Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, 10 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2024 chiếm gần 23% tổng vốn đăng ký cấp mới, đạt 8,66 tỷ USD. Dẫn đầu là tỉnh Bắc Ninh với 5,11 tỷ USD tổng vốn đăng ký (gồm 1.89 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới; 2,95 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm; và 0,27 tỷ USD vốn góp), chiếm 13,38% tổng vốn đăng ký trên cả nước, tăng 189% so với năm 2023.
Một số dự án FDI tiêu biểu trong năm 2024 tại tỉnh Bắc Ninh có thể kể đến là: Dự án sản xuất màn hình và linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Yên Phong của Samsung Display với tổng vốn đăng ký đạt 1,8 tỷ USD; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology với số vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD; dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD.
Vốn là một địa phương tập trung vào nông nghiệp thuần túy, trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Bắc Ninh đã trở thành trung tâm hàng đầu cả nước trong lĩnh vực chế biến, chế tạo với các dự án công nghệ cao. Song song với việc nỗ lực thay đổi và tháo gỡ, tạo điều kiện cho dòng vốn FDI "chảy" về địa phương, tỉnh Bắc Ninh cũng đã biến vốn đầu tư nước ngoài trở thành động lực thúc đẩy quan trọng trong quá trình hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn. Đồng thời, tỉnh cũng có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và mở rộng quy mô các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo sau tỉnh Bắc Ninh là TP. Hải Phòng với 4,94 tỷ USD tổng vốn đăng ký, tăng 51,4% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng 12,92% cả nước. Trong đó, phần lớn là vốn đăng ký tăng thêm tại các dự án, đạt 3,73 tỷ USD, chiếm 75,5% tổng vốn đăng ký.
Năm 2024, TP. Hải Phòng đã thu hút 1 tỷ USD vốn FDI tăng thêm tại dự án đầu tư mở rộng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ của Tập đoàn LG (Hàn Quốc), nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Hải Phòng lên 5,65 tỷ USD. Ngoài ra, một số dự án khác cũng thu hút một lượng lớn vốn đầu tư tăng thêm như dự án của nhà đầu tư Heesung (một trong những đối tác thân cận của Tập đoàn LG) tăng thêm gần 0,13 tỷ USD; dự án kinh doanh hạ tầng cơ sở khu công nghiệp của Tổ hợp KCN Deep C Hải Phòng tăng thêm 0,17 tỷ USD.
Với lợi thế về cơ sở hạ tầng thuận tiện nhờ đa dạng hình thức như cảng biển, sân bay quốc tế cùng với môi trường đầu tư thuận lợi, Hải Phòng đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất công nghiệp và có xu hướng chuyển dịch sang chế biến, chế tạo, cảng biển, logistics.
Các địa phương khác như TP.HCM chiếm 7,96% tổng vốn đăng ký cả nước, đạt 3,04 tỷ USD; tỉnh Quang Ninh chiếm 7,51%, đạt 2,87 tỷ USD; TP. Hà Nội chiếm 5,65%, đạt 2,16 tỷ USD; tỉnh Bình Dương chiếm 5,1%, đạt 1,95 tỷ USD; tỉnh Đồng Nai chiếm 4,92%, đạt 1,88 tỷ USD; tỉnh Nghệ An chiếm 4,58%, đạt 1,75 tỷ USD; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 4,48%, đạt 1,71 tỷ USD; tỉnh Hưng Yên chiếm 4,18%, đạt 1,6 tỷ USD.
Về số dự án, trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận 3.375 dự án cấp mới, tăng 1,8% so với năm 2023. Trong đó, TP.HCM là địa phương có số lượng dự án cấp mới nhiều nhất với 1.416 dự án, chiếm 42%.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thêm, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 25,35 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9,4% so với năm trước. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Xét theo ngành thì công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2024 với tổng vốn đăng ký mới đạt 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn toàn nền kinh tế, cao gấp 16 lần cùng kỳ. Đứng thứ hai tiếp tục là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 6,31 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 18,8% so với năm 2023. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện và bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 1,42 tỷ USD và gần 1,41 tỷ USD; còn lại là các ngành khác như xây dựng, vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông…
Đánh giá về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định khu vực đầu tư nước ngoài đang đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nước ta trong năm 2024. Cụ thể, khu vực này đã góp vào ngân sách nhà nước khoảng 20,49 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng thu ngân sách nhà nước.
Khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 50,3 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu hơn 48,6 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu hơn 25,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước. Qua đó, góp phần giúp cả nước đạt tổng giá trị xuất siêu khoảng 24,9 tỷ USD trong năm 2024./.