Aa

Bình Dương: Dấu hiệu trục lợi từ chủ trương di dời nhà xưởng

Thứ Sáu, 04/12/2020 - 15:49

Chủ trương di dời nhà xưởng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là hoàn toàn đúng đắn của Bình Dương. Nhưng đã xuất hiện một số trường hợp có dấu hiệu “ăn theo” chủ trương này để trục lợi.

Được biết, vào năm 2010 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong các khu dân cư, đô thị trên địa bàn. Sau đó, một loạt các nhà xưởng trong khu dân cư được di dời đến khu, cụm công nghiệp.

Theo đánh giá, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các DN sản xuất vào các khu - cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm, tiếng ồn, cháy nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị tại 5 khu vực phát triển đô thị quan trọng nhất của Bình Dương, gồm: TP Thủ Dầu Một, TX.Thuận An (nay là TP Thuận An), TX.Dĩ An (nay là TP Dĩ An), TX Tân Uyên và TX Bến Cát theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại.

Mới đây nhất, vào tháng 7/2019 UBND tỉnh Bình Dương trình HĐND tỉnh thông qua kế hoạch hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị với mức chi lên đến gần 300 tỉ đồng.

Chính sách hỗ trợ tập trung vào 2 nhóm đối tượng gồm: hỗ trợ một lần đối với nhóm cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ, với mức chi 500.000 đồng/m2 nhà xưởng xây dựng hợp pháp (không quá 1 tỉ đồng cho 1 cơ sở); nhóm thứ hai là hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp bằng tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới.

Ở cả 2 nhóm trên, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc diện di dời được hỗ trợ bằng 3 tháng tiền lương cơ bản nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Bình Dương hiện đang có khoảng 150 cơ sở phải thực hiện di dời vào các khu, cụm công nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung ở TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Bến Cát và TX Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, giấy.

Nếu không thận trọng, chủ trương đúng có thể gây thất thoát tài sản nhà nước và băm nát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Bình Dương

Có thể nói, nhờ chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Bình Dương trong việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư và việc doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng khu dân cư đã tạo nên một đô thị Bình Dương văn minh, hiện đại. Hình ảnh các nhà máy cũ, ống khói xám xịt, đường dân cư bị băm nát bởi xe tải ra vào nhà xưởng… đã không còn, mà thay vào đó là những tòa nhà cao ốc, nhà phố khang trang.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện những trường hợp cá biệt. Điển hình là trên địa bàn TX.Dĩ An (nay là TP Dĩ An), quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019 của địa phương phải chạy theo phục vụ lợi ích của một số doanh nghiệp.

Cụ thể, về đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, kế hoạch được duyệt năm 2018 là 511,74ha, kết quả thực hiện năm 2018 là 494,08ha, giảm 17,66ha so với kế hoạch được duyệt. Lý do là một số khu đất đã chuyển sang đất ở để xây dựng các dự án nhà ở mới được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương trong năm 2018 như: Khu nhà ở thương mại VI, Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh IX, Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh X, Khu căn hộ - thương mại dịch vụ cao tầng đường Kha Vạn Cân…

Báo cáo kế hoạch sử dụng đất cuối năm 2018, của TX.Dĩ An cho biết, trong tổng số 29 dự án khu nhà ở dự kiến đăng ký vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 thì có 03 dự án khu nhà ở thương mại Phú Gia (diện tích 2,65ha), dự án khu nhà ở thương mại Phú Vinh (diện tích 2,65ha) và dự án khu cao ốc căn hộ Tân Việt Phát (diện tích 2,1ha) là không phù hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của thị xã Dĩ An đã được phê duyệt.

Cụ thể loại đất theo điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là đất cụm công nghiệp (SKN) và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (SKC). Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận cho phép Công ty TNHH quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam, Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh và Công ty TNHH TM&DV Tân Việt Phát là chủ đầu tư 03 dự án khu nhà ở thương mại nói trên.

Theo các chuyên gia, dù ở địa phương nào, chỉ cần chuyển đổi quy hoạch sử dụng đất cụm công nghiệp và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở, giá trị đất sẽ tăng gấp nhiều lần. Đây là “miếng mồi” cho quan chức các địa phương và doanh nghiệp sân sau đi thâu tóm nhà xưởng để hưởng lợi nhờ thay đổi quy hoạch ngay sau đó.

Việc chính quyền thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt, phục vụ cho lợi ích một số dự án và lựa chọn chủ đầu tư không thông qua đấu thầu khiến dư luận hoài nghi về nhóm lợi ích núp bóng chủ trương di dời nhà xưởng để trục lợi. Nếu không thận trọng, chủ trương đúng có thể gây thất thoát tài sản nhà nước và băm nát quy hoạch.

(còn nữa) 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top