh, hệ thống điện nhưng không có biện pháp che chắn, bảo vệ các vị trí thoát xí, thoát sàn dẫn đến bị vỡ và làm hư hỏng hệ thống thoát nước trục đứng của cả tòa nhà. Thực tế này khả năng cao sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động của tòa nhà sau này.

Đặc biệt, ngoài các vị trí vết nứt có thể nhận biết được bằng mắt thường thì còn nhiều vết nứt khác đang xuất hiện, rất cần được kiểm tra và phải xác định bằng biện pháp siêu âm.

Đơn vị thi công tiến hành phá dỡ.
Đơn vị thi công tiến hành phá dỡ.

Thực tế, việc phá vỡ kết cấu chịu lực của toà nhà đã khiến khả năng chịu tải trọng động đất và gió động không đáp ứng được, nguy cơ gây mất an toàn cho tính mạng người dân, người tham gia giao thông và các công trình lân cận là rất khó tránh khỏi.

Cũng theo đơn kêu cứu, việc phá dỡ hiện nay đã khiến doanh nghiệp phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề, đặc biệt, một số quyền lợi chính đáng vẫn chưa được xem xét thỏa đáng. “Khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, doanh nghiệp đã cam kết thực hiện bàn giao 1.941,82m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài mà không nhận đền bù đất tương đương khác nhưng vẫn chưa được Hà Nội xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", nội dung đơn nêu.

Phía Công ty Cổ phần May Lê Trực cũng kiến nghị, dừng phá dỡ để đảm bảo an toàn công trình và tính mạng người dân; lập đoàn kiểm tra hoặc giao Thanh tra Chính phủ rà soát, đánh giá khách quan việc cấp phép xây dựng, xử lý vụ việc, kiểm quá trình cưỡng chế phá dỡ phần công trình…

Cùng liên quan đến vụ việc 8B Lê Trực, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã 6 lần ra tối hậu thư yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm vụ việc, mới đây nhất, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội ngày 20/4/2020, Thủ tướng yêu cầu: “Cần khẩn trương giải quyết dứt điểm, bảo đảm đúng quy hoạch chi tiết, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, chính đáng cho nhà đầu tư”. 

Tuy nhiên, phía Công ty Cổ phần May Lê Trực cho rằng, các ngành chức năng đã tổ chức cưỡng chế, phá dỡ mà chưa đảm bảo đúng theo quy định pháp luật. Cụ thể, tiến hành phá dỡ khi chưa có phương án phá dỡ được lập bởi đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực, đủ điều kiện được phê duyệt theo đúng quy trình, thủ tục mà pháp luật quy định…

Cho rằng, việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ khi chưa có phương án như hiện nay là chưa đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống sau này, hiện hàng chục hộ dân, trong đó có cả các hộ dân đã mất nhà tại tầng 18 vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến các ngành chức năng và yêu cầu dừng phá dỡ để có lời giải đáp thỏa đáng.

Việc phá dỡ chưa có phương án khiến nhiều vị trí của công trình xuất hiện nhiều vết nứt nguy hiểm.
Việc phá dỡ chưa có phương án khiến nhiều vị trí của công trình xuất hiện nhiều vết nứt nguy hiểm.

Theo thông tin từ phía UBND quận Ba Đình hôm 5/8, việc thực hiện tháo dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực, đơn vị phá dỡ tòa nhà đã chính thức cắt sàn mái tầng 18. Thời gian dự kiến hoàn thành cắt sàn mái tầng 18 tòa nhà trên khoảng 15 - 20 ngày.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Bắc Nam - đơn vị thi công cho biết, việc cắt sàn được đơn vị sử dụng lưỡi cắt kim cương. Đây là lưỡi cắt chuyên dụng để cắt kim cương, đá, bê tông, có tốc độ cắt cao, khả năng chịu mài mòn và chịu lực tốt. Trước khi cắt sàn mái tầng 18, đơn vị phá dỡ đã thực hiện tháo dỡ kính, tường từ đầu tháng 6.

Theo UBND quận Ba Đình, toàn bộ quá trình tháo dỡ, phá dỡ phần công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực được đơn vị tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng VNT Việt Nam. Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) thực hiện khảo sát hiện trạng các công trình liền kề, thiết lập hệ thống quan trắc khu vực cưỡng chế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top