Aa

11 dự án cao tốc Bắc - Nam có "điểm ra" qua các tỉnh, thành phố nào?

Thứ Tư, 03/06/2020 - 13:30

Trao đổi với PV, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua 13 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 654km.

Dù chưa “đóng mạch” toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội tới TP.HCM, nhưng một số “điểm nóng” giao thông sẽ được giải toả như đoạn: Hà Nội - Vinh; TP.HCM - Phan Thiết và đoạn Quảng Trị - Quảng Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định: Đây là dự án trọng điểm quốc gia với quy mô lớn nằm trên 13 tỉnh, thành phố gồm Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Vì thế, Bộ đang đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng, sớm khởi công toàn bộ dự án trong năm 2020, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021.

Hà Nội - Vinh (Nghệ An) mất 4 giờ

Trong báo cáo của Bộ GTVT có nêu rõ: 5 dự án cao tốc phía Bắc gồm Cao Bồ - Mai Sơn - QL 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu - Bãi Vọt dài 221km kết nối với 2 tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Hà Tĩnh còn khoảng 4h30 phút (thay vì 7 - 8 tiếng), từ Hà Nội đi Vinh (Nghệ An) chỉ mất chưa đến 4h thay vì phải chạy 6 tiếng như hiện nay.

Đối với tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài hơn 15,2km, hiện tổng mức đầu tư khoảng 1.607 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án duy nhất trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 được Bộ GTVT giao cho địa phương làm chủ đầu tư.

Điểm đầu của tuyến này bắt đầu từ đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quốc lộ 1A chạy theo phía tây đường sắt cao tốc Bắc - Nam tương lai, phía đông xã Yên Bằng, song song với hệ thống đê Cẩm, vượt sông Đáy tại khu vực khu công nghiệp Ninh Phúc, đi trùng với hành lang dành cho đường cao tốc của quy hoạch Khu công nghiệp Ninh Phúc - khu đô thị Tam Điệp.

Nối tiếp đó, cao tốc Mai Sơn (Ninh Bình) - QL45 (Thanh Hóa) dài 63,37km, phân kỳ đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17m, tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2021.

Dự án có điểm đầu tại nút giao Mai Sơn (Km274+065) thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; Điểm cuối tại Km337+000 sau vị trí giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng tại lý trình Km337+000 thuộc vị trí giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa là điểm đầu kết nối với Cao tốc QL 45 - Nghi Sơn. Dự án dài 43km, quy mô 4 làn xe với bề mặt nền 17m, cho phép chạy 80-120km/h, có tổng mức đầu tư 6.333 tỷ đồng.

Về hướng tuyến 2 cao tốc trên từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến Nghi Sơn (Thanh Hoá) sẽ đi sang phía Tây quốc lộ 1A, đi tiếp đến phía Tây Bắc Nhà máy xi măng Duyên Hà, vượt núi Mỏm Thần - Giao quốc lộ 12B tại thôn Yên Thịnh, xã Yên Bình vị trí khoảng Km 2+800, sang Nông trường Đồng Giao - Giao với đường tỉnh 512 (Bỉm Sơn - Phố Cát).

Đi ở phía Tây khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy - Vượt sông Mã ở thượng lưu ngã ba Bông - Vượt sông Chu ở thượng lưu ngã ba Đầu - Giao với quốc lộ 45 và quốc lộ 47 ở phía tây thị trấn Rừng Thông (Km63+250 của quốc lộ 45) - Giao với QL45 tại thôn Bi Kiều, xã Trung Chính, huyện Nông Cống - Giao với đường tỉnh 508 tại xã Công Liêm, huyện Nông Cống - Vượt qua hồ Yên Mĩ ở thượng lưu đập - Giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành đang thi công.

Đối với, đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, theo thiết kế kết nối trực tiếp với cao tốc QL 45- Nghi Sơn tại Km380+000 (nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành), thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Điểm cuối tại Km430+000 nằm tại nút giao Diễn Cát (giao với Quốc lộ 7), Diễn Châu, Nghệ An.

Dự án có chiều dài 50km, giai đoạn phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc 80km/h; giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc 100 - 120km/h. Tổng mức đầu tư 8.381 tỷ đồng.

Nối tiếp đó là cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt có hướng tuyến đi về phía Nam từ điểm giao với Quốc lộ 7 đi cắt qua khu kinh tế Đông Nam (giao cắt với đường N1 và đường N2 của khu kinh tế Đông Nam), tuyến đi men theo khe núi Chạch vượt qua hồ Xuân Dương sau đó vượt qua núi Thần Vũ, tuyến tiếp tục đi về hướng Nam và cắt ngang qua khu công nghiệp Nam Cấm (giao cắt với đường N5 thuộc khu công nghiệp Nam Cấm và QL48E - ĐT534 cũ).

Tuyến tiếp tục đi chếch hướng Đông Nam, phía Đông núi Lưỡi Hái, giao với tuyến QL46B tránh thành phố Vinh; tiếp tục đi song song cách tuyến tránh Vinh khoảng 50m, giao với QL46 hiện tại, cắt qua ĐT542C và vượt qua đường sắt Thống Nhất tại địa phận xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, lách qua khe giữa núi Thành và núi Non, vượt để tả sông Lam và QL46C tại vị trí giáp ranh hai xã Hưng Phú, Hưng Khánh, vượt đê hữu sông Lam và giao cắt với QL8A, điểm cuối nằm sau nút giao QL8A, thuộc xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án có chiều dài khoảng 50km, nền đường 17m, vận tốc 80km/h, tổng mức đầu tư 13.400 tỷ đồng. Theo thiết kế, trong giai đoạn 1, sẽ thi công nút giao Hưng Tây (giao Quốc lộ 46 tránh TP. Vinh).

Thông mạch kinh tế Miền Trung

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam kiểu mẫu được Thủ tướng Chính phủ chính thức phát lệnh khởi công vào tháng 9/2019.

Dự án có chiều dài 98,35km, điểm đầu ở xã Cam Hiếu (H.Cam Lộ, Quảng Trị), điểm cuối tại La Sơn (xã Lộc Sơn, H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư.

Giai đoạn đầu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23m; dự kiến hoàn thành vào năm 2021.

Về hướng tuyến của dự án đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ trùng với đường Hồ Chí Minh, đi qua phía tây nam TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị; cũng như qua phía tây nam các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau khi hoàn thành cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ kết nối với La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của Quốc lộ 1 trong trường hợp tuyến đèo và hầm Hải Vân xảy ra sự cố, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh.

TP.HCM đi Phan Thiết chỉ mất 2,5 tiếng

Một trong những đoạn tuyến quan trọng khác đó là TP.HCM đi Phan Thiết - Nha Trang cũng đang là điểm nghẽn, hiện tại từ TP.HCM đi Phan Thiết khoảng 5 - 6h trong khi đi Nha Trang phải mất 8-9h.

Sau khi tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang thông suốt, tuyến này đi chỉ mất trên 5h còn từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ mất 2h30 phút.

Đáng chú ý là tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm khoảng 49,5 km có nền đường 17m, thiết kế vận tốc từ 80 - 120 km/h, có tổng mức 7.615 tỷ đồng.

Tại dự án này, sự thay đổi lớn nhất là tuyến đường sẽ không đi qua trường bắn huyện Diên Khánh mà thay vào đó là men theo sườn núi hướng Tây Bắc - Đông Nam, vượt qua núi Hòn Ngang. Khu vực này sẽ xây dựng một đường hầm dài khoảng 480m. Đoạn đường cao tốc này kết thúc tại xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm), có tổng chiều dài khoảng 29km.

Sau đó, kết nối với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (có tổng chiều dài 104km). Đây là dự án trọng điểm qua 3 tỉnh Khánh Hoà - Ninh Thuận - Bình Thuận.

Tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo bắt đầu từ Km29 tiếp nối với dự án Nha Trang - Cam Lâm (xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hóa) tuyến đi về phía Tây cách đường sắt Bắc - Nam khoảng 450 - 500m, đến Km30+263 bố trí nút giao Cam Ranh và tuyến nối với QL1 tại Km1490+200 (QL1), tiếp theo tuyến đi sát chân núi, tại Km32 đổi hướng rồi đi thẳng đến phía Tây khu dân cư Tân An, xã Cam An Bắc, đi sát chân núi Ta Lua, Hòn Ngang, cắt ĐT9 tại Km42+033 (Km8+750/ĐT9), đến Km43+600 hết địa phận huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa).

Từ Km43+600, tuyến đi vào địa phận TP. Cam Ranh, qua khu vực ruộng lúa đến sát chân núi Hòn Ông, vượt eo núi khu vực Dốc Sạn (3 mỏ đá Cam Phước, Hố Hành, Dốc Sạn đang khai thác); cắt qua QL27B tại Km53+200 (Km50 + 300/QL27B - bố trí nút giao liên thông); đi sát chân núi Hòn Dung, phía sau trường dân tộc nội trú Cam Ranh; vượt đường Xóm Mới - Cam Thịnh Tây, Sông Cạn, núi Giác Lan bằng cầu cạn. Sau đó, tuyến đi phía hạ lưu hồ Ma Trai, đến Km59 hết địa phận TP.Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Từ Km59, tuyến đi vào địa phận huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận), vượt mép phía Đông hồ Sông Trâu, bám theo sườn phía Tây núi Cô Lô, hạ dần độ cao bằng cầu cạn, cắt qua ĐT706 tại Km63+767, đi sắt chân núi Pháo Kích, Đa Cao, Bà Râu, tại Km70+200 bố trí nút giao Du Long và tuyến kết nối với QL1 tại Km1534+300 (QL1).

Sau đó, tuyến đi sát chân núi Ông Ngài, đến Km76 chuyển hướng Tây Tây Nam, đến Km80 hết địa phận huyện Thuận Bắc. Từ Km80, tuyến đi vào địa phận huyện Bác Ái, đi theo hướng Tây Tây Nam, đến Km83 chuyển hướng Tây Nam, đến Km85+500 hết địa phận huyện Bác Ái.

Tiếp đó, từ Km85+500, tuyến đi vào địa phận huyện Ninh Phước, đi phía Tây san bay Thành Sơn, sát chân núi phía Tây núi Ngỗng, cắt qua QL28 tại Km92+815 (Km261+100 QL27 - bố trí nút giao liên thông), vượt sông Dinh tại Km93+700, cắt qua ĐT708 tại Km94+750, đi sát mép phía Tây khu dân cư Phước An, xã Phước Vinh, đến Km100 đổi hướng Nam đi gần chân núi Đồi Hai, đến Km109+200 hết địa phận huyện Ninh Phước.

Từ Km109+200, tuyến đi vào địa phận huyện Thuận Nam, đi cách phía Tây đường dây 220kv Vĩnh Tân - Tháp Chàm từ 120 - 200m, cắt qua ĐT709B tại Km111+330, vượt sông Giá tại Km111+865, cắt qua ĐT709 tại Km113+055, đi phía hạ lưu hồ Sông Biêu, Km118+865, cách chân đập khoảng 160m, đi bám sườn núi nâng dần cao độ đến Km122 (cửa phía Bắc hầm núi Vung) hết địa phận huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận).

Từ Km122, tuyến đi vào địa phận huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận), cắt qua eo núi Vung. Tại đây, bố trí hầm Núi Vung, từ Km124 tuyến hạ dần cao độ, đi giữa thung lũng tạo bởi núi Ông Sâu và núi Nước Mặn, đi sát chân núi Ông Mức (thượng lưu hồ Đá Bạc), kết thúc tại Km134, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Dự án được thiết kế với vận tốc 100 - 120km/h, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m. Trong đó, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, cầu rộng 17,5m. tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18.464 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian thi công).

Tiếp đó là cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết có chiều dài 100,82km, quy mô 6 làn xe, bề rộng 22,5m; phân kỳ đầu tư giai đoạn I là 4 làn xe, chiều rộng 17m, tốc độ tối đa 80 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 12.900 tỷ đồng.

Trên tuyến có 5 nút giao liên thông gồm nút Vĩnh Hảo nối vào Quốc lộ 1; nút Chợ Lầu (Quốc lộ 1 - Phan Sơn); nút Đại Ninh (Quốc lộ 28B); nút Ma Lâm (Quốc lộ 28); nút Phan Thiết (quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh) và 2,8 km đường kết nối với Quốc lộ 1 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Tiếp nối với cao tốc trên là tuyến Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu tại Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận (trên quốc lộ 1A).

Hướng tuyến của cao tốc này sẽ đi qua địa bàn các xã, thị trấn: thị trấn Phú Long, Hàm Thắng, Hàm Liêm, Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc), Mương Mán, Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam), Suối Kiết, Gia Huynh (huyện Tánh Linh) của tỉnh Bình Thuận; Xuân Thành, Xuân Trường, Suối Cao, Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), Bảo Quang, Bình Lộc, Suối Tre (TP. Long Khánh), thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) của tỉnh Đồng Nai.

Điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, kết nối với dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (khoảng km 41+600 theo lý trình đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây)

Dự án có chiều dài khoảng 98km, đường cao tốc tốc độ thiết kế 80 - 120km/h, quy mô 4 làn xe với bề mặt nền 25m. Tổng mức đầu tư 14.400 tỷ đồng.

Sau khi 5 tuyến cao tốc phía Nam này hình thành, sẽ giúp cho việc lưu thông khu vực TP.HCM - Đồng Nai - Bình Thuận - Ninh Thuận - Khánh Hoà giảm đáng kể thời gian đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực trọng điểm này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top