Kết quả kinh doanh tích cực trong nhiều năm gần đây đã giúp giá trị thương hiệu của các nhà băng Việt liên tục được nâng cao trên thị trường quốc tế. Theo bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu của Brand Finance năm 2023 được công bố mới đây, Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN về số lượng nhà băng lọt Top 500 với 12 ngân hàng vào danh sách và thứ hạng cải thiện đáng kể.
Đây là bảng xếp hạng được công bố hàng năm dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm trước, về quy mô, tốc độ tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh…
Nhìn lại những năm gần đây, khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giai đoạn 2020 - 2021, Việt Nam là một trong những nước vẫn duy trì tăng trưởng tích cực. Sang năm 2022, các ngân hàng Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trước những thách thức của thị trường, đa phần đều có lợi nhuận tăng trưởng dương và an toàn hoạt động được đảm bảo. Theo thống kê, năm 2022, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trên 30% so với kết quả năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, những ngân hàng có lợi thế về bán lẻ, hoặc mở rộng nhanh chóng sang phân khúc này đều tăng trưởng ấn tượng. Đây là một trong những động lực quan trọng giúp nâng cao giá trị thương hiệu của các ngân hàng Việt.
Cụ thể, VIB với tỷ trọng bán lẻ thuộc nhóm dẫn đầu thị trường với gần 90% danh mục tín dụng trong những năm vừa qua đã đạt lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở mức 10.581 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB dẫn đầu ngành với 3 năm liên tiếp đạt trên mức 30%.
Hay như tại ACB với tỷ trọng cho vay bán lẻ (khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa) đạt 93%, ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022. Lợi nhuận trước thuế nhà băng này đạt 17.021 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021 và vượt kế hoạch cả năm. Chỉ số sinh lời thuộc nhóm cao trong ngành, trong đó ROE đạt 26,49%, ROA 2,41%.
Một yếu tố nữa là sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực chuyển đổi số. Năm 2021 - 2022, nhiều ngân hàng tiếp tục có đột phá trong ứng dụng công nghệ để gia tăng mức độ hài lòng cho người dùng. Theo đó, số lượng khách hàng, giá trị giao dịch (đặc biệt là kênh online) tăng rất mạnh, thậm chí tốc độ tăng trong một vài năm bằng cả chục năm trước cộng lại.
Khép lại năm 2022, Techcombank thu hút thêm 1,2 triệu khách hàng mới trong năm. Động lực tăng trưởng chính đều đến từ việc đầu tư mạnh mẽ cho số hóa, thay đổi trải nghiệm người dùng trên App ngân hàng số dành cho cá nhân, doanh nghiệp. Tại VIB, ngân hàng đã thu hút thêm hơn 1 triệu khách hàng trong năm 2022, tăng trưởng tới 200% so với năm 2021 và đưa tổng lượng khách hàng vượt con số 4 triệu. Hiện tỷ lệ giao dịch trên kênh số tại VIB đạt trên 93%, thuộc Top đầu ngành. Trong vòng 5 năm, số lượng giao dịch ngân hàng số tăng trưởng tới 26 lần. Năm 2022 đánh dấu những đột phá mới của ngân hàng trên ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0 như AI Voice (giao dịch bằng giọng nói), AR (công nghệ thực tế tăng cường)…
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, các ngân hàng cũng đang tập trung theo đuổi mảng bán lẻ. Đây cũng được xem là chìa khóa giúp các ngân hàng có khả năng chống chọi trước những cú sốc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, duy trì NIM ổn định và kiểm soát tốt chất lượng tài sản. Giới chuyên gia cho rằng, những ngân hàng mạnh về bán lẻ, đi đầu về số hóa sẽ thuận lợi hơn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng những năm tới.
VIB, một trong 2 ngân hàng có tỷ lệ bán lẻ cao nhất Việt Nam, đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 tăng 15% lên 12.200 tỷ đồng. Trong định hướng chiến lược 10 năm 2017 - 2026, VIB định vị mình là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam về chất lượng và quy mô, đặt mục tiêu 10 triệu khách hàng đến năm 2026. Trong 6 năm đầu của lộ trình này, VIB đã đạt tăng trưởng kép lợi nhuận 57%/năm.
Tương tự, ACB với lợi thế bán lẻ cho biết năm 2023 dự kiến lợi nhuận trước thuế vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME tiếp tục là chiến lược kinh doanh dài hạn của ngân hàng. Nhà băng này cũng khẳng định, hoạt động ngân hàng số sẽ được nâng cao hơn nữa, như xây dựng năng lực tiếp thị tự động để thông điệp bán hàng được cá nhân hóa đến đúng tối tượng, một cách phù hợp nhu cầu nhất.
Techcombank thì cho biết sau khi chuyển dịch cơ cấu tín dụng sang bán lẻ một cách mạnh mẽ trong năm 2022, sang năm 2023 sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng tập khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phạm vi khẩu ro tín dụng của ngân hàng.
Giới quan sát cho rằng, với những triển vọng lạc quan tại nhiều ngân hàng hiện nay, dự báo trong kỳ đánh giá tiếp theo, các ngân hàng Việt sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ về thứ hạng trong danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất./.