Giá vàng tuần này đã có cú bứt phá mạnh lên 1.801USD/oz vào ngày 14/10, nhưng sau đó áp lực chốt lời đẩy giá vàng xuống 1.764USD/oz và đóng cửa ở mức 1.767USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng mạnh lên mức 58,2 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó giảm xuống mức 57,6 triệu đồng/lượng theo đà giảm của giá vàng quốc tế. Trong nhiều tháng nay, giá vàng trong nước vẫn biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế, nhưng luôn có khoảng cách khá xa so với giá vàng quốc tế.
Sở dĩ giá vàng quốc tế tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 14/10 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 từ mức 6% xuống còn 5,9%. Việc điều chỉnh dự báo này được dựa trên cơ sở đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu còn kéo dài, áp lực tăng giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu và mối đe dọa của biến thể Delta vẫn đang còn hiện hữu. Đồng thời, IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm từ mức 7% xuống còn 6% trong năm nay.
Trong khi đó, lạm phát của Mỹ lại có xu hướng gia tăng khi CPI tháng 9 vừa được công bố tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 5,3% được ghi nhận trong tháng 8. Đây cũng là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Kinh tế suy giảm, nhưng lạm phát gia tăng khiến nhiều nhà đầu tư lại lo ngại về tình trạng lạm phát đình đốn của kinh tế Mỹ như đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trước đó.
Tuy nhiên, mối lo ngại nói trên đã được xoa dịu phần nào khi doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ tăng tới 0,7% sau khi ghi nhận tăng 0,9% trong tháng 8. Do đó, các nhà đầu tư lại quay sang chốt lời vàng, khiến giá kim loại quý này sụt giảm hơn 30 USD mỗi ounce xuống tới 1.764USD/oz.
Mặc dù doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng chủ yếu do giá bán ô tô, khí gas tăng mạnh, chứ không phải do nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ tăng cao. Do đó, đây chưa phải là tín hiệu lạc quan về đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ.
“Doanh số bán ô tô ở Mỹ tăng, nhưng không phải do số lượng ô tô bán ra không tăng mạnh, mà chủ yếu do giá bán tăng khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứt gãy. Trong khi đó, giá khí gas ở quốc gia này cũng tăng mạnh, góp phần làm tăng doanh số bán lẻ tháng 9. Do đó, tình hình tiêu dùng ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều”, ông Katherine Judge, Chuyên gia kinh tế của CIBC Capital Markets nhấn mạnh.
Trong biên bản cuộc họp tháng 9 được công bố tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn khẳng định sẽ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào giữa tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay và chấm dứt hẳn chương trình này vào giữa năm tới. Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát có xu hướng tăng cao và kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, FED có thể sẽ chưa thu hẹp mạnh mẽ chương trình QE, cũng như chưa thể tăng mạnh lãi suất cơ bản trong năm tới. Do đó, vàng vẫn hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Điểm bất lợi đối với vàng là Bitcoin vốn được coi là vàng 2.0 lại đang tăng giá mạnh trở lại, kéo theo dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào đồng tiền ảo này. Trong khi đó, người dân ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, lại vẫn đang tiếp tục bán vàng tích trữ để trang trải cuộc sống do dịch COVID0-19. Bởi vậy, giá vàng sẽ tiếp tục bị chi phối mạnh mẽ bởi các thông tin nóng phát sinh, chứ chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét trong ngắn hạn.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cho rằng giá vàng tuần tới sẽ tiếp tục tăng/giảm thất thường theo các yếu tố cơ bản, mà chưa có xu hướng rõ ràng. Nhà đầu tư có thể sẽ quay trở lại mua vàng khi doanh số bán lẻ của Mỹ tăng chưa phải do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, nên giá vàng tuần tới có thể sẽ phục hồi trở lại sau khi bị chốt lời cuối tuần này. Theo đó, mức 1.802USD/oz đang là mức kháng cự đầu tiên, kế tiếp là mức kháng cự mạnh tại 1.835USD/oz. Trong khi đó, mức 1.720USD/oz sẽ là mức hỗ trợ quan trọng, kế tiếp là 1.670USD/oz. Về dài hạn, giá vàng vẫn đang duy trì xu hướng tăng.
Trong tuần tới, không có nhiều số liệu quan trọng của Mỹ được công bố ngoài PMI sản xuất, doanh số bán nhà, chỉ số sản xuất công nghiệp … Do đó, giá vàng có thể ít chịu tác động bởi các số liệu kinh tế./.