Vốn FDI chảy vào bất động sản tăng 89,1%
Báo cáo "Bất động sản Việt Nam 2024: Một năm nhìn lại" của Avison Young Việt Nam chỉ ra, ước tính đến hết tháng 11, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 trong top ngành thu hút FDI lớn nhất.
Theo đó, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng 89,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 5,63 tỷ USD. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, nhà đầu tư còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần (I&L), nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Do vậy, những nỗ lực cải thiện khung pháp lý bất động sản và phát triển hạ tầng đang góp phần giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.
Còn theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong 11 tháng qua, đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023; Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,89 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư, giảm 9% so với cùng kỳ; nối đuôi theo là Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản,…
Về số lượng dự án, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, chiếm 28,3% tổng dự án; Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn, chiếm 22,4% cũng như góp vốn mua cổ phần chiếm 25%.
Về phân bổ nguồn vốn FDI, dòng vốn đã chảy vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nổi bật là Bắc Ninh khi dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn FDI của cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Theo sau là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ. TP.HCM đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Nếu tính riêng số lượng dự án, TP.HCM cũng dẫn đầu cả nước, chiếm 42,3% số dự án mới, 14,7% số dự án điều chỉnh vốn và 70,9% số lượt góp vốn mua cổ phần. Các vị trí kế tiếp lần lượt là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương,…
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn vốn FDI dồi dào, một số phân khúc bất động sản sẽ có sự tăng trưởng nổi trội, gồm có căn hộ dịch vụ và bất động sản công nghiệp. Việc Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài được gia hạn thời gian sở hữu nhà ở tại Việt Nam lên tới 50 năm cũng được kỳ vọng sẽ hút thêm hàng triệu USD từ những người nước ngoài có mong muốn mua nhà tại Việt Nam.
Nắn dòng tiền vào đúng phân khúc
Vốn FDI được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản sau thời gian dài lao dốc. Tuy nhiên, để "nắn dòng" tiền vào đúng phân khúc, đảm bảo hiệu quả đầu tư lại là bài toán không dễ giải.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, song không thể phủ nhận, việc thu hút vốn đầu tư FDI vẫn tồn tại một số bất cập.
Cụ thể, một số vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản còn nhiều vướng mắc, chưa rõ ràng. Hệ thống pháp lý mới đã được ban hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành trong Luật vẫn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể, khiến doanh nghiệp bất động sản và cơ quan quản lý gặp khó khăn trong triển khai.
Chuyên gia này cũng cho rằng, các chính sách thu hút FDI cần có sự điều chỉnh, nhất là khi Việt Nam tham gia vào cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện tại, các ưu đãi thuế chưa được bổ sung và điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.
"Dù thị trường bất động sản Việt Nam đang bước đầu hồi phục, nhưng áp lực dòng tiền, tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam vẫn khá lớn cho những năm tiếp theo. Điều này có thể làm giảm tính hấp dẫn khi kêu gọi vốn FDI vào các dự án bất động sản liên doanh, liên kết cùng thực hiện, do các nhà đầu tư nước ngoài có thể cho rằng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam không đủ nguồn lực để thực hiện dự án đúng kế hoạch", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh thông tin thêm.
Để tạo động lực thúc đẩy dòng vốn FDI đầu tư vào bất động sản Việt Nam, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đề ra 5 giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, đẩy mạnh phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ tỷ giá hối đoái ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Đây là nền tảng để không chỉ thu hút dòng vốn FDI mà còn giúp thị trường bất động sản phục hồi và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến bất động sản; cần sớm ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn chi tiết các nội dung các Luật liên quan mới ban hành, làm cơ sở để các doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư nước ngoài an tâm hoạt động. Đồng thời, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý còn tồn đọng như về quy hoạch, hình thành bảng giá đất mới theo Luật 2024, đấu thầu đất đai…; chú trọng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị từ phía doanh nghiệp.
Thứ ba, cần công khai và hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Trên cơ sở đó, giữ ổn định lâu dài quy hoạch, kế hoạch các dự án đầu tư để các nhà đầu tư an tâm tính toán hiệu quả lâu dài của các dự án, yên tâm đầu tư vốn vào nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản.
Thứ tư, xây dựng môi trường kinh doanh bất động sản thuận lợi, minh bạch và công bằng đối với các doanh nghiệp bất động sản và nhà đầu tư nước ngoài; khuyến khích sự phát triển cũng như giám sát thị trường bất động sản và hoạt động kinh doanh bất động sản hiệu quả; thực hiện quản lý cung - cầu các loại hình bất động sản phù hợp với từng thời kỳ phát triển của thị trường, kịp thời điều chỉnh khi có sự dư cung hay sự tăng giá quá mức ở các loại hình bất động sản trên thị trường; thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Thứ năm, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách ưu đãi mới nhằm thu hút vốn FDI; đồng thời đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cũng như lợi ích của Nhà nước theo hướng giảm dần ưu đãi thuế, kết hợp với ưu đãi cắt giảm chi phí đầu tư, chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện…
Cũng bàn về giải pháp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề như rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel ..) phù hợp với thông lệ quốc tế; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng yêu cầu khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đặc biệt, chú trọng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai./.